LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


 

NGƯỜI NHẠC SĨ GIÀ VỀ QUÊ

 Luân Tế

 

 

Người nhạc sĩ già, một thời tăm tiếng lẫy lừng, đã vào ở trong một “nursing home” từ hồi đầu tháng Hai, sau Tết ta, và càng ngày càng cảm thấy cay đắng, ngậm ngùi cho số phận cô đơn của mình - không vợ, không con - trong lúc xế chiều của cuộc đời. Vợ ông đã mất vì bệnh ung thư sau hơn bốn mươi năm chung sống. Hai vợ chồng quyết định không có con từ lúc mới lấy nhau. Một phần vì kiếp nghệ sĩ nghèo bấp bênh, lại chẳng mấy khi cặp vợ chồng nghệ sĩ nào lấy nhau mà ở được với nhau trọn đời, nên hai vợ chồng khôn ngoan nhất định không đẻ để nhỡ sẩy ra chuyện đổ vỡ cũng dễ giải quyết. Và bây giờ người nhạc sĩ già lâm vào cảnh tứ cố vô thân, bệnh hoạn lê lết, sống nhờ vào viện trợ xã hội và trông nhờ vào lòng nhân từ của mấy ông bà trợ lý, y công, lúc nào mặt cũng hầm hầm như muốn ăn tươi nuốt sống mấy người già, bất lực lại còn hay đòi hỏi này nọ, làm phiền chuyện này chuyện khác.

            Người nhạc sĩ già nhìn quanh, cực kỳ cô đơn.

 

Đã lâu rồi ông không còn đánh đàn nữa. Những chuyến lưu diễn cũng đã ngưng từ mấy năm trước khi bà vợ mất. Người nhạc sĩ già nằm trên giường hồi tưởng lại những ngày vui theo đoàn hát trình diễn khắp nước Mỹ, Canada, châu Âu, châu Úc. Ông thèm được ngồi một mình trên sân khấu với một ngọn đèn rọi duy nhất chiếu xuống chỗ ông ngồi trên bục gỗ, độc tấu. Ông thèm được nghe những tiếng vỗ tay, những lời ca tụng của khán giả. Ông thèm được nghe chính tiếng đàn Bầu phát ra từ những ngón tay, từ tim, từ óc, từ đáy tâm hồn của ông. Tiếng đàn não nuột, rên xiết. Những nốt nhạc buồn, đầy tâm sự. Nhiều khi chính ông cũng đã rớt nước mắt khi phải dùng cả cuộc đời ông phả theo, sống với dòng nhạc, lúc tập dượt. Mới cách đây mấy ngày, trong một lúc xuống tinh thần tận cùng sau buổi ăn trưa nhạt nhẽo, ông lấy một chiếc CD độc tấu đàn Bầu của ông, bỏ vào trong cái máy hát nhỏ để đầu giường rồi bật lên nghe. Vừa đến lúc ông sắp sửa bật lên khóc vì nét nhạc buồn thê thiết thì thực tế phủ phàng giáng xuống đầu ông như một quả tạ ngàn cân. Cô y tá trẻ người Việt đứng khựng lại ở cửa phòng, xì một tiếng rồi thốt lên.

            “Trời đất quỷ thần ơi! Cái thứ nhạc gì mà  nghe ‘ghê” quá vậy?”

 

Câu nói của vô tình của cô y tá làm người nhạc sĩ già đau lòng không tả. Nhưng nó cũng làm ông sực tỉnh và nhận ra lý do tại sao khán giả của ông không còn đến với ông nữa.

            Lý do là vì tiếng đàn Bầu của ông đau thương quá, não nuột quá, thê lương quá.

 

                      

                                                                       

Người nhạc sĩ già bắt đầu nổi tiếng như cồn khi ông vừa chớm hai mươi, hơn nửa thế kỷ về trước. Lúc đó cũng là lúc quê hương ông đang trải qua những giờ phút đau đớn nhất trong lịch sử. Giai đoạn này kéo dài ba mươi năm trong đó anh giết em, con giết cha bằng bom bằng đạn cung cấp bởi các dân tộc ngoại bang. Tiếng đàn Bầu tuyệt vời của ông đến đúng lúc và hiện thân được nỗi lòng của dân, của nước ông trong suốt những năm chinh chiến đó. Những nốt đàn rơi rụng, buông lơi của ông giống như những giọt nước mắt rớt xuống từ những hốc mắt sâu hoắm của những người mẹ, người vợ khóc con, khóc chồng cho đến khi giòng lệ đã khô cằn.

            Nhưng bây giờ trên đất Mỹ những đau thương đó không còn nữa.

            Con người đã thay đổi. Thời thế cũng đã đổi thay. Chiến tranh đã chấm dứt.

Trên đất nước ông người ta không còn chết vì B-52 hay vì AK-47 nữa mà vì tai nạn lưu thông, vì xì ke ma túy, vì ăn phải thuốc rầy bón cho cây.

Khán giả của ông, sau gần ba mươi năm sống xa quê, cũng đã quen với cuộc đời mới, không còn đau xót cho số phận lưu vong. Con cái họ cũng đã nên người và phần đông là đã thành công trên mọi mặt. Họ không còn phải đến với ông, nghe tiếng đàn Bầu của ông để đắm mình trong nỗi sầu nữa. Họ không muốn nghe những âm thanh buồn bã đó nữa.

Còn những người vẫn muốn được nghe tiếng đàn Bầu của ông thì nay đã già, tai đã điếc, trí đã lẫn.

            Người nhạc sĩ già hy vọng còn tìm được lại khán giả của ông ở Việt Nam. Ông gần như chắc chắn là hãy còn người muốn nghe tiếng đàn Bầu của ông vì những nỗi thống khổ trên quê hương vẫn còn đầy dẫy.

            Người nhạc sĩ già thò tay xuống gầm giường vuốt ve chiếc hộp đàn. Trước sau gì rồi cũng đến lúc ông phải quyết định về số phận của cây đàn đã được truyền lại trong gia tộc và làm bạn với ông gần bẩy mươi năm; cây đàn có một không hai, làm bằng gỗ quý, ít nhất cũng đã trên một thế kỷ. Ông nghĩ là ông sẽ tặng nó cho bảo tàng viện âm nhạc. Chắc chắn là ở đó cây đàn của ông sẽ được nâng niu như một bảo vật. Ông chỉ sợ là một ngày nào đó, sau khi ông chết, nó sẽ phải chịu số phận tức tưởi của những vật dư thừa, không giá trị, nằm phơi mình dưới nắng chờ người qua lại đến trả giá ở chợ trời đường Goldenwest. Ông và chiếc đàn của ông tuy hai mà một. Nhờ nó mà ông thành danh. Ông không nỡ nhìn thấy nó nằm lăn lóc, bỏ bê, không người chăm sóc.

            Nghĩ đến số phận sau này của chiếc đàn yêu quý làm người nhạc sĩ già nghĩ lại thân phận của chính mình. Ông nghĩ là ông cũng phải làm một chuyện gì đó để tự quyết định lấy số mạng của mình trước khi đã quá muộn.

 

Lần đầu tiên kể từ lúc leo lên chiếc xe buýt đậu trên đường Hiền Vương lúc sáu giờ sáng ngày hai mươi mốt tháng tư năm đó, ra đảo Phú Quốc rồi sang Mỹ, người nhạc sĩ già cảm thấy trong lòng nhức nhối khi nghĩ đến ngày về. Không phải về chơi, kiểu Việt Kiều hồi hương, mà là về luôn. Tự nhiên ông có một ý muốn thiết tha là được sống những ngày còn lại trên mảnh đất quê hương, giữa những người cùng một chủng tộc và sau này, lúc ông chết, xác ông được vùi trong lòng đất mẹ. Ông không muốn chết ở cái phần đất xa lạ này vì ông chắc là linh hồn ông cũng sẽ cô đơn lắm. Ở dưới đó chắc họ cũng nói tiếng Anh, tiếng Mễ hay là tiếng Mọi Da Đỏ. Và dù lúc đó ông đã lìa cõi đời này rồi, ông cũng không thích thú gì khi phải chịu cảnh vừa câm vừa điếc một lần thứ hai vì không thông hiểu ngôn ngữ. Và ông cũng chắc chắn là ở dưới đó sẽ không có một cái “Tiểu Sài Gòn” để ông được tà tà ra phố Bolsa, vào trung tâm Phước Lộc Thọ ăn phở mỗi buổi sáng mùa đông, nhìn người qua lại dập dìu.

            Sau nhiều năm ăn trợ cấp tiền già cộng thêm với số vốn dành dụm, người nhạc sĩ già cũng có một số của. Hôm trước khi vào nhà già, ông đã ra tiệm Kiều Hạnh bán hết chỗ hột soàn vợ ông để lại – được hơn bẩy chục ngàn – rồi mang số tiền đó bỏ chung vào số tiền sẵn có để trong quỹ sắt ông thuê ở nhà băng Wells Fargo trên đường Brookhurst. Hiện nay trong quỹ đó có một trăm năm chục ngàn đô tiền mặt.

            Người nhạc sĩ già vói tay mở ngăn kéo chiếc bàn đêm đầu giường, lấy ra cái máy tính tí hon chạy bằng năng lượng mặt trời. Ông quen với máy này vì hồi xưa, khi còn lưu diễn, ông vẫn dùng nó để tính ra ngoại tệ lúc mua sắm. Phòng của ông ở hướng Tây nên nhiều nắng buổi chiều. Ông đặt máy xuống giữa một vệt nắng vàng loang trên giường, bên cạnh chiếc gối. Chỉ một lúc là máy tính đã đủ điện cho ông sử dụng. Ông nhấc máy lên, bấm mấy con số. Cộng, trừ, nhân, chia. Tính đi, tính lại. Và hai mươi phút sau thì người nhạc sĩ già đã tìm thấy đáp số của bài toán.

            Ông tính toán rằng, với số tiền ông có trong tay – một trăm năm chục ngàn đô – ông có thể về Việt Nam sống như một ông hoàng mất ngôi cho tới khi ông nhắm mắt lìa đời. Theo những dữ kiện ông đã nghe được từ nhiều nguồn khác nhau, ông biết là với số tiền năm trăm đô một tháng, ông có thể thuê một chỗ ở thoải mái, nuôi một người giúp việc nấu ăn, chợ búa, giặt giũ; và lúc nào sức khỏe kém thì thuê y tá đến tận nhà săn sóc. Ông tính toán là số tiền trong quỹ sắt sẽ cạn trong khoảng ba mươi năm. Hay nói một cách khác, đến năm ông một trăm lẻ sáu tuổi là lúc ông vừa vặn hết tiền. Người nhạc sĩ già bỏ chiếc máy tính xuống rồi mỉm cười. Ông không có ý định sống lâu đến thế. Và như vậy nghĩa là ông có thể tiêu tiền theo ý ông muốn, một ngàn đô một tháng chẳng hạn, và sẽ chết trước khi rỗng túi.

            Người nhạc sĩ già thấy yên tâm hơn. Việc ăn ở lúc này đối với ông không quan trọng bằng hậu sự. Nếu ông được chết quanh những người nói cùng một thứ tiếng thì ông sẽ, theo ngôn ngữ dân gian, mỉm cười nơi chín suối.

            Người nhạc sĩ già đi đến một quyết định. Chẳng có gì giữ được ông ở lại nước Mỹ này nữa. Cả thể xác lẫn tinh thần. Adios amigo!

                                                                       

Người nhạc sĩ già thả bộ trên vỉa hè Sài Gòn một buổi chiều. Gió t bờ sông thổi vào làm ông thấy dễ chịu. Dạo này ông đã hơi quen với cái nóng và bức của Việt Nam. Ông về đây đã hơn ba tháng rồi. Một người bạn cùng quê tử thưở hãy còn đánh đinh đánh đáo ở Ninh Bình, tên là Hùng, đã giúp đỡ ông rất tận tình. Hùng vào Nam sau 1975 và trong một chuyến Mỹ du với tư cách Đại Biểu Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh, đã bắt lại liên lạc với người nhạc sĩ già rồi lẻn xuống Quận Cam, thăm thú thủ đô của dân tị nạn. Ông đã đưa Hùng đến nơi các lãnh tụ của những phong trào chống Cộng mãnh liệt nhất ở Tiểu Sài Gòn tụ họp – Phở Nguyễn Huệ và Café Factory. Hùng ở với ông trong suốt một tuần lễ và người nhạc sĩ già có cảm tưởng là mình đã thành công phần nào trong việc dung hòa hai con người của hai chế độ khác nhau và nhất là đã cho Hùng thấy được bộ mặt thật của tư bản chủ nghĩa và xã hội tự do. Sau khi quyết định bỏ nước Mỹ trở về Việt Nam sống, người nhạc sĩ già thông báo cho Hùng biết. Hùng hứa sẽ làm mọi việc để ý nguyện của ông được thành tựu.

            Hùng giữ lời hứa, mướn nhà cho ông, thuê người giúp việc cho ông, và xin nhà nước cấp cho ông một chiếu khán có hiệu lực vô hạn định. Viên đại úy công an phường đến tận nhà chào ông và hoan nghênh việc ông về quê sống lúc tuổi già. Khi ông tỏ ý ngần ngại về vấn đề an ninh, viên đại úy khẳng định.

            “Thưa bác, bác không nên nghĩ như thế. Chủ trương của bác và đảng là mở rộng vòng tay. Bổn phận của chúng cháu là phải làm sao cho những người như bác cảm thấy thoải mái khi trở về sống tại quê hương. Hơn nữa, bác Hùng đã dặn dò cháu là phải săn sóc cho bác. Bác cứ yên tâm.”

                                                                       

Người nhạc sĩ già đang đi dưới bóng râm mát do hai hàng cây lớn phủ xuống một con đường giữa lòng thành phố. Con đường này là một trong những con đường đẹp nhất Sài Gòn. Tên nó là đường Tự Do - Catinat dưới thời Pháp thuộc. Bây giờ được đổi tên là Đồng Khởi. Một con đường thứ hai cũng mang tên mới sau ngày giải phóng: đó là đường Công Lý, trục lộ chính dẫn từ phi trường Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố. Tên mới của con đường này là Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

            Trong một buổi sáng ngồi uống cà phê trên sân thượng khách sạn nổi ở bờ sông, Hùng đã thú thật với người nhạc sĩ già là ông đã bàng hoàng khi có người đọc cho ông nghe hai câu thơ được truyền tụng trong dân gian sau khi hai con đường được mang tên mới.

            “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý,

            Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do.”

            Bây giờ, nhìn lên tấm bảng tên đường, người nhạc sĩ già tặc lưỡi, một lần nữa âm thầm ngả mũ trước những nhà thơ thời đại và kiêu hãnh về sự giầu có của văn chương, ngôn ngữ nước Việt mình.

                                                                       

Đường Đồng Khởi, cái gạch nối giữa bến Bạch Đằng và Vương Cung Thánh Đường, không thay đổi mấy. Nhưng khi người nhạc sĩ già đi đến chỗ Lê Lợi cắt ngang Đồng Khởi thì ông thấy tòa nhà trước kia là trụ sở Quốc Hội, nằm giữa hai khách sạn Caravelle và Continental, bây giờ đã biến thành Nhà Hát Thành Phố. Những trò kệch cỡm xẩy ra trong tòa nhà quốc hội thời đệ nhị cộng hòa bây giờ được thay bằng những màn hề trong chế độ xã hội chủ nghĩa.

            Bích chương, biểu ngữ quảng cáo tên tuổi nghệ sĩ - số đông thiên về hài - và những buổi trình diễn bay phất phơ trong gió phía ngoài nhà hát. Có một vài tên người nhạc sĩ già nhận ra, nhiều tên khác ông chưa hề nghe tới. Nhưng thế cũng là chuyện đương nhiên. Ông đã xa quê hơn một phần tư thế kỷ rồi còn gì. Vật đổi sao dời. Lúc xuống đến phi trường Tân Sơn Nhất, viên kiểm soát thông hành không có vẻ gì là nhận ra mặt hay tên ông cả, tuy ông đã cố tình nhắc đi nhắc lại tên mình mấy lần và còn tự giới thiệu mình là nhạc sĩ. Ở Khu Tân Định, chỗ ông thuê nhà, cũng chẳng ai biết đến ông. Cái tên tuổi lẫy lừng một thời của người nhạc sĩ già đã chìm vào quên lãng, chỉ còn như một hạt cát trong sa mạc. Nhìn lên những tấm biểu ngữ treo trên cao, đột nhiên trong lòng người nhạc sĩ già dấy lên một nỗi ao ước, một niềm mong muốn cuồng nhiệt được thấy tên mình trên những tấm biểu ngữ bay phất phơ trong gió chiều. Ông đứng lặng một lúc rồi quay đi, lững thững bước về hướng chợ Bến Thành. Đi qua chỗ một cặp trai gái đang to tiếng với nhau trên vỉa hè; cô con gái cong cớn chửi anh con trai bằng một giọng Bắc kỳ chua loen loét, ông cũng là người sinh trưởng, sống ở miền Bắc mấy chục năm  mà chưa hề nghe thấy cái kiểu phát âm như thế bao giờ.  

   Một lúc sau, thấy hơi mỏi chân, ông đưa tay vẫy một chiếc xích lô. Ngồi lên xe rồi ông mới thấy là mình mệt. Người phu xe hỏi ông muốn đi đâu.  Ông bảo người phu xe cứ việc chạy vòng vòng cho ông hứng một tí gió rồi ngả người ra trên nệm xe xích lô, nhắm mắt lại. Óc ông tự nhiên dẫn ông về ngày mới di cư vào Nam hồi tháng bẩy 1954 cùng với hàng triệu người bỏ Cộng Sản chạy vào nam.

            Hai ông bà được đưa vào ở trong một trại gia binh ở Bình Đông. Ngày ngày ông thả bộ ra tiệm bán hủ tíu, bánh bao, xíu mại ở bờ sông. Sáng nào ông cũng gọi một ly cà phê. Mới đầu ông thấy cái lối pha cà phê của người Nam trông không thanh cảnh tí nào. Ông chủ quán người Trung Hoa bụng ỏng như cái trống chầu lấy một cái túi vải cũ kỹ, nhầu nát, trông như một chiếc vớ đàn ông ra, nhét bột cà phê vào trong, cột miệng túi lại rồi nhúng vào thùng nước sôi. Người Bắc gọi món này là món cà phê bít tất, khác với kiểu cà phê phin chẩy từng giọt vào trong tách. Ông cũng bắt chước cách uống cà phê của người Nam, đổ cà phê ra dĩa thổi phù phù một lúc cho đỡ nóng rồi húp sùm sụp. Giá một ly cà phê bít tất cộng với một cái bánh bao và hai cục xíu mại là một đồng năm cắc. Sáng nào ông cũng đưa cho người chủ quán tờ giấy một đồng rồi xé tờ một đồng thứ hai ra làm đôi; mỗi nửa có giá trị năm cắc, hay năm hào theo tiếng người Bắc.

Người nhạc sĩ già đột nhiên nghĩ đến đời ông, giống như một vòng tròn. Sau hơn nửa thế kỷ chạy trốn cộng sản hai lần, bây giờ ông lại trở về chốn cũ. Có khác chăng là sau năm mươi năm, sức đã mòn, hơi đã tận, hết đường chạy. Ông chỉ muốn được sống yên ổn chuỗi ngày còn lại, rồi chết và được chôn trong lòng đất mẹ.

                                                                       

Người nhạc sĩ già cảm thấy sức khỏe của mình càng ngày càng kém đi. Chỉ có một điều lạ là sức khỏe ông càng yếu thì ý muốn được thấy tên mình trên những tấm biểu ngữ bay phất phơ trong gió càng ngày càng mạnh.

            “Cà cuống chết đến đít rồi mà vẫn còn cay,” Hùng cười và nói với ông sau khi người nhạc sĩ già thổ lộ tâm tình với người bạn từ hồi niên thiếu. “Tôi nghĩ là trong thâm tâm anh, anh vẫn còn thích được lên sân khấu. Mấy cái biểu ngữ anh nói đến chỉ là cái cớ mà thôi.”

            Được gãi đúng chỗ ngứa, người nhạc sĩ già hỏi một cách rất thành thật.

            “Anh giúp tôi được không?”

            Hùng gật đầu.

            “Anh để tôi dò hỏi xem sao.”

            Một thời gian ngắn sau Hùng trả lời người nhạc sĩ già.

            “Tôi có đề nghị với mấy đoàn hát là mời anh trình diễn nhưng họ bảo là các tiết mục đã đầy rồi, không còn chỗ trống.” Hùng im lặng một lúc rồi nói tiếp. “Mình cũng phải thông cảm cho họ. Họ làm thương mại mà. Văn nghệ chỉ là phụ.”

             Người nhạc sĩ già lặng lẽ gật đầu. Lý do chính, dù Hùng tế nhị, không nói ra, ông cũng hiểu.

            Hai tuần sau Hùng trở lại với một đề nghị khác.

            “Tại sao anh không tổ chức một buổi riêng cho anh. Tôi có thể cố gắng xin phép, thuê rạp và tìm người làm quảng cáo. Cũng chẳng tốn là bao nhiêu.”

            Được lời như cởi tấm lòng, người nhạc sĩ già đồng ý ngay.

                                                                       

Ba tháng sau, Hùng báo cho ông biết là mọi việc đã xong suôi. Cục Tư Tưởng đã duyệt lại quá khứ của ông và thấy là ông chưa làm gì hay nói gì động chạm đến chính sách và đường lối nhà nước trong thời gian ở Mỹ. Dựa vào quyết định đó, Bộ Văn Hóa đã cho phép ông tổ chức một buổi trình diễn.

Hùng nói với người nhạc sĩ già là ông sẽ tìm cách thuê một đêm tại Nhà Hát Thành Phố và quả nhiên, thuê được rạp vào một buổi tối thứ hai với giá năm trăm đô. Một chuyên viên quảng cáo làm việc cho FaFilm nhận lời đứng ra tổ chức. Ông này đề nghị với người nhạc sĩ già một tổng dự toán với số tiền là một ngàn tám trăm đô với những chi phí được liệt kê như sau:  hai mươi lăm biểu ngữ - cao một thước, dài sáu thước - dăng khắp thành phố; năm trăm bích chương loai lớn dán lên tường và trên thân cây; ba ngàn tờ chương trình phát tay trên các đường phố; sáu xe lam với máy phóng thanh và hình vẽ chân dung khổng lồ của người nhạc sĩ già với cây đàn Bầu chạy khắp Sài Gòn, Chợ Lớn một tuần trước ngày trình diễn để quảng cáo. Người nhạc sĩ già hăng hái chi tiền. Ông tự nghĩ nếu đề cho thiên hạ nhớ lại được tên tuổi ông thì số tiền chi này quá rẻ. Hùng đề nghị bán vé với giá tượng trưng là ba ngàn đồng. Người nhạc sĩ già đồng ý và xin tặng toàn bộ số thu cho một cô nhi viện ở Gò Vấp. Tính ra, với năm trăm ghế, số thu cũng chằng được là bao nhiêu nên ông xin tặng thêm một ngàn đô nữa.

Hùng đưa viên giám đốc Viện Bảo Tàng Âm Nhạc Thành Phố đến thăm và người nhạc sĩ già hứa sẽ tặng Viện Bảo Tàng chiếc đàn Bầu của ông sau lần trình diễn cuối cùng này.

Mọi việc coi như xong.

                                                           

Căn nhà ở vùng Tân Định hơi nhỏ, hàng xóm thì san sát, không tiện cho việc tập dợt nên Hùng đề nghị người nhạc sĩ già đến ở nhà một người bạn ở Suối Lồ Ồ, gần Thủ Đức, hai tuần trước ngày trình diễn. Ông mừng rỡ nhận lời.

            Ông tưởng là mình đã lên thiên đàng một buổi sáng thức dậy ở vùng quê. Tiếng chim hót, tiếng gà gáy, tiếng lá cây sào sạc, tiếng suối róc rách. Ông nhớ đã có một triết nhân nào đó gọi những tiếng này là những âm thanh của sự im lặng. Những tiếng xe gắn máy và tiếng động trong thành phố không còn nữa. Ngay lúc đó ông quyết định sẽ nhờ Hùng hỏi xem người chủ có bằng lòng cho ông thuê lại căn nhà này không.

            Trong hai tuần liền, người nhạc sĩ già và chiếc đàn Bầu của ông lại được sống những giờ phút gần nhau nhất, thần tiên nhất. Ông tập lại những bài bản khó nhất - những nốt nhạc chỉ có ông, những ngón tay của ông, cùng với chiếc đàn của ông có thể đánh lên được. Sau gần mười năm không đàn, tay ông cứng, lưng ông mỏi, chân ông tê nhưng người nhạc sĩ già vẫn cố gắng tập một ngày bốn năm tiếng. Hai ngày trước buổi trình diễn, ông biết là mình đã sẵn sàng, với chiếc đàn Bầu, lên sân khấu đối diện với khán giả một lần cuối.

            Hùng báo cho ông biết là vé đã bán hết. Người nhạc sĩ già cảm thấy kiêu hãnh. Thiên hạ vẫn còn nhớ đến ông, vẫn còn muốn xem ông trình diễn.

                                                                       

Hùng đã đưa ông đi may một bộ áo dài bằng hàng lụa ở một tiệm may trên đường Đinh Tiên Hoàng gần Dakao. Một cô phụ sân khấu giúp ông sỏ hai cánh tay vào vì vai ông đau như dần sau hai tuần tập dợt. Ông bước lại rồi ngồi xuống chiếc trường kỷ ở giữa sân khấu, chiếc đàn quen thuộc nằm dài trên trường kỷ chờ ông như một giai nhân ngả mình trên giường chờ người tình. Cô phụ sân khấu đặt chiếc khăn đóng lên đầu ông. Chiếc khăn đóng hơi chật làm ông hơi khó chịu, chắc là không đội lâu được. Người có trách nhiệm về ánh sáng mở ngọn đèn vàng rọi xuống trường kỷ. Trọng điểm của nguồn sáng chiếu thẳng vào chổ da đầu phía trên, chỗ không còn tóc, làm ông thấy hơi choáng váng vì sức nóng. Mình không quen với ánh đèn sân khấu nữa rồi, ông tự nhủ. Nghệ sĩ mà không chịu được đèn là nghệ sĩ hết thời. Ông gạt bỏ những ý nghĩ yếm thế sang một bên, thay vào đó tập trung vào mười ngón tay, ruỗi ra, ruỗi vào cho chúng mềm mại, nhuyễn nhừ. Mấy khớp xương trên bàn tay ông đình công, cưỡng lại. Ông nhăn mặt vì đau. Vài phút sau, chúng chịu thua. Hai bàn tay của người nhạc sĩ già đã phục tùng lệnh truyền từ ý chí của ông, trở nên mềm mại. Ống nhắm mắt, tập trung tư tưởng, chuẩn bị cho giai đoạn cuối cùng trước khi ra sân khấu. Ông cảm thấy sức nóng trên sọ ông đã biến đi. Hai bả vai ông không còn thấy đau nữa. Chân ông đã hết tê. Giờ trình diễn đã bắt đầu. Show time!

                                                                       

Chiếc màn nhung được kéo lên.  Ông nhìn xuống đám khán giả ngồi trong bóng tối nhưng thật sự không thấy họ. Ông cũng không nghe thấy tiếng vỗ tay. Theo kịch, người ta bảo là ông đã nhập vai. Ông thì bảo là hồn ông đã ra khỏi xác, nhập vào cây đàn Bầu, cũng như Chopin đã nhập vào chiếc dương cầm mấy trăm năm trước. Ngoại trừ mười ngón tay và hai tai, thân xác ông và các giác quan khác của ông tạm thời ngừng hoạt động.

            Ông bắt đầu khẩy đàn.

            Người nhạc sĩ già khẩy những bản hay nhất, khó nhất, khán giả ưa chuộng nhất trong hơn nữa thế kỷ đời nghệ sĩ của ông. Một tiếng đồng hồ trôi qua. Hùng đứng trong hậu trường nhìn ra, không thấy dấu hiệu gì là người nhạc sĩ già sắp ngưng. Bàn tay trái của ông uốn thanh que đứng một cách uyển chuyển. Tay phải ông khẩy sợi giây đàn làm bằng ruột mèo phơi khô một cách nhịp nhàng. Đầu ông cúi gầm, lưng cong xuống, hai vai rung lên theo cử động và điệu nhạc.

            Người nhạc sĩ già ngừng tay. Một khoảng trống yên lặng khá dài trên sân khấu báo hiệu cho những người không rành cổ nhạc, không biết là bản nhạc đã chấm dứt hay chỉ là một chuyển đoạn, là họ có thể bắt đầu vỗ tay đúng lúc, đúng chỗ như những người sành điệu. Có một mãnh lực gì đó làm cho năm trăm người cùng đưa hai tay lên vỗ vào nhau. Nhưng những bàn tay ngưng lại, chưa chạm và ở yên vị trí khi người nhạc sĩ già gục xuống trên chiếc đàn Bầu, không cử động. Sau một khoảng trống yên lặng nữa, một mãnh lực thứ hai bắt năm trăm người đứng lên cùng một lúc - hoặc giả là người này bắt chước người kia - đưa hai bàn tay vào nhau, tạo nên một tràng pháo tay rầm rộ, kéo dài gần năm phút.

            Người nhạc sĩ già đã nhập vai, hay theo ông, linh hồn ông đã lìa khỏi xác, nhập vào chiếc đàn Bầu. Một lần cuối cùng. Vĩnh viễn.

                                                                       

Hùng đưa đơn thỉnh nguyện lên nhà nước, xin cho người nhạc sĩ già tước hiệu cố Nghệ Sĩ Nhân Dân. Ông lý luận rằng người nhạc sĩ già luôn luôn phục vụ khán giả, tức là nhân dân; đã quay về để được chết trong lòng đất mẹ và đã tặng cho Viện Bảo Tàng Âm Nhạc chiếc đàn Bầu có một không hai. Đài phát thanh Thành Hồ loan báo là đơn thỉnh nguyện này đang được cứu xét.

 

Tháng Bẩy 2006.

 

                                     

 

                                                                 back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

Make a free website with Yola