LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


ANH TÔI


Lê Báu hơn tôi hai tuổi.


                                

CC

Chiều ngày Thứ Ba 18 tháng Giêng 1966 - hai mươi bẩy Tết năm Ất Tỵ, tôi đang loanh quanh ngoài chợ Vũng Tầu. Khi gần đến Au Favori, phòng trà nhẩy đầm trên lầu hai, đối diện với mặt chợ thì có tiếng gọi tên tôi. Tôi nhìn sang bên đường, chỗ mấy quầy bán trái cây. Một người lính Quân Cảnh lái chiếc xe nhà binh “Dodge Quatre” - 4x4 - thắng gấp rồi lớn tiếng nói vọng sang:

          “Anh về nhà ông Hùng đi. Ông ấy nhờ tôi đi vòng vòng kiếm anh đó.”

          Ông Hùng, trung sĩ Quân Cảnh, là chồng của cô Phương, em ruột của bố tôi. Tôi hay đi la cà vào mấy cái bar với Chú Hùng ở Vũng Tầu nghe Chú Hùng đấu tiếng Mỹ với mấy anh chàng G.I. nên một số lính Quân Cảnh biết mặt. Với cái khả năng tiếng Mỹ “ăn đong” của tôi lúc đó thì Chú Hùng là người nói tiếng Mỹ với cái giọng hay nhất mà tôi từng nghe. Thời đó tôi đang làm việc cho một cơ quan quân sự của Mỹ cạnh trường Thiếu Sinh Quân, nằm đối diện với phi đạo sân bay, bên phải quốc lộ từ Saigon ra Cấp. Chắc là gọi điện thoại cho tôi không gặp nên Chú Hùng nhờ mấy anh QC đi tuần trong thành phố tìm tôi vì biết là với cái thị trấn nhỏ như Vũng Tầu thời đó, chỉ đi tìm một vòng quanh chợ hay ra bãi trước vào mấy cái bar hoặc nhà hàng ăn là thế nào cũng thấy.

 

Ở trại gia binh, Cô Phương ôm lấy tôi mếu máo, “Bố gọi điện thoại cho Chú Hùng, nói là thằng Báu chết rồi.”

 

Lần sau cùng anh em tôi gặp và đi chơi với nhau là đêm Giáng Sinh năm trước, cách đó hơn ba tuần. Tôi đã không định về Sài Gòn ăn Noel lần này vì Báu đã gọi cho tôi nói là phải ở lại đơn vị vào những ngày lễ Tết theo lệnh trên. Lúc đó Chuẩn Úy Thiết Giáp Lê Báu đang đóng quân ở Paris, Hố Bò, thuộc tỉnh Bình Dương.

          Từ ngày còn bé, Báu và tôi lúc nào cũng như bóng với hình. Hai anh em học chung trường, chung lớp, ngồi chung bàn - từ tiểu học ở Puginier tại Hà Nội cho tới năm đệ Tứ ở Nguyễn Bá Tòng. Đến khi tôi vào được Chu Văn An thì Báu phải xuống Mạc Đĩnh Chi dưới Phú Lâm. Nhưng chỉ mấy tháng sau là bố tôi nhờ cụ giáo Lan xin cho Báu về Chu Văn An. Thế là chúng tôi lại cùng học - và trốn học - những năm đệ Tam, Nhị, Nhất. Đã có lúc Báu là học trò cưng của thầy Trần Bích Lan năm đệ Nhất vì Báu mê lối dậy Triết của thầy nên hay điếu đóm, nhất là ô mai vì Thầy Lan thích ăn ô mai. Tôi và Báu không bao giờ cúp cua vào giờ Triết. Chúng tôi chơi với một số bạn cùng trường và một vài thằng học trường khác; và sau này, lúc bắt đầu đi nhẩy đầm, “sài” chung đào. Có một lần trong vũ trường, N.A., một cô bé rất dễ thương, nouvelle vague, chịu chơi, em của một ca sĩ nổi tiếng thời đó, đã có lần mắng cả tôi lẫn Báu, “Em đâu có phải là quả ba lông đâu mà các anh cứ ném sang hết tay người này đến tay người khác.”

          Chiều ngày 24, Báu từ Bình Dương gọi cho tôi và nói là đang sửa soạn từ Bình Dương về Sài Gòn đi “bum” với lũ bạn. Báu nói với tôi là sẽ có Điệp “hôi” trong đám “đào” tối Giáng Sinh; em này nhẩy giỏi và có vẻ chịu Báu nhất, sau này Điệp lấy chồng rồi đi sang Nouvelle Calédonie. Tôi lặng người vì đã quyết định không về sau khi Báu nói với tôi là phải ở lại đơn vị đêm Noel. Nhìn đồng hồ, tôi biết là nếu tôi có chạy ra quốc lộ đón xe đò về ngay cũng không kịp. Xe đò chiều Vũng Tầu –Sài Gòn giờ này chắc chắn là hết chỗ, “lơ” xe cũng rút vào trong ngồi đếm tiền, không thèm vẫy khách; và tài xế sẽ không ngừng lại đón khách trên đường chỗ tôi làm việc. Đón được cái xe “lam” để chạy ra bến xe ở cạnh chợ thì lại mất thêm nửa tiếng nữa mà cũng chưa chắc đã có chỗ.

          “Chắc tớ về không kịp đâu. Giờ này xe đò chắc chắn là hết chỗ rồi.” Tôi thở dài.

   Nói xong câu đó, tôi thấy giọng Báu hình như tươi hẳn lên qua điện thoại.

          “Thế tao lấy bộ complet của mày mặc tối nay nhé?”

          Bộ complet đây là bộ đồ duy nhất, mới tinh, hàng mỏng, mầu xám xanh, rất nhạt, rất elegant, với những ô “ca-rô” mờ nhỏ xíu, tôi mới may ở “Elegant” cạnh rạp Casino Dakao, chưa mặc lần nào. Dạo sau này, mấy cái “bum” mở ở các biệt thự sang thường hay đòi hỏi “áo choàng, cà vạt” trên thiệp nên sau một thời gian dài đi mượn “veston” tứ tung, tôi quyết định trích ra một số tiền trong số gửi về nhà giúp nuôi các em để may một bộ. Nhưng tôi chưa có dịp nào để khai trương bộ complet mới. Anh em tôi khổ người na ná giống nhau. Báu hơi ngăm đen, da tôi tôi trắng hơn. Báu to con hơn tôi một chút. Tôi cao hơn Báu một chút. Tóc Báu mượt, mềm, hơi dợn sóng. Tóc tôi cứng như rễ tre. Chúng tôi mặc quần áo của nhau, không phân biệt. Có một lần mẹ tôi cho hai đứa tiền may một cái quần “sans plis” hàng “gabardine” mầu ve chai để mặc với chiếc áo sơ-mi hàng nhung kẻ mầu mơ chín, có hai túi nắp mà tôi thích nhất. Nhưng cái quần lúc nào cũng như mới cắt chỉ, chưa bao giờ mặc. Lý do: cái quần này nằm trong tiệm cầm đồ trên đường Yersin, gần Khu Dân Sinh, quanh năm, để chúng tôi lấy tiền đi nhẩy đầm, thường là ở Mélodie hay Đồng Khánh trong Chợ Lớn. Không dám mặc vì không có tiền hấp quần trước khi đem đi cầm vì tiệm cầm đồ không nhận cầm quần áo không sạch.

Mỗi lần cầm quần được 25 đồng. Mỗi ly trà đá xuất “matinée” - từ 2 giờ đến 6 giờ chiều - ở Mélodie hay Đồng Khánh là 5 đồng. Còn dư đồng nào thì mua thuốc lá ở đầu hành lang dài, hai bên là gương, dẫn lên thang máy ở Mélodie trên đường Tổng Đốc Phương. 3 đồng mua được 4 điếu Ruby Queen. Mỗi sáng hồi còn học ở CVA, mẹ tôi cho mỗi đứa 5 đồng trước khi đi học. Vé xe buýt mất 1 đồng một lượt; 2 đồng ăn cơm tấm; 1 đồng uống nước mía. Chúng tôi không dám đụng đến tiền xe, nhưng sáng nào hai thằng cũng nhịn đói, chịu khát để có 4 điếu Ruby trong túi áo.

  Thấy Báu hỏi về bộ complet, tôi hơi đau nhưng cố lấy vẻ “tỉnh”.

          “Ừ, thì bồ cứ về nhà mà lấy.”

          Nhà đây là nhà của bố mẹ tôi, ở vùng Phú Thọ Hòa.

 

Tôi tiếp tục làm việc nhưng trong bụng vẫn ấm ức về vụ bộ complet. Đến gần 5 giờ thì có tiếng nói to nhưng rất khó nghe ở ngoài hành lang. Ra cửa thì thấy anh cố vấn người Úc, tóc đỏ, tên là “Red” đang nói gì đó với Hoàng thông dịch. Hoàng nhìn quanh, thấy tôi và mấy người nữa đang đứng ngó, dò hỏi.

          “Thằng ‘Red’ nói là nó có reserved một cái Cessna 7 chỗ về Sài Gòn ăn Noel tối nay. Có thằng nào muốn đi thì nó cho đi ké,” Hoàng tuyên bố.

          Sáu thằng, kể cả Hoàng, chất lên chiếc xe Jeep do anh chàng “Red” lái, chạy như bay ra phi trường Vũng Tầu, ngay bên kia đường.

 

Về đến Tân Sơn Nhất, “Red” cho cả bọn chúng tôi quá giang ra đầu Lăng Cha Cả bằng chiếc Corvair mầu đỏ. Tôi xuống xe rồi nhẩy lên chiếc xích lô máy đang chờ khách ở góc đường, không trả giá.

          “Bác cho tôi về Phú Thọ Hòa.”

          Bác tài biết ý, vứt ngay điếu thuốc rê đang hút giở xuống đất, đạp máy xe rồi leo lên, phóng như bay.

 

Tôi bảo bác xích lô chờ trước cửa nhà.

          Nhà tôi đang ăn cơm tối. Câu đầu tiên tôi hỏi sau khi chào ba má tôi là:

          “Báu về chưa má?”

          Mẹ tôi gật đầu.

          “Có anh lính nào đó chở bằng xe Vespa ghé một tí rồi đi ngay.”

          Tôi đi nhanh lại cái tủ đứng ở góc phòng trong, mở cánh cửa tủ. Bộ complet mầu xám xanh nhạt, “ca-rô” mờ, chưa khai trương của tôi không còn trong tủ nữa. Trên mắc áo là bộ complet hàng Tergal mầu đen chỉ chuyên dùng cho đám ma và đám cưới của ba tôi. Tôi len lén lấy bộ quần áo, lục trong ngăn kéo được một cái sơ-mi trắng và một cái cà vạt mầu nâu nhạt của ba tôi, nhét tất cả mấy thứ vào trong một cái túi, rồi ra phòng ngoài, xin phép ba má tôi đi chơi tối.

 

Đường từ Phú Thọ Hòa lên Bàn Cờ vắng tanh. Tôi xuống xe ở góc Phan Đình Phùng và Nguyễn Thiện Thuật, trả tiền xe xích lô máy rồi chạy như bay vào trong hẻm dẫn đến nhà Tuấn Lùn - sau này Trần Anh Tuấn lái trực thăng và bị bắn rớt trên Kontum, chết mất xác, làm nát lòng ông bà Sáu “Nguội”. Cho tới khi thấy bóng người lố nhố trên ban công gỗ, tiếng cười ha hả, tiếng nói chuyện vang vang xen lẫn với lời hát “Be Bop A Lu La, You’re My Baby!!!” rất điệu, ngập ngừng như muốn tắc nghẹn của Gene Vincent ở trên lầu vọng xuống, tôi mới an tâm.

 

Báu cười thật tươi khi thấy tôi xuất hiện đầu cầu thang. Chàng đã lên khung chỉnh tề với bộ complet màu xám xanh, hàng mỏng với những “ca rô” mờ mà tôi chưa có dịp mặc.

 

Cho tới bây giờ tôi vẫn không quên được nét thất vọng trên mặt Báu khi tôi lặng lẽ, lạnh lùng lôi trong cái túi ra bộ complet đen “đám ma-đám cưới” của ba tôi, đưa cho Báu. (Ba tôi mập hơn tụi tôi nên Báu chỉ mặc được cái veston, tuy rất rộng)

 

Cái niềm vui được “dù” về Sài Gòn, đi chơi với bạn và đào - bạn trước, đào sau - và được khoe bộ complet mới tinh trong đêm Noel của Báu, tôi nghĩ, bị giảm đi 50% vì cái hành động ích kỷ của tôi. Tôi không nhớ là chúng tôi đi nhẩy ở đâu sau khi lượn một vòng ở Bonard và Catina. Tôi cũng không nhớ là hôm đó có Chính “Congo”, một người bạn đã mất sau này tôi mới biết là rất thân thương trong nhóm CVA hay không.

          Tôi chỉ nhớ mãi nét mặt thất vọng của Báu và ân hận suốt cả cuộc đời tôi, vì chỉ ba tuần sau đó thì Báu không còn nữa.

 

Theo lời kể của những người trong đơn vị thì Báu chết vì một viên đạn bắn sẻ từ trong bụi rậm tại Paris, Hố Bò, Bình Dương. Các bạn đồng đội kể lại cái chết của Báu sáng sớm ngày 27 Tết:

Trên đường hành quân về, đi qua một ngôi làng cháy rụi, Báu trông thấy một bà cụ già đang ngồi khóc, bảo người tài xế M.113 dừng lại, leo xuống, tiến lại bà cụ già để hỏi thăm thì bị một viên đạn Việt Cộng bắn sẻ. Báu ngã xuống, tay ôm bụng.

Lúc trực thăng tải thương đến thì không kịp nữa.

 

Gia đình tôi chôn Báu vào ngày cuối cùng của năm Ất Tị tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Ba tôi lấy chiếc kéo nhỏ cắt một mảng tóc thật mềm, hơi dợn sóng của Báu. Tôi dùng chiếc máy ảnh Yashica chụp lễ an táng. Tất cả những hình ảnh đen trắng rất rõ và đẹp lúc rửa. Chỉ trừ ba tấm ảnh tôi chụp Báu nằm trong quan tài với nét mặt thật an bình thì hoàn toàn trắng như thể tôi dí ống kính vào chụp cận ảnh một tấm vải liệm.

 

Báu thích hát, và hát hay. Bài Báu thích hát nhất và đi đâu cũng hát - phần nhiều là trong những buổi sinh hoạt cuối năm của các trường - là bài Cô Hàng Nước của Vũ Minh. Sau này tôi mới biết đây là biệt hiệu của Vũ Huyến, một người anh/bạn rất thân trong cuộc đời nghệ sĩ của tôi. Và không hiểu tại sao, trong một buổi họp mặt tất niên tại trường Hưng Đạo, tôi ngạc nhiên khi Báu tự giới thiệu bằng một cái tên mới lúc cầm micro hát: Mai Quỳnh. Tôi không biết Báu lấy cái tên này ở đâu và tại sao lại lấy tên hai loài hoa ghép lại thành “ca hiệu” của mình. Thường thì chuyện gì Báu cũng nói với tôi nhưng chuyện lấy tên này chính tôi cũng không biết. Nhưng cái tên Mai Quỳnh này có dính tới một hiện tượng xẩy ra sau này, khó tin nhưng có thật.

          Vào khoảng năm 1970, tôi làm ở đài Tiếng Nói Tự Do. Một hôm đi vào bàn giấy của một người bạn sau giờ làm việc thì thấy phòng tối thui, chỉ có ánh sáng lù mù của cây nến trong một góc phòng. Lại gần thì thấy người bạn của tôi đang ngồi cầu cơ với cô thư ký. Từ xưa tôi vẫn không tin mấy cái trò mê tín dị đoan này. Anh bạn mời tôi ngồi lại xem anh chạy “cơ” bằng ngón tay trỏ. Tôi thấy “cơ” chạy nhưng không tin. Sau một lúc, “cơ” ngừng. Anh bạn tôi hỏi tôi có muốn thử ngồi cầu cơ không. Tôi hơi do dự nhưng vì tò mò nên nhận lời thay chỗ của anh. Cô thư ký nói với tôi “cơ” này thiêng lắm và nếu tôi muốn hỏi “cơ” điều gì thì cứ việc hỏi – bất cứ việc gì. Tôi cũng muốn thử xem “cơ” này có thật là thiêng như cô thư ký nói không và chuyện cầu cơ mà thiên hạ từng nói có thật không. Và tôi đặt một câu hỏi: “Tôi có một người anh ruột chết trận cách đây mấy năm. “Cơ” có biết người đó tên là gì không?”

          Mẩu giấy bìa nhỏ hình trái tim mầu hồng dưới hai ngón tay trỏ của tôi và cô thư ký bắt đầu chạy vòng tròn trên bàn cơ, nhanh dần, nhanh dần, rồi cực nhanh, kéo cánh tay của tôi theo. Tôi cố cưỡng lại bằng cách trì ngón tay xuống mặt bàn cơ nhưng không ăn thua gì. Chừng một phút sau, “cơ” chạy chậm dần, chậm dần rồi ngưng ở chữ M. Tôi cười thầm, tự nhủ: “Hố rồi, em ơi.” Ngón tay tôi lại bị kéo đi. Lần này “cơ” ngừng ở chữ A rồi chữ I. Cho đến lúc đó tôi cũng vẫn chưa nghĩ ra cái “ca hiệu” rất ít dùng và ít người biết của Báu; cho tới khi “cơ” ngừng ở chữ Q, ngọ nguậy một lúc rồi đứng yên như thể thách thức tôi có muốn “cơ” đi tiếp không, thì mồ hôi lạnh trên trán tôi đổ ra như suối. Và một lúc sau, “cơ” chạy sang chữ U rồi Y rồi N rồi H… cho tôi biết là câu hỏi của tôi đã được trả lời. Và câu trả lời, tuy tôi biết trong tiềm thức, không hề hiện diện trong trí óc tôi lúc đó để có thể có ảnh hưởng đến việc ngón tay tôi điều khiển “cơ” một cách vô thức.

 

Rất nhiều bạn cũ, lúc gặp lại, thường hay chỉ nói: “Cậu/Mày/Toi là em Lê Báu mà, biết rồi.” Nhưng hầu như tôi chưa gặp ai kể lại với tôi những kỷ niệm cũ với Báu. Trừ một trường hợp. 40 năm sau  ngày Báu chết .

 

Năm 2006, tôi ở gần San Diego. Nhà tôi nhỏ nhưng vườn sau rất rộng. Vợ tôi thích trồng hoa và cây ăn trái. Có người mách cho là có một trung tâm recycle thực vật ở gần nhà. Ở đó có rất nhiều các loại đất mầu đã được biến chế từ cây cỏ. Cứ mỗi tháng tôi đến đó một lần lấy đất mầu về cho vợ bón cây.

          Một hôm, đang xúc đất vào bao nylon thì thấy một cặp vợ chồng người châu Á cũng trạc tuổi tôi lái xe đến rồi cứ ngẩn ngơ đi qua đi lại, nhìn, tính toán một lúc khá lâu, chắc là không biết phải làm gì, lấy gì. Khi người chồng đi qua chỗ tôi, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ: “You need help?”Anh này trả lời rằng có người cho biết là đến đây lấy được đất mầu rất tốt để trồng cây, nhưng thấy có nhiều loại quá, không biết phải lấy loại nào cho đúng. Tôi nói với anh là vợ tôi sai tôi đi lấy loại đất mầu chỗ tôi đang đứng để về bón cây và tôi, thiên lôi chỉ đâu đánh đó, chỉ biết đến thế mà thôi. Anh cám ơn tôi rồi đi về chỗ người đàn bà đứng. Tôi cúi xuống tiếp tục xúc đất thì nghe thấy có người nói chuyện bằng tiếng Việt Nam sau lưng. Quay lại thì thấy hai ông bà đang bàn với nhau xem có nên lấy đất không và lấy bao nhiêu. Cũng bằng tiếng Việt, tôi giải thích thêm cho hai người. Họ cám ơn tôi và nói chuyện qua loa một vài phút thì tôi được biết là người đàn ông ngày xưa ở trong quân đội – Thiết Giáp. Tôi nói là tôi cũng có người anh đi Thiết Giáp nhưng đã tử trận 40 năm về trước. Người đàn ông hỏi tên. Tôi nói anh tôi tên là Lê Báu. Người đàn ông nhìn tôi một lúc rồi hỏi tôi có phải là Lê Tuấn không. Tôi nhận. Người đàn ông nói anh là bạn đồng khóa với Báu và còn là đồng sàng vì ngủ chung một chỗ trong suốt thời gian ở quân trường. Anh nói là sau khi Báu chết, có một vài lần gặp bạn bè nói chuyện về Báu thì có người nói là Báu có người em đóng kịch trên truyền hình rất nổi tiếng thời đó là tôi, Lê Tuấn. Tuy anh chưa gặp hay xem tôi trên TV bao giờ nhưng vẫn nhớ đến dữ kiện này.


Sau cái chết của Báu, có một cái gì thay đổi trong con người tôi. Tôi không còn hứng đi chơi với lũ bạn cũ và thú vui nhẩy đầm cũng không còn nữa. 


Bộ complet mầu xám xanh nhạt, “ca-rô” mờ sau này tôi có mặc đóng kịch trên TV mấy lần, rồi cũng chẳng biết để đâu. 

 

Báu sinh ngày 17 tháng 10 năm 1944…Lúc tử trận, Báu mới tròn 22 tuổi. 

 

 Bây giờ mỗi lần xem báo đến trang Obituary, thấy di ảnh những thanh niên trên dưới 20, đẹp trai, đội mũ lệch - như ảnh Báu trong quân phục đại lễ ngày ra trường - hy sinh ở Iraq và Afghanistan, tôi lại nhớ đến 

ANH TÔI.

 

Luân Tế  

                                                                     



 Những cảm nghĩ của người đọc 

 

"Hố rồi em ơi", với câu nói này cùng với khuôn mặt của Lê Tuấn lúc đó, chắc dương dương tự đắc. Bởi cái gì mình không tin đang thành hiện thực ??? Nhưng những chữ dần hiện ra sau đó, đã làm cho LT ngỡ ngàng, để phải tin những gì mình không tin.


Là một kịch sĩ và cũng là một tài tử màn bạc, không biết lúc đó, anh LT diễn xuất khuôn mặt và cử chỉ như thế nào nhỉ?


Vì anh LT là em của anh LB nên mới đòi lại bộ đồ lớn, chứ nếu anh LT là anh, có lẽ sẽ không đòi lại để mặc trong đêm hôm đó ??? Nhưng cũng vì thế mà anh LT mới càng nhớ những kỷ niệm của 2 anh em hơn.


Tôi có 4 anh em trai, 3 đứa lớn tình nguyện gia nhập quân đội, may mắn còn sống qua cuộc chiến. Nhưng đứa thứ ba đã ra đi gần chục năm về trước vì ung thư dạ dầy, chỉ đến lúc em tôi hấp hối ở bên kia bờ đại dương, tôi mới thấy gần em tôi hơn. Hơn nữa, nó đã để lại cho tôi cuốn sổ nhỏ chép những bài hát mà 2 anh em tôi ưa thích, với hàng chữ thân tặng tôi do vợ nó viết, vì lúc đó em tôi đã không còn ngồi dậy được nữa. Cuốn sổ này được con tôi mang về Úc cho tôi, sau khi dự đám tang chú. Nghe tin chú đau nặng, con tôi đã thay tôi về quê hương thăm chú, không ngờ đúng lúc để chịu tang.


Anh em như thủ túc !!!??? Lúc đó những kỷ niệm mới ập về, mới thấy trống vắng như vừa mất đi một phần thân thể !!!???


Chia sẻ với anh L Tuấn.


Trần Cao Hoài

 

Tôi đọc hai bài về cha và anh của LT với nhiều cảm thông nồng nàn -- thấy lại được cái lăn lộn và yêu sống của tuổi trẻ vào thập niên 60 trong hoàn cảnh gian truân và “chịu chơi” hơn mình. Ngày xưa hay nói đến huynh đệ tương tàn. LT mang cái tương tàn vào chu vi cá nhân với nhiều dữ kiện tình cảm hiện thực linh động của tuổi hai mươi như trong một công án oán trách cái phi nhân tàn ác của chiến tranh – cũng như ảnh hưởng vào tin tưởng của một người cha về sự công minh của một đấng tôi cao (bài Cha Tôi).

Trong hồi tưởng và chia xẻ đau thương ta thấy hoài bão con người…

 

Nguyễn Minh (Râu)

Hey Tuan,

Lê Tuấn nói viết chuyện tiếng Anh dễ hơn tiếng Việt nhưng ở đây, người xem phải nói đọc tiếng Viết của Lê Tuấn,, dễ rơi nước mắt hơn tiếng Anh.

Bởi mỗi chữ , mỗi dòng, mỗi đoạn và mỗi ý của Lê Tuấn chỉ có tiếng Việt mới có những từ ngữ, những đối thoại đủ sức chuyên chở thẳng vào trái tim của người đọc, không cần phiên dich. Loại bỏ những sự cần thiết để suy nghĩ, tìm hiểu câu chuyện chính là mục đích của người viết.

Âm nhạc và văn chương khi gặp nhau ở chỗ này, có lẽ sinh ra cái gọi là nghệ thuật.

Âm nhạc luôn luôn dễ thành công nhưng để văn chương qua được cửa ải này, chỉ co trài tim của người viết mới làm được.

Lê Tuấn đã qua được chốn này.

 

Nguyễn Ngọc Phúc


                 Bài viết"Anh tôi" tuyệt cú mèo

Không ngờ Tuấn tài tử lại viết tiếng Việt hay như vậy!!!

Rất linh động và cách hành văn rất tự nhiên .Người viết có trí nhớ rất tốt về tên bài hát,tên ca sĩ  cũng như những chi  tiết rất  sống động của thập niên 60.

Bái phục!!!!

 

Trần Nam Hải

 


Trước hết xin chia buồn cùng bạn Lê Tuấn về cái tang của người Anh.

Sau nữa phải cám ơn Luân Tế đã viết lại bài này để chúng ta có thêm một bài để lại cho con cháu sau này về những người lính QLVNCH như thế nào.

 

Phạm G. Đại

 

I jut love the way you write be it in vietnamese or English. Bai nay vy doc nhieu lan lam, vy cam nhan duoc tinh cam giua hai anh em cua anh. Touching  

 

Cảm động lắm anh Tuấn à .  and he was very good looking  anh . Nhìn  oai quá

 

Vy không biê't viêt' văn  nên hông dám noí gì nhiêù . Vy nghĩ ngưoì viết là  để cho ngưoì ta đọc, nêú ngưoì đọc cảm nhận và chia sẻ đuoc nhưng  gì nhà văn muốn diễn tà  thì nhà văn đó đã thành công .  Vy rât' thich' lôi viêt' cuả anh Tuân', giản di và lôi cuốn ngưoì đọc . 

 

Doc. môt. chut' thì thâý Anh Tuấn  co nhiêù kỷ niêm  vui và đáng nhớ voí anh Baú, tiếc rằng quá ngắn nguỉ .

 

          Vy Nguyễn

 

Le Bau rat dep trai, dao hoa. Con nho khi tu tap tai nha Tuan"dzut"voi cac Ban khi moi biet pha phach  Bau luc nao cung ...nhe rang cuoi.

 

Bau chet khi chien truong da im tieng sung vi mot vien dan ban se.

 

Ngô Đình Hùng

 

Le-Tuan: Excellent, very touching story.  I was not aware that you had a brother who is a "Liet-si." 

Hats of to his soul and your family.

 

         Nguyễn Mạnh Hoàng Cương

 

Truyện vừa vui vừa thật ngậm ngùi, cảm động. Tưởng như không nói về chiến tranh mà chiến tranh cứ đè nặng tâm trí người đọc từ dòng đầu đến dòng cuối, gợi niềm thương xót tuổi trẻ VN một thời. Kỹ thuật viết của bạn ta cao cường lắm.

 

Lê Tất Điều

 

Tao vua moi ddoc xong chuyen may viet ve Le Bau.
Cam ddong lam nhat la khi may viet: tu ddo toi khong con thay vui va ham ddi nhay nua.
That la dday tinh nhan ban.
Xin cam phuc tai viet van va y tuong ddo cua may.

Vũ Trọng Tiến


Trên đường hành quân về, đi qua một ngôi làng cháy rụi, Báu trông thấy một bà cụ già đang ngồi khóc, bảo người tài xế M.113 dừng lại, leo xuống, tiến lại bà cụ già để hỏi thăm thì bị một viên đạn Việt Cộng bắn sẻ. Báu ngã xuống, tay ôm bụng.”

Bài viết thật cảm động và chỉ một đọan trích dẫn trên đã làm tôi mất ngủ suốt đêm vì đã sống lại kỷ niệm của thời chiến tranh VN
 

Tôi chắc Lê Báu trước khi bị hại vẫn thuộc lòng bài thơ "Après la bataille" của Victor Hugo, đi vào cuộc chiến với tất cả sự hào hùng và lòng quân tử
 
Nhưng cuộc chiến VN thì không như vậy, tôi đã chứng kiến tận mắt những cái chết do bắn sẻ, thường xảy đến vào những hoàn cảnh bất ngờ nhất khi trận chiến gần như im tiếng súng
 
Những lần đi hành quân truy kích, "đáng sợ" nhất không phải là gập VC (vì chúng đã chạy hết rồi) mà là gập một hai ông bà già trông rất "vô hại" ngồi bỏm bẻm nhai trầu hoặc hút thuốc rê cười cười thăm hỏi, có khi còn "mời các anh lính Quốc Gia vào uống nước"

Nhưng sau khi "các anh lính QG" rời chỗ thì thế nào cũng có anh bị bắn sẻ chết, bực mình quay lại tìm "thủ phạm" thì vẫn thấy các "ông bà" này ngồi đó mà mình cũng chẳng làm gì được vì họ không võ trang, vì mấy khẩu súng dùng bắn sẻ đã được quăng xuống ao, xuống giếng 

Ngoại trừ bị đầu độc vì lòng thù hận, mục đích chính của họ là làm chậm lại cuộc hành quân truy kích

 
Thời gian qua đã lâu, nhưng vẫn phải cám ơn nhà văn Lê Tuấn đã dùng ngòi bút qua một đoạn văn ngắn ngủi đã 
nói lên được thực chất của cuộc chiến
 
Nghiêm Hữu Hùng


                                                                                       back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

 

Make a free website with Yola