LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


 TỪ ĐÀI TRUYỀN HÌNH SỐ 9 

TỚI

NBC TELEVISION

 

Luân Tế


Cách đây không lâu có người gửi cho tôi một clip trên YouTube chiếu một đoạn ngắn trong vở hài kịch – sitcom - “Too Close For Comfort” tôi đóng cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Tôi chuyển cho một số bạn bè xem. Nghiêm Hữu Hùng nói là anh muốn tôi viết lại tại sao lại có việc tôi đóng kịch trên TV Mỹ.

 

http://www.youtube.com/watch?v=ZDPBCON04L4

 

Trong một bài trước có tựa đề “Kịch Và Đời”, tôi có kể lại một mẩu đời từ lúc bắt đầu đóng kịch trên đài Truyền Hình Việt Nam vào năm 1967:

 


http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/k%E1%BB%8Bch--v%C3%A0-%C4%91%E1%BB%9Di---t%E1%BA%A1p-b%C3%BAt.php


Mẩu đời đó chấm dứt khi tôi rời Việt Nam cùng với đoàn người tị nạn sau biến cố tháng Tư 1975 rồi định cư ở Mỹ.

 

Tôi ra khỏi trại tị nạn vào tháng 8 năm 1975 sau hơn ba tháng sống trong trại ở Guam và Pennsylvania. Không nghĩ là mình có thể trở lại nghề cũ nên tôi theo người “sponsor” về Virginia Beach, một tỉnh ven biển miền Nam Virginia, rồi bắt đầu đi làm kiếm cơm với giá lương tối thiểu (lúc đó là $2.10/một giờ), gây dựng lại từ con số không.

 

Quyết định không trở lại nghề cũ của tôi có 2 lý do: Một là tôi không nghĩ là mình có thể chen chân vào cái gọi là “show business” một cách dễ dàng; hai là tôi cảm thấy tội nghiệp cho thân phận của mình đang từ “đỉnh cao nghệ thuật????” mà phải trở lại nghề trong các phim Mỹ đóng vai những người “Da Vàng Mũi Tẹt” xách vali, bưng nước, tài xế, bồi bàn, hầu cận như vẫn thường thấy trong các phim ngoại quốc xem ở Việt Nam. Cũng thấy buồn. Cũng tiếc nuối. Cũng xót xa. Nhưng xứ lạ quê người. Ra đi đã là mất tất cả. Xá gì một chút “hư danh”. Tôi tự bảo. Và tự an ủi.

 

Tuy nhiên, Tết năm đó, tôi lại lên TV


            .

                                       Điều động sân khấu Trung Thu 1976


Sau khi giúp tổ chức một buổi văn nghệ “Tất Niên Âm Lịch” vào đầu năm 1976 cho đồng bào mới tới định cư tại địa phương, một đài truyền hình tại Norfolk liên lạc mời tôi lên đài phỏng vấn với tư cách là một dân tị nạn để nói về những cảm nghĩ trong những ngày Tết đầu tiên trên nước Mỹ. Tôi mặc một cái Veston mới mua, mầu đỏ, rất nổi để lên TV. Vào phòng thu hình vào khoảng 8 giờ sáng thì thấy ông Nguyễn Cao Kỳ trên màn ảnh nhỏ, không nhớ là ở tiểu bang nào (nếu ở California thì lúc đó mới là 5 giờ), đang được một cô gái tóc vàng tô son, điểm phấn. Họ phỏng vấn tôi trong studio và ông Kỳ ở đâu đó - “live” - vào khoảng 10 phút về dân tình và những cảm nghĩ của chúng tôi về nước Mỹ. Ngẫm lại thì cũng là cái duyên “Kỳ ngộ”. Họ mời ông Kỳ lên TV với tư cách cựu Phó Tổng Thống Việt Nam và tôi với tư cách cựu Phó Thường Dân Việt Nam (sẽ có thêm chuyện tôi “dính” tới Ông Kỳ vào đoạn kết). Tuy tôi rất ít khi nói tiếng Anh hồi còn ở Việt Nam (vốn liếng Anh ngữ của tôi hoàn toàn nằm trong sách vở), nhưng tôi trả lời những câu hỏi khá trôi chẩy nhờ mấy tháng trong trại tị nạn làm thông dịch và liên lạc viên giữa ban chỉ huy trại và cộng đồng tị nạn từ sáng sớm đến tối mịt, nếu không thì xấu hổ chết.

 

Tôi không nhớ là mình nói gì và cũng không nhớ là ông Kỳ nói gì.

 

Sau đó thì tôi nổi tiếng trong sở làm vì đã lên TV và trở thành một celebrity.Le


Chúng tôi ở Virginia Beach hơn một năm. Buổi sáng sau ngày Halloween năm 1976, tôi đưa gia đình di tản một lần nữa từ miền Đông sang Cali trên chiếc xe Datsun Honeybee “ở truồng” mới tinh, hai cửa, mầu trắng, số tay, không radio, không máy lạnh. Hành trang chỉ có mấy bộ quần áo và một cái nồi cơm điện Hitachi


Tại Cali, tôi được anh Vũ Huyến – chị Liên cho ở nhờ một thời gian tại căn apartment của anh trên đường Hawthorne trong lòng Hollywood, nằm  song song với 2 con đường chính là Hollywood và Sunset, giữa Highland và La Brea, cách chỗ in chân in tay trên sàn xi măng của tài tử Mỹ có khoảng 100 thước. Tuy ở ngay trung tâm thủ đô điện ảnh nhưng tôi cũng không mấy động lòng và tiếp tục đi xin việc làm cũ giống như bên Virginia; và sau khi tìm được việc làm, thuê nhà ở vùng Glendale, gần sở. Có lần anh Vũ Huyến rủ tôi lên USCC (chỗ anh đang làm) ở đường số 9 tại Los Angeles chơi và còn có hàm ý đưa tôi vào làm, nhưng lúc đó USCC không còn chỗ trống. Ở đó tôi gặp lại các anh Lê Quỳnh, Jo Marcel, Nam Lộc, Ngô Văn Quy; và gặp chị Kiều Chinh (tôi chưa bao giờ có dịp gặp ở Việt Nam tuy cùng nghề và Sài Gòn thì chỉ nhỏ như một hột mít). Từ lúc đó, lần nào gặp, chị cũng khuyến khích tôi trở lại nghề cũ. Tôi cám ơn chị và nói với chị là tôi đã quên hẳn ý định đó rồi. Ngay cả lúc có một phong trào làm phim đầu tiên ở Hollywood về chiến tranh Việt Nam và các nhà sản xuất tổ chức các cuộc tuyển chọn diễn viên Việt Nam rất rầm rộ, tôi vẫn tương đối dửng dưng bề ngoài (tuy cũng hơi sốn sang trong bụng) vì nghĩ là có được vào thì cũng chỉ được cho đóng mấy vai phụ vớ vẩn, đáng tội nghiệp. Tôi chia sẻ với vợ tôi ý nghĩ này và vợ tôi cho là tôi đã quyết định đúng. Tôi cũng không muốn lên sân khấu đóng kịch lại, chỉ nhận lời làm MC cho cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài đầu tiên ở Long Beach và vài chương trình đại nhạc hội do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tổ chức vào những năm cuối thập niên 70.

 

Như trên đã nói, tôi thuê nhà và sau đó mua nhà ở thành phố Glendale, rất gần chỗ làm và cách thành phố Burbank, chỗ quy tụ một số lớn studio và các đài truyền hình, khoảng 15 phút. Cuộc sống đang yên ổn (tôi đã được cho lên chức Assistant Manager) thì có một cú điện thoại của một người Mỹ gọi đến chỗ tôi làm, xin được nói chuyện với một người tên là Lê Tuấn – chứ không phải là Tuan Le như tên của tôi trong sở làm.

 

Năm đó là 1980, tôi đã “retired from show business” được 5 năm rồi.

 

Người gọi điện thoại muốn nói chuyện với tôi là Norman Steinberg, một producer cho đài truyền hình NBC, có trụ sở tại Burbank. Norman mời tôi vào Warner Bros. Studio tại Burbank để nói chuyện về việc mời tôi đóng thử một vai trong chương trình truyền hình hàng tuần của anh trên đài NBC. Thấy lời mời có vẻ trịnh trọng, tôi về bàn với vợ và nhận lời vào gặp Norman mấy hôm sau, tự bảo: “You have nothing to lose”.

 

Norman nói chuyện với tôi khoảng vài ba phút. Tôi hỏi là tại sao anh biết đến tôi. Norman nói là cách đó ít lâu anh than phiền với một người bạn về việc không tìm ra được một nam kịch sĩ / tài tử chuyên nghiệp Việt Nam nào cho một vai tương đối quan trọng trong một episode sắp tới của anh. Anh nói đã thử rất nhiều người Việt nhưng thấy họ không đủ khả năng diễn xuất. Và ý muốn của anh là dùng người Việt đóng những vai người Việt (tuy lúc đó cũng đã có khá nhiều tài tử Á Đông - Nhật, Tầu, Đại Hàn, Phi Luật Tân - làm việc tại Hollywood). Người bạn này đem chuyện ra nói với một người Việt Nam làm chung với anh ta. Người Việt Nam này nói anh biết có một kịch sĩ “chuyên nghiệp” nhưng đã bỏ nghề - tôi - hiện đang sống tại Los Angeles. Tuy anh không quen tôi nhưng hứa sẽ tìm ra tông tích của tôi rồi đưa lại cho Norman. Tôi cũng hãnh diện ngầm khi được gọi là “a professional actor”.

 

Sau đó Norman đưa tôi một trang giấy có phần đối thoại của hai nhân vật trong một chương trình kịch truyền hình dài nửa giờ có tên là “Six O’Clock Follies”. Anh nói sơ qua về tâm lý của nhân vật anh muốn tôi đóng thử, rồi yêu cầu tôi diễn. Vì là “nghề của chàng” nên tôi làm được ngay. Tôi diễn xong, anh cám ơn tôi và nói sẽ liên lạc lại với tôi sau.

 

Vài ngày sau thì Norman gọi mời tôi đóng không phải là trong 1 mà là 2 episode trong chương trình truyền hình của anh. Anh còn nói là anh sẽ mời tôi đóng với danh nghĩa “Guest Star”.

 

Sang Mỹ sống cũng đã lâu nên tôi có cơ hội để ý đến (vì thói quen nghề ngiệp) những “protocol”về các “vai vế” của tài tử đóng trong các chương trình truyền hình Mỹ. Thứ tự theo “vai vế” như sau:

1.   Starring.

2.   Co- starring

3.   Guest- starring

4.   Special appearance

5.   Featuring

Sau cùng là các diễn viên phụ và các diễn viên quần chúng (Extras), không bao giờ được nêu tên.

 

Vai tôi được mời đóng là một đặc công VC nằm vùng làm việc trong đài Truyền Thanh FM của Mỹ tại VN với mục đích nghe ngóng, làm gián điệp.

 

Tất nhiên là tôi nhận lời. And the rest is history.

 

Lúc được hỏi tôi muốn dùng tên gì trên bảng chữ trong phần Credit thì tôi nói : LE TUAN. Họ cho tên tôi vào một bảng riêng, gọi là “single card” tức là chỉ có một mình tên tôi nằm trên màn ảnh trong vòng một vài giây – nếu có hai hoặc ba tên xuất hiện cùng một lúc trên màn ảnh thì dĩ nhiên là cái “tầm quan trọng” của cái tên đó bị “xuống giá”. Sau này, lúc về Việt Nam làm phim, một ký giả của tờ báo Thanh Niên, trong một bài phỏng vấn, hỏi về việc đóng phim của tôi tại Hollywood và cảm tưởng của tôi như thế nào khi trở lại nghề trên đất Mỹ. Tôi nói là cái vui nhất của tôi khi trở lại nghề trên đất Mỹ là chuyện tôi lấy lại được cái tên thật của mình vì từ ngày sang Mỹ tất cả những người Việt tị nạn đều mang cái nạn bị đổi ngược tên: Tên trước - Họ sau.

 

Từ lúc đó, qua lời giới thiệu rất chân thành của Norman, thỉnh thoảng tôi lại được mời đóng một vài show trên truyền hình. Tôi còn nhớ là có một lần tôi đã từ chối đóng một vai Việt Cộng vì trong kịch bản đòi tôi, mặc bộ bà ba đen lẻn vào làng, giật bỏ lá cờ vàng rồi trương lên lá cờ đỏ. Tôi đã đóng vai VC nhiều lần trên Truyền Hình VN nhưng hành động này tôi cho là không thể chấp nhận được đối với tôi, một người VN tị nạn cộng sản, tuy chỉ là một vai trò nhỏ trên TV Mỹ. Tất nhiên là sau đó họ mướn một tài tử Tầu đóng vai đó thay cho tôi.

 

Có lẽ chương trình truyền hình duy nhất tập hợp được nhiều người Việt Nam nhất (cả professional lẫn amateur) là một episode trong show “LOU GRANT”, một show truyền hình nổi tiếng trên CBS hồi đầu thập niên 80. Trong episode có tên là IMMIGRANTS này tôi đóng vai Tâm, một nhiếp ảnh viên của tờ báo Tribune; và được hân hạnh đóng chung lần đầu tiên với hai bậc đàn anh / đàn chị là Đoàn Châu Mậu và Kiều Chinh.

ose to implausibility here, with Tam getting a retention bonus only hour

Sau khi đóng được 3 lần trên truyền hình thì tôi được “mời” nhập Nghiệp Đoàn Tài Tử Điện Ảnh (Screen Actors Guild) và tiếp tục đóng cho tới năm 1991 thì miễn cưỡng về hưu “non” vì không có vai nào cho mình đóng nữa. Và vì làm việc trong nghiệp đoàn trên 10 năm nên hiện nay tôi được lãnh lương hưu của nghiệp đoàn và được bảo hiểm sức khỏe free trong quy chế dành cho “Senior Performers”.

 

Bất cứ tài tử nào, từ cỡ “big star” tới cỡ “tài tử nhí” như tôi cũng đều cần một người agent. Agent làm đại diện cho các diễn viên trên tất cả mọi lãnh vực liên quan đến vai trò được tuyển chọn và mời đóng, từ tiền lương cho tới phương tiện di chuyển trong lúc đi đóng phim ở xa (limousine – first-class hotel – first class travel), phòng nghỉ lúc đóng phim, thứ tự xuất hiện - vai vế - trong lúc giới thiệu các nhân vật trên màn ảnh.

 

Một người bạn Tầu tôi gặp trên sàn quay rất tử tế, giới thiệu tôi đến gặp người agent của anh ta ở Hollywood. Người agent này tên là Guy Lee. Agent còn có danh hiệu là the ten-percenter – vì họ ăn hoa hồng 10% trến số lương của tài tử và là cái gạch nối duy nhất giữa tài tử với các nhà sản xuất. Guy làm việc với tôi rất đắc lực. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nói chuyện bằng điện thoại và anh gửi tôi đi thử vai gần như hàng tuần. Một hôm đi ăn trưa, Guy có nói tôi là một trong những “best client” của anh. Đáng tiếc là chúng tôi chia tay sau một chuyện đáng nhẽ không nên để xẩy ra khi tôi được mời đóng một trong những vai chính trong cuốn phim “Gleaming The Cube”. Guy Lee, vì một lý do nào đó, không thương lượng để tên tôi trong phần “Main Credit” trước khi vào phim. Đến ngày ra mắt phim thì tôi mới chưng hửng vì không thấy tên mình đâu. Giận quá, tôi nặng lời với anh và quyết định đi sang làm việc với một agent khác.


Sau cùng là một chuyện, như trên có nhắc tới, về ông Nguyễn Cao Kỳ và tôi.

 

Khoảng cuối thập niên 80, có một show truyền hình trên ABC về quân chủng Không Quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam tên là “Call To Glory”.  Tôi được mời vào thử vai một Pilot trực thăng Việt Nam trong một episode. Rất trót lọt. Chỉ chờ ngày gọi đi quay. Đột nhiên tôi nhận được cú điện thoại của người agent của tôi, nói là người Executive Producer muốn nói chuyện với tôi.

 

Ông này gọi điện thoại cho tôi ngay sau đó và mở đầu bằng lời xin lỗi. Ông nói rằng ông không muốn dùng tôi trong vai pilot nữa mà muốn “để dành” tôi trong một vai khác lớn hơn ở một episode sau. Ông giải thích là sau khi gặp tôi hôm casting, ông và người viết kịch bản nẩy ra ý kiến viết một episode có ông Nguyễn Cao Kỳ trong đó, và họ nghĩ tôi, với bộ ria mép và dáng điệu mảnh khảnh, cộng thêm một chút make-up để thay đổi khuôn mặt và mái tóc, trông sẽ rất giống ông Kỳ. Tôi cám ơn ông ta và cũng cảm thấy “excited ” vì tuy mất vai lần này, tôi sẽ được đóng vai một người có tên trong lịch sử, mặc đồ bay đen, đeo khăn quàng tím.

 

Hai tuần sau thì show“Call To Glory” bị canceled.

 

Tôi mất cơ hội đóng vai Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ trên televison Mỹ.

 

Âu cũng là  cái “vô” duyên “Kỳ ngộ”.

 

Luân Tế

5.2012


letuan.thewriter@yahoo.com



                                       GLEAMING THE CUBE


http://www.imdb.com/title/tt0097438/ 


THE LAST P.O.W.

 

http://www.imdb.com/title/tt0107371/ 


LOU GRANT

 

 http://www.imdb.com/title/tt0636452/ 




 

Make a free website with Yola