letuanthewriter


 


CUỘI

Luân Tế



Nhân chuyện anh chàng Brian Williams - Mỏ Neo của đài NBC -

bị tổ trác khi tự đánh bóng.

Trong ngôn ngữ dân gian, chúng ta thấy có những ví von “nói dối như Cuội”, hay “nói dối như Vẹm (VM - Việt Minh, tiền thân của Cộng Sản VN)”. Về Vẹm thì chắc tôi và bạn đều có ít nhiều kinh nghiệm đau thương rồi – tôi có một người anh và một người em chết trong trận chiến chống Cộng Sản. Chắc cho đến bây giờ cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay vài ba anh cán ngố kiêm lú lẫn được XHCN cho bú từ trong trứng nước mà không dứt “sữa” nổi. Không có cái lon Ensure đảng và nhà nước cấp cho thì mấy anh cán này chỉ có nước đi ăn mày.


Còn về “nói dối như Cuội” thì tôi chịu. Theo truyền thuyết dân gian thì Cuội là một nhân vật giả tưởng trong giai thoại về Trung Thu, mặt trăng và một cô gái ở trên Cung Trăng, tên là Hằng Nga (người đẹp trên trăng.)


Giáo sư ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho rằng chữ "Cuội" có gốc Hán Việt là chữ "Quải". "Quải" hoặc "Quảy" theo từ điển của Đào Duy Anh có nghĩa là "lừa dối, dụ dỗ người khác mua hàng." Nhưng còn việc chàng Cuội lừa đảo dối trá ra sao mà thành danh thì không thấy nói đến. Còn có một chuyện hoang đường nói về sự tích Cuội ngồi gốc cây đa trên mặt trăng là vì vợ Cuội đi “tiểu” ở gốc cây đa mà “nhắm” không đúng hướng làm cây đa cổ thụ tức mình nhổ rễ bay lên trời, cắm dùi trên mặt trăng. Cuội tiếc cái cây (và chắc là cũng chán vợ rồi) nên bám lấy rễ bay lên theo, rồi lặn luôn...Vào ngày rầm trăng sáng người ta vẫn thấy anh chàng Cuội ngồi dưới gốc cây đa, không chịu quay về trần gian với vợ. Hết chuyện!


Riêng trong âm nhạc thì có sự tương phản về con người thật của Cuội. Theo bài hát của nhạc sĩ Lê Thương mà chúng ta hát từ ngày con bé thì Cuội không dính líu gì tới chuyện dối trá:

Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ.

Anh Cuội già rồi, không hy vọng gì chiếm được trái tim của Hằng Nga tuy đã lên đến nơi (mặt trăng) rồi nên ngồi lại, dựa lưng vào cây đa nghỉ mệt. Hay ta có thể suy diễn là Cuội không tìm thấy Hằng Nga (chuyện cổ tích phịa ra nàng này) nên ngả mình, nhắm mắt lại, mơ mộng, tưởng tượng về người đẹp trên trăng.


Nhưng theo Phạm Duy, trong bài “Những Đàn Chim Nhỏ”, thì Cuội ta có nói dối thật:

Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga

Nói dối ông bà lên tới mặt trăng.

Cái tội nói dối - và trốn học - để đi chơi với đào (tôi phạm cái tội này thường xuyên hồi còn đi học ở CVA và ăn đòn như điên) thì không thể so với cái tội của mấy thằng Vẹm được mà phải bị đưa tên vào cái lịch sử không được đẹp đẽ gì cho lắm. Hay Cuội ta lên đến cung trăng, lại nói dối tiếp, tự đánh bóng mình để “lấy le” với Hằng Nga nhưng bị lật “tẩy” nên mang tiếng cho tới ngày nay? Nếu ta để trí tưởng tượng của mình bay lên cung trăng lúc Cuội đang tán Hằng Nga vào đúng thời điểm mấy Thằng Vẹm đang âm mưu làm cách mạng bịp bợm thì có lẽ câu nói phét của Cuội sẽ như thế này: “Em không biết chứ, anh với Bác như hai mà một, như bóng với hình, như môi hở răng lạnh. Hiện nay anh là thằng chuyên đổ bô cho Bác trong hang Pắc Bó. Bác bị suy thận kinh niên nên cứ hai ba tiếng là anh phải đi đổ bô một lần. Không hiểu tại sao mà nước đái Bác lại khai đến thế, khai hơn nước đái quỷ, một tay xách bô còn tay kia bịt mũi cho thật chặt.”


Nhưng nghĩ cho cùng thì, có lẽ anh chàng Cuội này có nói dối thật trong các truyện truyền kỳ dân gian khác nên mới bị hai ông nhạc sĩ lớn của Việt Nam khoác cho cái đại danh từ có ý miệt thị “Thằng” (có lẽ độc giả tinh ý thì thấy tôi dùng chữ Thằng trước chữ Vẹm.)


Lời nói dối là để che dấu sự thật. Có những lời nói dối “nhỏ” - như nàng nói với chàng: “Hôm nay em hơi bị nhức đầu, để lúc khác mình “ấy” được không anh?” Có những lời nói dối “lớn”, tạo ra những hậu quả tầy đình - như lời nói dối của Nixon/Kissinger khi ép VNCH ký Hiệp Định Paris để có cớ rút quân năm 1972: “Nếu chúng nó (VC) tấn công các anh, nước Mỹ chúng tôi sẽ quay lại can thiệp.

Ngành tâm lý học có phân tích việc nói dối và chia ra làm hai loại. Thứ nhất là những lời nói dối với mục đích lừa bịp, bất cần hậu quả. Loại thứ hai là những lời nói dối vì thích nói dối và quen tật nói dối, nhằm mục đích tự biện hộ, có thể không làm hại ai và hầu như vô thưởng vô phạt.


Nếu dùng sự ví von trong văn hóa dân gian như chúng ta nói ở trên thì loại nói dối thứ nhất thốt ra từ mồm mấy Thằng Vẹm; và loại thứ hai có thể ví với mấy chàng Cuội.


Còn một loại nói dối khác nhỏ hơn vì hoàn cảnh đưa đẩy. Chẳng hạn như đang đói muốn chết nhưng vì sĩ diện, lúc được mời ăn cơm thì từ chối, nói “tôi mới ăn xong, hãy còn no lắm.”


Khi nói dối và ăn gian (chủ ý giành phần thắng cho bằng được bằng mọi cách) đi chung với nhau thì hậu quả trầm trọng hơn nhiều. Thí dụ như hai trường hợp nói dối khác nhau của cựu Tổng Thống Bill Clinton và lực sĩ đua Xe Đạp Lance Armstrong.


Khi bị thẩm cung (deposition), TT Clinton phủ nhận là mình đã có quan hệ tình dục với Monica Lewinski. Sau đó, Monica đưa ra chiếc váy mầu xanh đậm hãy còn mang dấu vết chứng minh là Clinton nói dối (Không phải chỉ là một lời nói dối thông thường mà là lời nói dối hữu thệ, một tội đại hình theo luật pháp Hoa Kỳ.) Như chúng ta đã biết, Clinton thoát nạn, ở lại chức Tổng Thống. Không những thế sau khi hết nhiệm kỳ, ông đã tạo được gia sản trên 100 triệu, trở nên một chính trị gia có tầm vóc quan trọng và được mến mộ đối với dân Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung tuy tất cả mọi người đều biết đến lời nói dối đã đi vào lịch sử thốt ra từ cửa miệng Clinton trên truyền hình: “I never had a sexual relationship with that woman, Ms. Monica Lewinski.”


Clinton nói dối để chạy tội nhưng không ăn gian, chỉ phạm tội ăn vụng.


Trường hợp của Lance Armstrong thì khác. Từng được ca tụng là một lực sĩ siêu việt vì đã đoạt được 7 áo vàng vô địch trong giải Tour de France, giải đua xe đạp lớn và gay go nhất thế giới. Anh chàng này khăng khăng chối là mình chưa bao giờ dùng những chất có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, những chất bị Hiệp Hội Thế Giới Kiểm Chứng Về Các Chất Tăng Cường Thể Lực không cho phép dùng. Đến khi không chối được nữa thì chàng ta lên chương trình TV của Oprah Winfrey, thú thật là mình đã nói dối. Sau khi bị “lột” 7 chiếc áo vàng vô địch và cấm không cho đua xe đạp cho đến chết, anh ta còn mất một số tiền làm quảng cáo đại diện cho các nhãn hiệu thương mại ước lượng tới khoảng 75 triệu và mới đây bị tòa ở Texas phán quyết phải trả lại trên 5 triệu cho một công ty trước đây Amstrong đã lấy tiền làm đại diện quảng cáo trong lúc nói dối. Bây giờ thì giới hâm mộ thể thao nói chung và dân Mỹ nói riêng nhìn Amstrong với con mắt miệt thị.


Anh chàng Armstrong này vừa nói dối (để che dấu việc làm của mình), vừa ăn gian (để thắng), lại vừa ăn vụng (làm chuyện bất hợp lệ).


Như phần trên nhắc tới, chữ "Quải" hoặc "Quảy" theo từ điển của Đào Duy Anh có nghĩa là "lừa dối, dụ dỗ người khác mua hàng." (Ngày nay tiếng thường dùng là quảng cáo láo - false advertising). Thời chúng ta còn ở trong nước, có những giai thoại về Cao Đơn Hoàn Tán, thuốc “dổm” trị bá bệnh lấy chất liệu quảng cáo là từ thú vật hay thiên nhiên, cây cỏ. Những người bán các loại thuốc này thường lợi dụng sự ngây ngô, ít học, hay tin người của dân chúng. Bên Mỹ có một loại người mang tiếng không kém, đó là dân bán xe hơi cũ. Bây giờ lại thấy nhan nhản những quảng cáo về Cao Đơn Hoàn Tán tân thời trên các báo chí, truyền thanh, truyền hình trong cộng đồng người Việt tị nạn. Đối tượng phần nhiều là những người không biết tiếng Anh, sợ đi bác sĩ, lãnh SSI.


Thật ra thì thời nào, chỗ nào, xã hội nào cũng có những cái thật và cái giả (dối). Việt Nam ta có câu, nhà báo nói láo ăn tiền. Ở xã hội Mỹ chúng ta đang sống thì báo chí không dám nói láo (chỉ trừ những báo lá cải). Chuyện nói trăng, nói cuội, dối trá ở Mỹ thường là mẫu số chung cho các tay làm chính trị. Nhất là vào mùa bầu cử thì chúng ta được thưởng thức những món nói dối tinh xảo được xào nấu trong các lò chuyên môn nói láo hay ít nhất cũng bẻ cong sự thật. Mới đây nhất là chuyện có một tờ truyền đơn gửi đến nhà cử tri chụp lại án tòa kết tội một ứng cử viên say rượu lái xe (DUI). Giấy tờ thật nhưng tên của người bị kết tội được đục ra thay vào tên ứng cử viên, dùng photoshop. Riêng cộng đồng Việt Nam ở quận Cam thì thấy rõ những giả dối của những nhân vật trong chính quyền do dân cử. Các ông bà nghị viên, nghị sĩ, dân biểu, thị trưởng, giám sát viên không biết gì về Việt Nam cũng cho vợ mặc áo dài, tay cầm cờ vàng ba sọc đỏ, miệng hô khẩu hiệu “Đả Đảo Cộng Sản Việt Nam” và “Việt Nam Cộng Hòa Muôn Năm”. Tôi bảo đảm với các bạn đó là những hành động mỵ dân để kiếm phiếu và những hành động, lời nói của những người này là không thực - dối trá.


Trở lại chuyện anh “Cuội” Brian Williams. Anh kể là trước đây lúc anh ngồi trong máy bay trực thăng ở Iraq bị hỏa lực phòng không địch tấn công tới tấp. Phịa - máy bay của anh hạ cánh an toàn và không hề bị tấn công. Anh còn nói là đã từng ngồi trực thăng cùng với toán đặc công tinh nhuệ Seal Team 6 của Hải Quân Mỹ (toán này ký giấy khai tử cho Osama bin Laden) đi vào lòng địch. Phịa - nhóm Seal này không được phép cho thường dân đi chung. Anh còn nói là lúc báo cáo tin tức về trận bão Katrina, anh cầm micro đứng chỗ nước ngập đến đùi và cạnh anh còn có một cái xác người trôi lều bều. Phịa - xem lại phim cũ thì không thấy có cảnh này.


Brian có lẽ chỉ đáng bị gán cho cái tội tự đánh bóng mà thôi vì mấy câu phóng đại tô mầu, thấy người sang bắt quàng làm họ của anh thực ra là vô thưởng vô phạt. Kể cả hãng truyền hình NBC cũng là tòng phạm trong vụ này khi đưa ông “Mỏ Neo” lên tận mây xanh rồi còn khuyến khích ông lên mấy cái talk show để quảng cáo cho mình và để những người không xem ông bao giờ phải mở đài NBC ra thấy ông đọc tin hay đến đâu. Thế là công ty đo lường ảnh hưởng của ngành truyền thông Nielsen tuyên bố là NBC News đoạt giải nhất trong 4 đài chính vào cái giờ gọi là prime time của giới truyền thông vô tuyến hết tuần này sang tuần khác hàng chục năm liền. Và vì thế mà hãng NBC thu nhiều lợi nhuận hơn các chương trình tin tức truyền hình khác.Thế mà NBC nỡ lòng nào cúp 6 tháng lương của Brian trong khi bị treo “neo” - 5 triệu đô không cánh mà bay. Giờ thì chừa cái tội tự đánh bóng. Nhưng tục ngữ ta lại có câu: “chết vẫn không chừa”


Vì thế ta lại lấy chuyện Cuội ra mà bàn lần cuối.


Ta có thể phịa chuyện Brian tự đánh bóng, nói phét là anh là phi hành gia thứ tư trên phi thuyền Apollo 11 phóng từ Cape Canaveral lên tới mặt trăng vào ngày 20 tháng 7 năm 1969 cùng với Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins (lúc đó chàng mới lên 10). Nhưng nếu Brian lên trăng được thì mới xứng đáng được đứng chung “chiếu”, ngồi chung gốc cây đa với chàng Cuội của Việt Nam mình.


                                                                                   BRIAN ON THE MOON                 

Thành ra có bài vè Mỹ - Việt đề huề như sau:


Brian lên tới mặt trăng

Gặp ngay chú Cuội đang nằm ngủ trưa.

Brian, “Hao a zu, sơ?”

Cuội ngồi dậy nói, “Mít tờ dớt phai.”

Brian hỏi lên thăm ai

Cuội cười bẽn lẽn, “si mai hố nì?”

Brian, “Cô ấy tên chi?”

Hằng Nga,” Cuội đáp. Happy quá chừng!

Hằng Nga

When Brian gets to the moon

He sees Mr. Cuội taking a nap

Brian, “How are you sir?”

Cuội sits up and replies, “Mister's just fine.”

Brian asks whom does Cuội come to the moon to see

A bit bashfully, Cuội says, “To see my honey.”

What's your honey called?” Brian asks,

The Beauty on the Moon,” Cuội beams!


Luân Tế

02.2015


Trở về trang chính:

  http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/



















Make a free website with Yola