LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


 

NGƯỜI MỸ CUỐI CÙNG Ở VIỆT NAM

Luân Tế


Đường phố Sài Gòn nhộn nhịp một cách bất thường. Tiếng còi xe vang lên inh ỏi. Trên lòng đường, xe Jeep, 4x4 và “cam nhông”10 bánh hết xăng đứng tại chỗ, không những đã trở nên vô dụng mà còn làm cản trở lưu thông. Một vài chiếc, chắc là bị lột “dên”, khói bốc nghi ngút. Bốn góc ngã tư đều chật ních những xe. Xe đạp, xe gắn máy, scooter, xe ba bánh, xe xích lô đạp, xích lô máy, xe lam, xe ngựa, tắc xi, xe ô-tô dân sự, tất cả đều đang kẹt cứng, dậm chân tại chỗ khi Mark lái chiếc Vespa tới chỗ góc đường Hai Bà Trưng và Tú Xương.

Trên lề đường, người đi bộ không đi mà chạy, theo nhau mà chạy. Mark nghĩ đến những đoạn phim thời sự quay cảnh dân chạy loạn từ miền Trung hồi năm 72 trên Quốc Lộ số 1, đoạn đường được thế giới biết đến qua cái tên Đại Lộ Kinh Hoàng.

Những người dân miền Trung này đã “bỏ phiếu bằng chân”, bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả, tổ tiên chạy về hướng Nam lánh nạn Cộng Sản, tìm đường sống với chính quyền Cộng Hòa. Họ cứ chạy mà không cần biết nơi họ sắp dừng chân là đâu hoặc bao giờ thì an toàn để dừng chân.

Những người trên hai bên lề đường Hai Bà Trưng bây giờ cũng tìm đường tránh nạn Cộng Sản, cũng chạy loạn, nhưng phần lớn những người này biết là họ phải đi đâu, đến đâu, và biết là bao giờ, ở đâu thì được an toàn.

Những người này đang cố gắng tìm cách, càng nhanh càng tốt, để ra đến Bến Bạch Đằng tại bờ sông Sài Gòn, chỗ các tầu hải quan, tầu buôn, tầu vận tải, tầu đánh cá , tầu tư nhân đang chất người lên như xếp cá hộp trước khi nhổ neo ra khơi.

Một số những người khác chạy ngược lại, hướng về sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tư Lệnh Không Quân, chỗ những chiếc C-47, C-130, Caribou, DC-3, L-19, Cessna, T-28, A-37, F-5, trực thăng Chinook, Huey; những chiếc máy bay cánh quạt và phản lực của Air America, Air France, TWA, Pan Am, Air Vietnam đang lũ lượt cất cánh đem hành khách - các nhân viên sở Mỹ cùng bạn bè, thân nhân, vợ con - ra khỏi không phận Việt Nam, hướng về Mỹ Châu, Âu Châu, Thái Lan, Phi Luật Tân, hạm đội Thứ Bẩy đậu sẵn ngoài khơi.

Một số nữa cũng chạy nhanh không kém hướng về tòa Đại Sứ Mỹ hay một trong những biệt thự chung quanh thành phố, nơi có những bãi trống trong khuôn viên làm chỗ đáp cho trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến hạ cánh đón người Mỹ và những người được Mỹ cho di tản trước khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn.

Những người này còn làm cho Mark liên tưởng đến đám đông kéo nhau lũ lượt vào đêm Giáng Sinh trên đường Tự do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi đi tới điểm không ai hẹn ai mà đều gặp ở đó - Vương Cung Thánh Đường - để dự lễ mừng Chúa Hài Đồng lúc nửa đêm. Trong những năm Mark làm việc ở tòa đại sứ Mỹ ờ Việt Nam, chỉ có đêm đó là lần duy nhất anh thấy các đám đông tập hợp lại, “xuống đường”, không với chủ đích chống chính quyền vì lý do này hay lý do khác.

Một tràng đạn nổ đâu đó rất gần phía bên trái làm thiên hạ chạy nhốn nháo tìm chỗ trốn. Mark trông thấy khoảng trống, rồ máy chiếc xe Vespa nhẩy lên lề đường tìm lối ra. Chạy được khoảng 5 thước thì một người đàn ông từ đâu nhẩy vào mũi xe làm Mark quẹo bánh lái gấp sang một bên, mấy ngón tay cầm ambrayage tuột ra, chiếc scooter chồm lên, khựng lại, rồi chết máy. Cuống quýt, Mark đạp lấy đạp để cả chục lần mà máy vẫn không nổ lại; anh nhìn quanh, dựa chiếc Vespa vào một gốc cây, khóa cổ lại rồi, bắt chước những người chung quanh, chạy.

Nhà Thu ở trong khu chợ Bàn Cờ, cách đó khoảng 2 cây số. Đến đầu chợ trên đường Phan Đình Phùng thì chợ chiều đã vắng. Những hộp các tông chất đống, mùi rau cỏ héo, mùi thịt cá hôi tanh, và xác một con chó chết chặn đường vào nhà Thu. Mark nhịn thở, bước nhanh. Thu ở trong một căn nhà 2 tầng trong lòng một con hẻm sát mặt chợ. Tiếng radio vang vang. Mark nghe thấy đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, đài BBC, đài VOA…Dân trong xóm lao động với vẻ mặt lo âu nuốt từng câu từng chữ của các xướng ngôn viên, cố gắng tìm hiểu sự thực đằng sau những lời tuyên bố, những bản tin chiến trận về số phận mình, số phận thành phố Sài Gòn, số phận miền Nam Việt Nam sẽ đi đến đâu.

Trong nhà Thu cũng có tiếng radio nhưng không có tiếng người xướng ngôn mà chỉ có nhạc. Và tiếng nhạc, tuy đã biết trước, cũng làm Mark có cảm giác náo động. Bởi vì bản nhạc đang được phát ra từ chiếc máy radio nhỏ để trên chiếc tủ chè trong góc nhà là bài White Christmas của Irving Berlin do Bing Crosby hát. Từ mười ngày trước đây, tất cả những người Mỹ còn lại ở Việt Nam được lệnh mở radio trên đài FM của Mỹ 24/24 và khi nghe thấy White Christmas phát thanh liên tục thay cho chương trình thường lệ thì đó là hiệu lệnh cuộc di tản khỏi Việt Nam đã chính thức khởi đầu. Tiếng nhạc White Christmas đã khởi lên, mùa Giáng Sinh Tuyết Trắng đã tới dưới ánh mặt trời gay gắt, nhuộm đỏ thành phố Sài Gòn vào những ngày cuối tháng Tư. Và thông điệp của nó không phải là nói về một mùa Giáng Sinh thanh bình với tuyết rơi ngoài cửa sổ mà là hiệu lệnh cấp bách cho những người như Mark phải bỏ lại tất cả, tìm mọi cách di chuyển tới một trong những địa điểm ấn định sẵn để được trực thăng vận ra khỏi Việt Nam. Càng nhanh càng tốt.

Thu đang cố sức nhấn nắp chiếc va li xuống để đậy lại nhưng vì sức nàng yếu nên chiếc nắp lại bật lên. Mark đến bên cạnh, hôn trên má Thu rồi lấy tay chặn xuống, kéo chiếc fermature trên va li lại một cách dễ dàng. Xong rồi Mark đứng lên, hai tay sách hai chiếc va li.
“Mình đi đi em,” Mark nói với Thu.
“Nhưng mẹ em chưa xuống tới,” Thu trả lời.
“Mình gửi điện tín cho mẹ em mười ngày hôm nay rồi. Nếu bà muốn đi với mình thì bà đã tới rồi.”
“Thế nào mẹ em cũng xuống. Anh biết là lúc này đường từ Đơn Dương xuống đây khó khăn như thế nào.”
“Nhưng mà mình phải vào tòa đại sứ ngay bây giờ. Anh nghĩ chỉ mấy ngày nữa là mọi chuyện coi như xong. Nhiệm vụ của anh là phải trở vào tòa đại sứ ngay lập tức. Anh về để đón em chứ không phải về để chờ mẹ em.”

Thu lắc đầu.
“Em phải chờ mẹ xuống. Em không thể đi được. Em không thể bỏ mẹ lại được. Mẹ chỉ có một mình em.”
“Nếu mình không đi bây giờ thì “chúng mình” sẽ bị bỏ lại,” Mark gằn giọng rồi đi ra cửa.
“Nếu anh cần phải quay lại tòa đại sứ ngay bây giờ thì anh cứ đi trước. Em ở đây đợi mẹ rồi sẽ vào sau.”

Mark nói như quát, tuy bản tính của anh không phải là người hay nóng.

“Em không hiểu hay sao? Mình không còn nhiều thì giờ nữa. Mình không thể nào chờ mẹ em được. Chưa chắc gì mẹ em sẽ xuống.”
“Nhưng thế nào mẹ em cũng xuống với em.”

Một cái gì trong giọng Thu làm Mark dịu cơn nóng.
“Sao em biết?”
“Bởi vì mẹ thương em…và mẹ biết là lúc này em đang cần mẹ bên cạnh…”
“Em…” Mark ngừng nói, nhìn vào đôi mắt sâu thẳm mầu nâu nhạt của Thu. “Mẹ biết là em cần?...”

Thu gật đầu thật nhẹ.
“Em báo cho mẹ biết là em có thai…”

Mark sững người, đứng im một khoảnh khắc, rồi buông hai chiếc va li trên tay xuống, choàng tay ôm lấy Thu, xiết người nàng thật chặt.
“Cám ơn em.”

Khi Mark choàng tỉnh giậy thì chiếc đồng hồ trên tường chỉ tám giờ bốn mươi lăm. Mark đã bồng Thu lên lầu và hai người đã yêu nhau thật lâu, thật êm đềm vì sợ động vào cái thai còn non trong bụng mẹ. Thu vẫn ngủ thật ngon bên cạnh. Mark nhoài người ra khỏi giường, cố không gây tiếng động, sợ đánh thức Thu.

Mark mặc quần áo rồi ra ngoài ban công nhìn xuống. Trời đã tối hẳn. Đường hẻm vắng tanh. Vẫn không thấy mẹ Thu đâu.

Mark Mason, 38 tuổi, đã giữ chức vụ tham vụ báo chí của tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn từ tháng Sáu năm 1970. Thu làm việc tại phòng đánh máy ở lầu một. Hai người bắt đầu đi chơi với nhau khoảng hơn một năm, tuy thật ra Mark đã theo đuổi Thu từ lần gặp nàng đầu tiên vào ngày Thu mới vào làm việc ở tòa đại sứ hơn hai năm trước, lúc đó Thu mới 26. Có cảm tình với Mark nhưng Thu vẫn e dè với cái danh hiệu “Me Mỹ” xã hội vẫn gán cho các cô gái Việt đi bên cạnh những chàng Mỹ tóc quăn, mũi lõ, mắt xanh. Cho tới khi Mark gửi một chiếc máy bay Cessna của tòa đại sứ lên Đà Lạt đón cậu Năm, em mẹ Thu, rồi đưa vào bệnh viện dã chiến trong Tân Sơn Nhất, cứu được mạng sống của cậu Năm, thì Thu mới bằng lòng đi chơi với Mark. Cách đây 4 tháng, Mark đã lên Đơn Dương gặp mẹ Thu xin cưới nàng và mẹ Thu đã nhận lời cầu hôn. Thu nói với Mark rằng nàng đã đến chiêm tinh gia Huỳnh Liên xin ngày tốt và ông Huỳnh Liên đã nói đám cưới của hai người nên tổ chức vào ngày 30 tháng Tư, ngày tốt nhất cho cả hai tuổi.

Mark đã li dị Cathy, người vợ cũ, trước khi sang Việt Nam. Sau khi ra tòa, Cathy đem Grace, đứa con gái duy nhất của hai người đi mất vì biết Mark rất thương con và muốn trả thù Mark. Lần sau cùng Mark gặp con là ngày trước khi sang Việt Nam. Lúc đó Grace mới 6 tuổi. Những lần về phép, Mark đều về Mỹ thay vì đi nghỉ mát ở các nước khác vì anh hy vọng sẽ gặp được con. Nhưng Cathy đã đem Grace đi biệt tích. Năm năm nay Mark sống trong hy vọng và tuyệt vọng.

Có tiếng súng vọng về từ xa. Mark nhìn về hướng tòa đại sứ. Chắc giờ này cuộc di tản ở tòa đại sứ đã đi vào giai đoạn rầm rộ nhất nhưng vì nhà Thu ở khá xa nên không nghe thấy tiếng ồn của máy bay trực thăng. Mark chợt thấy đắng trong cổ họng. Một nỗi buồn khó tả dâng lên. Anh rất thích nước Việt Nam và vì thế đã xin ở lại đến nhiệm kỳ thứ hai; và sau đó thì Thu đã đóng vai chính trong việc giữ chàng nhân viên ngoại giao này ở lại Sài Gòn một nhiệm kỳ nữa. Thật đáng buồn, Mark nghĩ. Đúng là thân phận nhược tiểu. Bị dùng như một con tốt thí quân, không hề thương tiếc. Mark ở vào địa vị để có thể hiểu được những thế cờ giữa Mỹ, Trung Cộng, Nga Sô và Bắc Việt. Miền Nam đã từ lâu không còn nằm trong thế cờ đó nữa. Hai mươi lăm triệu dân miền Nam đã trở thành miếng thịt bò thơm phức để trên đĩa sẵn sàng để cho Cộng Sản Bắc Việt nuốt chửng.

Thấy khát nước, Mark đi vào trong. Thu vẫn ngủ say. Mark kéo chăn lên đắp cho Thu rồi xuống cầu thang. Điều đầu tiên Mark nhận thấy là chiếc radio không còn phát thanh White Chrismas nữa. Thay vào đó là những tiếng xèo xèo của làn sóng điện. Lặng người đi một giây, Mark đi nhanh ra cửa, nhẹ nhàng mở cửa ra, nhẹ nhàng khép cửa lại, rồi cắm cổ chạy ra ngoài ngõ.

Góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Phan Đình Phùng vẫn đông người. Mấy xe bán thịt bò viên vẫn có khách. Mark nhìn quanh xem có chiếc taxi nào không. Không thấy. Xích lô thì có nhiều nhưng quá chậm. Trông thấy một ông tài xế đang ngồi trên chiếc xích lô máy cầm bát bò viên húp xì xụp, Mark tiến đến bên cạnh, nói bằng tiếng Việt rất sõi, giọng Nam:

“Bác làm ơn chở tôi tới tòa Đại sứ.”

Người lái xe xích lô máy vội vàng húp nốt chỗ nước còn lại, nhẩy xuống, đưa bát cho người bán bò viên. Mark trèo lên xe. Bác tài đạp máy. Mãi mà máy không nổ. Mark sốt ruột nhìn quanh, định bước xuống tìm cách khác đi thì máy nổ. Bác tài rồ ga vài lần rồi chạy về hướng đường Hộng Thập Tự. Tuy Mark chỉ nói vỏn vẹn có ba chữ “tòa đại sứ”, nhưng chiếc xích lô máy tự động quẹo trái rồi trực chỉ tòa đại sứ Mỹ nằm trên đường Thống Nhất, gần Nhà Thờ Đức Bà. Xe quẹo trái ở Tú Xương, con đường vắng dễ chạy hơn. Gần đến Hai Bà Trưng thì Mark nẩy ra một ý tưởng ngộ nghĩnh. Anh nghĩ là cũng hơi lạ khi con đường mang tên Tú Xương - một nhà thơ “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”, để vợ tần tảo kiếm ăn trong khi mình ngồi gãi rốn làm thơ – lại nối ngang với Hai Bà Trưng, nữ lưu khởi nghĩa chống ngoại xâm.

Đi ngang chỗ bỏ lại chiếc Vespa hồi chiều thì không thấy nữa. Ra hiệu cho chiếc xích lô máy ngừng ở góc đường Thống Nhất, Mark trả tiền rồi bước thật nhanh về phía tòa đại sứ Mỹ.

Dưới mấy ngọn đèn đường vàng nhợt nhạt không đủ xua đi bóng tối, đám đông bao vây tòa nhà mầu trắng vẫn còn nguyên, có khi còn đông hơn hồi chiều lúc Mark rời tòa đại sứ về đón Thu. Lại gần hơn, Mark nhìn lên mấy vọng gác trên bờ tường cao. Không còn bóng dáng của những người lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ mặc áo giáp, đội mũ sắt, cầm tiểu liên đứng gác. Những người lính bảo vệ tòa đại sứ là những người di tản sau chót khi họ tháp tùng ông Đại Sứ Martin lên chiếc trực thăng cuối cùng, bỏ lại đằng sau hàng ngàn người đang đứng chờ một chuyến bay sẽ không bao giờ đến nữa. Và trong số những người đó, bây giờ, có cả Thu, Mark, và đứa con hãy còn trong bụng mẹ.

Vì một lý do gì đó mà chính Mark cũng không giải thích được – có lẽ là vì thói quen đảm nhận trách nhiệm giải thích sự việc liên quan đến tòa đại sứ - thay vì âm thầm quay về với Thu, anh tiến thẳng vào trong đám đông. Mark, tóc vàng, cao gần 1 mét 9, len vào giữa đám người tóc đen, trung bình trên dưới 1 mét 6. Mọi người quay lại ngước lên nhìn anh chàng người ngoại quốc cao lênh khênh tiến sâu vào trong đám đông. Mark tiến lại gần chiếc cổng chính đóng kín, leo lên một tảng đá to cạnh cây cổ thụ, giơ tay lên, nói bằng tiếng Việt. Tiếng Mark vang vang trong bóng đêm:

“Các ông các bà về nhà đi. Đừng chờ nữa. Tòa đại sứ đóng cửa rồi. Đại sứ Martin đã rời Việt nam bằng chiếc trực thăng cuối cùng. Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hoàn toàn chấm dứt.”

Đám đông, im lặng khi Mark bắt đầu nói, ồn ào trở lại. Cả trăm người nói cùng một lúc.

“Anh là ai?”
“Tôi…”

Mark vừa mở miệng thì những người đứng gần cổng nhất bắt đầu xô nhau tiến về phía trước trong những tiếng la ó.

“Phá cổng ra. Phá cổng ra xem còn thằng Mỹ nào trong đó không? Thằng này nói láo.”
“Tụi Mỹ bỏ rơi mình rồi.”
“Việt Cộng vào chắc chết quá.”
“Tôi làm cho Mỹ 20 năm mà bây giờ chúng nó bỏ rơi tôi.”
“Chồng tôi hãy còn ở trong đó, không biết đã đi chưa.”

Rổi thì đám đông bắt đầu chửi.
“Đ.M. mấy thằng chó đẻ Mỹ. Đồ phản thùng.”
“Nixon nói là không bao giờ bỏ rơi Việt Nam.”
“Thằng khốn nạn Ford yếu quá, để cho quốc hội lấn lướt.”
“Đ.M. thằng chó đẻ Kissinger.”
“Đ.M. thằng Martin.”
“Thằng khốn nạn nhất là thằng Kissinger.”
Mark thấy những câu chửi “thằng chó đẻ Kissinger” được lập lại nhiều nhất.

Những tiếng chửi nhỏ dần rồi tắt. Bỗng nhiên một giọng đàn ông cất lên rất to trong đám đông.

“Còn thằng Mỹ này nữa. Kéo nó xuống, đánh cho nó chết mẹ nó đi. Đ.M. nó.”
“Còn thằng Mỹ này nữa. Lôi nó xuống, đánh cho nó một trận cho nó chết mẹ nó đi.”

Vài chục người ồn ồn lập lại câu nói trong lúc những người đứng gần chiếc cổng kiên cố, quay lại nhìn Mark. Mark thấy họ dồn tới trước; những cánh tay đưa ra, nằm lấy quần, áo, chân, tay Mark kéo anh xuống khỏi tảng đá.

Và cứ thế, những cánh tay, những bàn chân, đấm, đá, dầy, đạp lên thân thể Mark, đại biểu cho những gì những người Việt Nam đứng quanh tòa đại sứ Mỹ chờ được di tản và bị bỏ rơi cho là những hành vi phản bội.

Một ý nghĩ lóe lên trong đầu Mark Mason, người Mỹ sau cùng ở Việt Nam, trước khi ngất đi dưới trận đòn thù, là anh đang hứng chịu số phận của những người Mỹ xấu xí với những cái tên quen thuộc, Nixon, Ford, McNamara, Bundy, Martin, Bunker, Kissinger,.

Và rồi Mark Mason không còn biết gì nữa trong khi đám đông dường như vẫn như chưa hả giận……..

luân tế

Muốn biết số phận của Mark Mason, “Người Mỹ Sau Cùng ở Việt Nam”, và Thu, với cái thai trong bụng, xin tìm đọc:
 

 MOTHERLAND

 a novel by Lê Tuấn.

 http://www.amazon.com/motherland-Novel-tuan/dp/1452804958/ref=sr_

1_2?ie=UTF8&s=books&qid=1273689891&sr=1-2



back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

 

Make a free website with Yola