LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


 

(30 Tháng Tư 1975)

luân tế

(viết theo một chương trong WHITE LOTUS)


Tâm uể oải trèo lên mười mấy bậc thang làm bằng sắt sơn màu xám xịt dẫn lên boong tầu trên. Chàng gần như kiệt sức vì thiếu ngủ, thiếu ăn và vì những nghĩ ngợi về đất nước, về thân phận, về tương lai càng cào cấu dữ dội hơn trong lòng từ lúc Tâm là người cuối cùng đặt chân lên chiếc tầu này lúc gần 2 giờ sáng. Trong nỗi buồn day dứt, một dòng tư tưởng ám ảnh trong đầu Tâm: Đây là tuyệt địa. Không còn đường về nữa. Lời hát, “Mẹ Việt Nam ơi, chúng con hãy còn đây”, vang lên trong không gian tưởng tượng riêng của Tâm một cách cay đắng vì cũng trong cái không gian tưởng tượng đó vang lên những lời khác, át hẳn “chúng con hãy còn đây” : Con xin chào Mẹ. Con xin phép Mẹ con đi. Con xin lỗi Mẹ. Con đã không làm tròn bổn phận với Mẹ. Xin Mẹ tha thứ cho đứa con bất hiếu này. Mẹ Việt Nam ơi! Vĩnh biệt Mẹ!

Chiếc tầu vận tải khổng lồ bắt đầu lướt sóng. Trên boong không một bóng người. Ở các khoang tầu sâu bên dưới thiên hạ vẫn còn đang lo tìm chỗ ngủ, chỗ nằm, chỗ ngồi. Nhiều người khóc ròng - trẻ con cũng khóc nhưng là một thứ khóc khác. Kẻ thì quỳ gối cầu nguyện, cám ơn Thượng Đế đã ban phước lành bằng sự cho con tầu nhổ neo ra khơi với gia đình đầy đủ, nguyên vẹn. Tâm nhìn đồng hồ. Ba giờ sáng.

Đêm hôm qua, hơn 700 người đã leo được lên tầu. Một chiếc tầu há mồm đã vào tận bến để đón từng đợt ra chiếc tầu lớn đậu ngoài xa. Nếu chiếc tầu há mồm này không đến thì có lẽ 700 người này vẫn còn đang chờ và không biết phải làm gì hơn. Những chiếc xe tải quân đội sau khi đổ người xuống bến đã đi từ lâu và không ai có đủ can đảm quay về trại tạm cư trong lòng đảo bằng đường bộ với gia đình nheo nhóc. Và lại càng không đủ can đảm ôm vợ hay con bơi ra tầu lớn.

Ra tới cạnh chiếc tầu lớn rồi thì mới thấy là chuyện lên được trên tầu khó hơn mọi người nghĩ. Bởi vì lối lên tầu duy nhất là một cái thang dây dài khoảng 20 thước thả từ trên xuống, đong đưa theo chiều sóng và chiều gió. Thêm vào đó, chiếc tầu há mồm thường xuyên bập bềnh, lắc lư trên mặt biển làm cho việc nắm được chiếc thang dây để leo lên cũng không phải là chuyện dễ.

Và bóng tối. Ánh sáng vàng của một chiếc đèn pha duy nhất từ trên rọi xuống, chưa tới mặt nước thì đã loãng nát, tan vào lớp sương mù phủ lên đám người lố nhố, loay hoay, cuống cuồng tìm đường sống.

Tên “Xịa” David đã tính toán là trẻ con và người già sẽ lên tầu trước. Nhưng bóng tối và nhịp đu đưa của chiếc tầu há mồm như một mối đe dọa làm mọi người ngần ngại, án binh bất động, ngửa cổ lên nhìn chiếc tầu khổng lồ trước mặt, thấy chiếc thang dây đập thình thình vào thành tầu mỗi khi gió và sóng cất lên. Không ai, kể cả những thanh niên, nghĩ là mình có thể vừa giữ thang, vừa leo lên mà không tuột tay ngã xuống biển hay bị dập mình vào thành tầu bằng sắt có thể vỡ đầu, gẫy xương như không. Và vì thế không ai nhúc nhích. Con nít khóc như di. Đàn bà con gái mặt xanh như tầu lá níu chặt lấy thanh sắt trên thành tầu há mồm. Các ông có tuổi thở dài. Lũ thanh niên nhìn nhau, rồi nhìn quanh. May mà không ai trông rõ mặt ai trong bóng tối nên mấy chàng trai trẻ cũng đỡ ngượng.


Tâm và một anh chàng to con và hai người nữa chụp lấy chiếc thang dây rồi ghì chặt xuống trong lúc David, với thằng bé độ 3 tuổi bám trên lưng, vừa leo lên thang vừa chỉ cho đám người ở dưới cách leo. Cho đến khi David lên tới trên, leo vào trong tầu lớn rồi thì đám đông phía dưới mới hơi yên tâm, lấy tinh thần, bắt đầu leo.

Một bà lên được nửa chừng thì sợ quá, dính cứng trên thang giây làm mấy người đang đu đưa ở dưới kẹt luôn. Một ông già đang bám vào thang dây ngay dưới chân bà phải vừa năn nỉ, vừa lớn tiếng nạt nộ một lúc bà mới chịu leo tiếp.

Nhà văn đã có tuổi, vừa cai thuốc phiện được gần 8 ngày, chân đi vẫn chưa vững, cũng phải leo. Được hai phần ba đường thì kiệt sức. Trước khi buông tay đầu hàng số mệnh thì ông liếc xuống đám người lố nhố trong khoảng tối phía dưới. Đột nhiên hai bàn tay ông nắm chặt thang dây như tìm lại được một sức mạnh cuối cùng; không phải vì quá sợ nhưng vì ông nghĩ đến chuyện khi thân hình ông rớt xuống thì thế nào cũng có vài ba người trên tầu há mồm chết theo ông. Những người đó có tội tình gì đâu mà phải chết theo mình, ông nghĩ, rồi nghiến răng, lấy tất cả hơi tàn, leo tiếp.

Với chiếc hộp đựng cây đàn bầu gia bảo cột chặt trên lưng, người nhạc sĩ già leo thoăn thoắt. Thời còn trẻ làm trung phong cho hội tuyển đá banh ở Nam Định và mấy chục năm chơi quần vợt đã tạo cho ông một cặp giò chắc nịch.

Từng người nuối đuôi nhau xếp hàng một trong lòng tầu há mồm chờ đến lượt mình leo lên thang dây thử sức với định mệnh. Có lẽ vì động lực tìm sống quá mạnh hay vì biết là buông tay ra là chết nên không ai rớt. May mà tất cả mọi người đều không mang theo hành lý lúc leo lên thang. Bây giờ thì Tâm mới hiểu lý do tại sao mọi người được lệnh gom tất cả các va li vào một góc rồi đi tay không, va li sẽ được xe tải đem ra bến rồi chuyển lên tầu sau. Nghĩ đến đó, Tâm chợt thấy là chàng không hề nhìn thấy đoàn xe tải đem va li tới bến, và dĩ nhiên là không có chuyện va li được mang lên tầu trước khi nhổ neo.

Gần 1000 chiếc va li đâu rồi nhỉ? Tâm thắc mắc trong lúc một cơn gió lạnh chợt ập tới làm chàng kéo cổ áo lên tìm hơi ấm. Có lẽ là thằng “Xịa” David đã nhận được lệnh từ cấp trên bắt nhóm người di tản bỏ lại của cải trên đảo vì, vào phút chót, biết là không thể mang lên tầu được; và dùng những của cải bỏ lại đó mua sự hợp tác của giới chức thẩm quyền trên đảo vào giai đoạn sau cùng của cuộc di tản.

Tâm khoanh tay lên ôm xiết lấy lồng ngực như thể cố gắng cản bớt hơi lạnh biển đêm, rồi nhìn lại Phú Quốc với vài ánh đèn lung linh trên đảo xa dần trong màn sương.

Tám ngày ở trên đảo trôi nhanh như môt giấc mơ. Bẩy trăm người bỏ lại mộ phần, gia đình, tài sản, con cái, họ hàng, làng nước, tổ tiên, đi tìm sống theo lệnh di tản của tòa đại sứ Mỹ ra tạm cư ở Phú Quốc chờ ngày miền Nam mất vào tay Cộng Sản rồi sẽ được đem ra khỏi nước một cách chính thức. Lệnh lên tầu được loan báo vào lúc sáu giờ chiều hôm qua, ngày 29 tháng Tư.

Tầu chạy thật nhanh. Tiếng máy tầu rầm rì. Sóng nước cuồn cuộn lên đằng đuôi như một con rắn bạc khổng lồ trằn mình đuổi theo sát lưng con thủy quái.

Một nỗi mệt mỏi chợt bao trùm cả thân xác lẫn tinh thần Tâm. Hai đầu gối chàng khuỵu xuống. Chàng quay vào trong, tựa lưng vào thành tầu, rồi lết từ từ ngồi xuống boong. Hơi sắt lạnh từ thành tầu thấm vào lưng làm Tâm rùng mình như người lên cơn sốt rét. Tâm gắng gượng ngồi im rồi nhắm mắt lại. Người chàng chùng xuống. Chàng không còn muốn suy nghĩ nữa. Chàng không còn muốn thức nữa. Chàng không còn muốn sống nữa.

Tiếng động và ánh nắng nóng hừng hực của mặt trời làm Tâm tỉnh giấc. Có tiếng nhạc hùng trên radio Sài Gòn - những bản quân hành thường được phát vào những cuộc đảo chính - vang lên đâu đó rất gần xen với tiếng chân chạy thình thịch, tiếng người lớn ồn ào, tiếng trẻ con la ơi ới. Chàng mở mắt nhìn đồng hồ tay. Mười giờ kém năm.

“10 giờ đúng, Big Minh sẽ lên đài phát thanh nói chuyện,” một người đàn ông nói.
“Có ai thấy mấy cái vali đâu không?” một người đàn bà rít lên.
“Tôi đi khắp tầu suốt từ sáng mà không thấy vali đâu hết,” một người khác trả lời.
“Có ai thấy chúng nó mang vali lên tầu đêm hôm qua không?”
“Không.”
“Có thấy cái vali nào đâu. Các ông các bà có thấy cái nào không?”
“Không.”
“Không.”
“Không”
“Đồ khốn nạn!”
“Quân xỏ lá!”
“Chết tôi rồi. Bao nhiêu là tiền bạc của cải giấy tờ tôi bỏ trong đó hết. Chúng nó bắt mình gom tất cả lại rồi nói là sẽ đem đi sau.”

Có tiếng gào lên thất thanh. Có tiếng khóc nức nở. Có giọng chửi tụi “Xịa” đểu cáng không tiếc lời. Đề tài chính là những chiếc vali trong đó gồm tất cả những gì các người tị nạn gom góp nghĩ là có thể đem đi được: tiền đô, vàng thẻ, nữ trang, hình ảnh, giấy tờ tùy thân, được lệnh gom lại vào một góc trại tạm cư để đem đi sau nhưng hiển nhiên là đã bị bỏ lại trên đảo vì một lý do nào đó. Nhưng đã quá muộn. Tầu đã chặt giây.

Tiếng nhạc hùng trên đài phát thanh bỗng dưng tắt phụt. Như thể nhận ra ý nghĩa nghiêm trọng của sự im lặng này, mọi người ngừng nói, ngừng đi, ngừng khóc, ngừng chửi.

Có tiếng xèo xèo trên radio. Ai cũng nhô mình ra phía trước, gióng tai, chăm chú.

“Kính thưa quý thính giả, Tổng Thống Dương Văn Minh sẽ nói chuyện cùng quốc dân đồng bào,” một giọng nói quen thuộc mà ai cũng biết là của một Thiếu Tá thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, cất lên.

Một khoảng thời gian chờ đợi nặng nề trôi qua. Không ai nhúc nhích, chỉ sợ mất cơ hội nghe được những lời, những chữ sẽ đi vào lịch sử muôn đời.

Rồi thì giọng nói trầm trầm, hiền hòa miền Nam của Đại Tướng Dương Văn Minh phát ra từ chiếc radio:
“Kính thưa quốc dân đồng bào. Sáng nay tôi đã ra lịnh cho các đơn vị quân đội buông súng …”

Lòng Tâm thắt lại. Chàng gập người xuống như bị một cú đấm thật mạnh vào bụng. Cổ họng chàng nghẹn lại. Đầu óc chàng lùng bùng. Tiếng nói của vị Tổng Thống sau cùng của Việt Nam Cộng Hòa trên radio vẫn tiếp tục nhưng Tâm không còn nghe gì nữa…

Lời tuyên bố buông súng đầu hàng của vị nguyên thủ quốc gia không phải là điều đáng ngạc nhiên dựa trên những biến cố quân sự xẩy ra trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa trong những tháng vừa qua. Lệnh rút quân, những Đại Lộ Kinh Hoàng, tinh thần binh sĩ, sự hèn nhát, chạy trốn của cấp chỉ huy, sự thay đổi liên tiếp trong guồng máy chính quyền, thái độ hờ hững đem con bỏ chợ của Hoa Kỳ; tất cả những thứ đó cộng với sự phản bội đất nước của những cá nhân như Tâm và những người cùng chạy trốn ra Phú Quốc rồi trên chiếc tầu chở hàng này làm cho lời tuyên bố của Ông Dương Văn Minh như một sự kiện sẽ phải xẩy đến.

Nỗi đau mất nước và sự tủi nhục trong sự thất trận làm những giọt nước mắt không còn nén xuống được nữa. Tâm và một số bạn đồng hành của chàng chung quanh chiếc radio khóc như cha chết, khóc thảm thê, khóc như chưa bao giờ biết khóc. Một số khác thì sững sờ, lặng người, không thể tưởng tượng được là miền Nam Việt Nam lại có thể rơi vào tay Cộng Sản một cách dễ dàng như thế này.

Đột nhiên, người cầm chiếc máy thu thanh nhỏ giơ tay ném mạnh chiếc radio xuống biển.

Giữa tiếng khóc và tiếng sóng biển, một giọng hát cất lên. Người đàn ông bắt đầu hát, giọng khản đặc vì xúc động, hai giòng nước mắt lặng lẽ lăn trên hai gò má xương xẩu, đen đủi:

“Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi…
Đồng lòng cùng đi, hy sinh tiếc gì thân sống…”


Từng người một, hơn bẩy trăm người trên tầu, già trẻ, lớn bé, trên boong tầu, dưới lòng tầu cùng đứng nghiêm, cộng thêm giọng của mình vào ban đại hợp xướng đang hát một lần cuối cùng bản quốc ca, ngậm ngùi khóc cho mảnh đất chính bản thân họ, hay anh em họ, bố họ, con cái họ, chú bác họ, bạn bè họ đã đổ máu ra bảo vệ trong thời gian gần 20 năm.

Khóc cho phận nước, họ cũng khóc cho phận mình. Chọn con đường tìm sống, họ đã chối bỏ quê hương. Ra đi, họ là những con người vô tổ quốc.

“…Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng…”

Khi những lời sau cùng của bản quốc ca nhạt đi trong tiếng sóng và gió, số phận của những con người trên tầu bây giờ đã trở nên rõ rệt:

Họ đã thành dân tị nạn.

.

luân tế

Please click the on the link below to listen to an oral rendition of this story broadcast on radio

timsong radio.mp3


                                back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

Make a free website with Yola