letuanthewriter


            CHỮ VÀ NGHĨA (hồi hai)

Luân Tế

 

(Tặng Chia Sờ Nặng)

 

Mới gần đây, nói chuyện với một người bạn sau khi anh dùng hai chữ “Nối Kết” để thay cho chữ “Link” trên Internet. Anh viết: “Xin nhấn vào nối kết này…Please click on the link…” Tôi nói đùa với anh là hai chữ này sặc mùi hôi nách của VC. Anh cải chính một cách mãnh liệt và nói rằng anh tự sáng chế ra cái chữ này chứ không phải mấy thằng VC mất gốc, vô văn hóa. Sau đó anh gửi lại cho tôi một câu khác: “Nhấn vào hàng chữ dưới đây sẽ đưa bạn đến nơi…”

Tôi thấy chữ “Đưa” trong câu trên dễ thương quá và lan man nghĩ đến đề tài “chữ và nghĩa” trong tiếng Việt.

Chữ “Đưa”, theo tôi, ngầm chỉ một sự ân cần. “Tôi đưa em sang sông”, diễn nghĩa: “Tôi đưa em ra bến đò nhưng không nỡ rời nên đành phải leo lên thuyền tiễn em sang tận bên kia sông. “Đêm nay tôi đưa em về”, diễn nghĩa một cách thô thiển: “Em đến thăm tôi nhưng phải ra về vì luân lý không cho phép em ở lại căn phòng nhỏ của tôi qua đêm hay là vì chồng em, con em đang chờ ở nhà; tôi sẽ đưa em gần đến nhà rồi mình chia tay.”  Hay một hành động, cử chỉ trang trọng: “Đưa đám ma”, “Đưa em về nhà chồng”. Cũng có chữ “đưa” không mang ý nghĩa này, chẳng hạn như, hai chữ “đưa đẩy” hoàn toàn khác ý.

Ngược lại với “Đưa” là “Đón”.  Đưa đi, đón về. Nếu trong tiếng Việt có chữ “Đưa Cay”,  không ăn nhậu - thực ra hai chữ ăn nhậu này thừa một chữ, vì “nhậu” hàm ý cả ăn lẫn uống rượu - gì đến cái nghĩa “Đưa”, thì cũng có chữ “Đón Gió”, không liên quan gì đến cái động từ “Đón” cả. “Đón gió” hay “đón xuân” hay “đón chào” có hàm ý chờ đợi một cái gì sắp xẩy tới.

Cùng một hành động, nếu áp dụng vào hai trường hợp khác nhau thì 2 động từ xem như trái nghĩa nhau lại có cùng một nghĩa. Chẳng hạn như “đi” và “về”. Như “đi học” và “về học”, một chuyện làm học trò (lấy chính tôi làm thí dụ) hoan hỉ không phải vì được đến trường trau dồi văn hóa mà vì được có cơ hội “đi” ra khỏi nhà, trốn học đi chơi; và một chuyện là ở trường “về”, lại phải rúc vào căn nhà chật hẹp, dưới quyền kiểm soát, gọi dạ bảo vâng, của bố mẹ.

Tôi với bạn là người sinh đẻ ở Việt Nam, leo lên máy bay ở Mỹ, rồi hơn 20 tiếng sau đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, thì gọi là “Về Việt Nam”. Nếu một anh Mỹ cũng làm một cuộc hành trình tương tự thì anh ta làm một chuyến “Đi Việt Nam”.

Còn những chữ như “Ra Bắc” và “Vào Nam” thì chỉ có người Việt Nam chính cống mới dùng được một cách rất chỉnh; còn mấy anh cựu CIA hay học giả về ngôn ngữ có giỏi tiếng Việt cách mấy thế nào cũng nói sai, Giống như thằng con trai tôi, hồi mới sang Mỹ, mới có 5 tuổi, cố gắng nói tiếng Việt với bố nhưng vẫn nhầm một cách rất dễ thương khi nói “Đội giầy” hay “Đi mũ”.

Có lẽ không có chữ nào được dùng một cách rất rộng rãi trong tiếng Việt bằng chữ “Ăn”. Có lẽ vì xứ ta nghèo, lúc nào cũng đói, nên bị ám ảnh bởi cái ăn chăng? Nhưng cũng một chữ “Ăn” ghép với một chữ khác thì các chữ “ăn” này không liên hệ gì với cái bụng đói cả: Ăn mày – ăn báo - ăn nằm – ăn dầm nằm dề - ăn hỏi - ăn thua – ăn gian – ăn không – làm ăn – ăn quỵt – ăn người - ăn lông ở lỗ.

Một chữ nữa trong tiếng Việt cũng được xử dụng rất rộng là chữ “Chơi”. Chơi bài, chơi thể thao, chơi cờ...vv… nhưng phóng ra xa hơn thì có chơi bời, chơi gái, chơi rồi chạy. Có những chữ chơi khác không dính líu gì đến hai nghĩa trên như chơi nhau, chơi xỏ, chơi khăm, chơi xấu, chơi đẹp. Hay nhiều khi chơi lại có nghĩa là không làm gì cả như nằm chơi…hoặc chỉ có nghĩa tổng quát, không nhất định như khi mẹ bảo con, “ra chỗ khác chơi cho mẹ nói chuyện.”

Động từ “Làm” cũng có nhiều nghĩa và cách xử dụng. Làm ăn, làm lụng, làm công vv… Nhưng cũng có làm điệu, làm dáng, làm mình làm mẩy, làm nũng (chữ này tôi có lần nói với một cô bạn cũ là tôi cố dịch sang tiếng Anh mà chưa làm nổi.)

Một chữ nữa trong tiếng Việt làm tôi thắc mắc rất nhiều là chữ “Nhẩy”. Nhẩy giây, nhẩy lò cò, nhẩy múa. Thậm chí đến “học nhẩy lớp” tôi cũng chấp nhận. Nhưng còn “Nhẩy đầm” thì hoàn toàn phi lí. Tại sao? Vì động từ “Nhẩy” có ý diễn tả một cử động trong đó, ít nhất là một chân phải nhấc lên khỏi mặt đất khi di chuyển một cách mạnh mẽ từ vị trí này sang vị trí khác. Nếu bạn biết “nhẩy” thì bạn sẽ hiểu ý tôi. Là vì nhẩy đầm nói chung là động tác của một cặp trai gái hoặc ôm nhau, hoặc cầm tay nhau, hoặc cùng nhau đi lên, đi xuống, quay sang trái, quay sang phải, uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu nhạc. Không có một động tác nào trong cái dzụ “nhẩy đầm” bắt bạn phải nhấc ít nhất là một chân lên rồi di chuyển sang vị trí khác một cách mạnh mẽ. Còn chuyện này nữa. Tôi đã đi nhẩy từ năm 15, 16 tuổi nhưng mới sau này tôi gặp phải những cặp nhẩy đầm trên sàn cứ phây phây biểu diễn những màn “múa lèo” thật cụp lạc, thật đẹp mắt, nhưng rất tốn chỗ và làm phiền đến những cặp khác đang nhẩy. Những kiểu nhẩy đầm ấy chỉ nên phô diễn trong những “cours de danse” hay khi được mời ra nhẩy biểu diễn hay tranh giải mà thôi. Bạn không tin tôi thì xin đi hỏi những người đã đi nhẩy khoảng nửa thế kỷ rồi thì sẽ thấy là tôi nói đúng.

Tôi chưa có dịp nghiên cứu về nguồn gốc của chữ “Văn” dùng làm tên lót (giữa) của đàn ông và chữ “Thị” trong tên đàn bà. Chỉ biết trong văn hóa dân gian có Thị Mầu, Thị Kính; còn Văn thì không rõ mấy. Tôi đoán là đàn ông con trai Việt Nam thời xưa được đi học nên mang trong người chữ Văn chăng? Nói về tên thì miền Bắc có thói quen đặt tên con theo năm ta: Tuất, Thân, Mùi…vv…Có lẽ là vì ở nhà quê, đông con (10-12 đứa là thường), bố mẹ ít học, không đủ chữ để đặt tên nên dùng năm ta cho dễ nhớ cả tên lẫn tuổi của các con. Tôi biết có một ông thợ mộc ở trước nhà tôi trong ngõ nhà thờ Phú Nhuận đặt tên đứa con đầu lòng là Công, đứa thứ hai là Bằng. Rất hay! Sang đến đứa thứ ba thì ông chắc là hết chữ, và vốn là thợ mộc, nên đặt tên cậu này là Phẳng. Chữ Ngọc là một cái tên rất đẹp trong tiếng Việt và thường dùng làm tên hay chữ lót, nhưng hình như chưa ai đặt tên con là Ngọc Hoàng - Hoàng Ngọc thì có - chắc là sợ mắc tội phạm thượng, đụng đến ông Trời. Ngoài ra lại còn tục lệ gọi con bằng những cái tên xấu xí hơn, nghe nói là vì nếu tên thằng nhỏ hay con bé đẹp quá thì sẽ bị ma quỷ đem xuống âm ti, mẹ mìn bắt cóc. Miền Nam thì dùng số để gọi cho các con, nhiều khi không bao giờ gọi bằng tên thật như trường hợp Bác Ba, Cậu Sáu, Dì Tư…Nhưng có những chữ trong tiếng Việt không bao giờ được dùng để đặt tên cho con như “Chết”, “Bệnh”, “Buồn” – “Sống”, “Khỏe” và “Vui” thì có.

Các vị Giáo Hoàng và các tu sĩ Phật Giáo Việt Nam có tên bố mẹ đặt cho nhưng không dùng nữa sau khi lên ngôi hay trở thành Đại Đức, Thượng Tọa…

Gần đây có nguồn tin từ Việt Nam loan báo là Thương Xá TAX trên đường Lê Lợi/Nguyễn Huệ sẽ bị phá để xây nhà ga cho xe điện ngầm. Trong một bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn” nhà văn Văn Quang viết là sau khi nghe tin, ông có lên Sài Gòn để thăm lại cái thương xá này lần cuối cùng. Tôi cũng có nhiều kỷ niệm với cái thương xá này, nhất là cái Quán Tre, chỗ tôi, ông anh đã quá cố của tôi, và các bạn thân (nhiều thằng cũng đã ra đi) chiều Thứ Bẩy, Chủ Nhật nào cũng có mặt, ngồi trên chiếc ghế mây cao ở quầy; nhưng thay vì quay mặt vào trong quán thì xoay ghế lại, quay ra ngoài, bập bập điếu thuốc Ruby Queen (3 đồng/4 điếu) và  ngắm các cô mặc mini-jupe nhiều khi cao tới bẹn. Nhưng ở đây tôi chỉ muốn nói đến chữ TAX – THUẾ. Hồi còn bé không để ý, nhưng bây giờ nghĩ lại, không biết là ông bà nào hay thương nghiệp nào bỏ tiền ra xây một cái thương xá lớn nhất Việt Nam mà lại dốt đến nỗi lấy một cái tên hầu như tất cả bàn dân thiên hạ đều bị dị ứng. Nhưng hình như hồi đó không ai để ý tới ý nghĩa của cái tên này ở Việt Nam. Cho đến khi sang Mỹ tôi mới “bị” đánh thuế. Ở Việt Nam, tôi đóng thuế nóc gia và thuế lưu hành cho cái xe Lambretta. Lương tôi lãnh ở đài phát thanh cũng như các món thù lao lãnh ở đài truyền hình hay đi đóng phim cũng không phải đóng thuế. Lần duy nhất phải đóng thuế lợi tức là khi tôi vào bộ Văn Hóa Thanh Niên nhận tiền thưởng cho Giải Dịch Thuật Toàn Quốc. Cầm cái ngân phiếu của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam trong tay thì thấy con số 90000 đồng trong khi giải thưởng công bố là 100000 đồng. Hỏi ông trưởng phòng tài chính thì được giải thích là Việt Nam Cộng Hòa ra lệnh cho sở thuế vụ trừ 10% thuế vào các giải thưởng do chính phủ tổ chức. Không thấy nói gì về việc đánh 10% thuế trên các số tiền hối lộ.

Cơ quan Thuế Vụ thuộc Bộ Ngân Khố của Mỹ được mang một cái mỹ từ rất kêu và hiền lành là Internal Revenue Service (IRS) – có nghĩa nôm na là Dịch Vụ Thâu Góp Tiền Bạc Trong Nội Bộ. Cái mỹ từ này hiền đến nỗi có lẽ nên dùng để chỉ các bà vợ của chúng ta thì hợp hơn. Có lẽ vì thế mà các bà vợ, cũng giống như nhân viên sở thuế, bị ghét cay ghét đắng không thua gì mấy anh chàng lo về an ninh phi trường, bắt dân cởi giầy, lột áo.

Có những cái tên không được dùng nữa như Bộ Chiến Tranh được đổi thành Bộ Quốc Phòng ở Mỹ sau Thế Chiến Thứ Hai. Cũng sau Thế Chiến Thứ Hai, cơ quan tính báo Mỹ đổi từ OSS sang CIA. Hồi mới sang Mỹ, rất hiếm khi trông thấy chữ Pharmacy, chỉ toàn thấy những bảng hiệu mang chữ Drugstore. Sau này, chắc là vì sự lan tràn, bành trướng của các loại nha phiến nên các công ty thương mại tránh dùng chữ Drug.

Có những cái tên nói lên thực trạng một cách phũ phàng. Thời Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta có một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc Phòng gọi là Tổng Nha Ngân Sách và Ngoại Viện. Năm 1975, khi Quốc Hội Mỹ cắt ngoại viện thì ngân sách tiêu tùng, lính bộ binh gẫy súng, không quân hết xăng, pháo binh hết đạn, nước mất, nhà tan.

Dạo sau này, trong tiếng Việt có chiều hướng dùng chức tước khoa bảng đặt trước tên để tỏ lòng kính trọng như Tiến Sĩ này, Luật Sư kia; nhắc đi nhắc lại nhiều lần như sợ người đọc hay người nghe quên mất. Nhưng nếu đọc báo ngoại quốc thì chúng ta sẽ thấy nếu có nói đến chức tước thì cũng chỉ một, hai lần trong suốt bài báo; còn thì chỉ viết tên không mà thôi. Có lẽ là vì tôi là một kịch sĩ nên khi xem những phim của Pháp (có phụ đề Anh ngữ), tôi rất thích thú khi thỉnh thoảng được thấy đằng sau tên của một tài tử trong phần giới thiệu diễn viên trước và sau phim, là một hàng chữ “de la comédie Francaise”. Đáng khen ngợi. Có lẽ chỉ có mấy anh Tây Phá Lăng Sa (tuy tôi không thích Tây cho lắm) mới đủ bản lãnh để tỏ lòng kính trọng những “anh hề” trên sân khấu như thế.

Trở lại với chữ “Đưa”. Với những ý nghĩa nồng nàn như đã nói phần trên bài, “Đưa” còn được dùng trong những lời lẽ cộc cằn giống như một câu đối thoại tôi viết trong vở kịch “Lộn Số”: “Đưa cái phone của ông cho tôi xem con khốn nạn nào gọi điện thoại cho ông.”

Không biết phản ứng của bạn khi nghe thấy câu này như thế nào. Còn tôi, khi vợ tôi nói như vậy, thì đương nhiên là tôi “Đưa” ngay.

Luân Tế

5.2015

Nếu chưa chán thì xin mời các ban đọc lại CHỮ VÀ NGHĨA  (hồi một) tôi viết cách đây mấy năm:

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/ch%E1%BB%AF-v%C3%A0-ngh%C4%A9a---kh%E1%BA%A3o-lu%E1%BA%ADn.php

 

Trở về trang chính

  http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

 

 

 

 

 

 

 

                           

Make a free website with Yola