LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


 

 

 BA TÔI 

                               

 

 

 tạp ghi

 

 

                                             Luân Tế         

           

                                                                                                                         (Kính tặng Ba)

Tôi gọi ông là “Ba”. Nếu tôi có thể đổi cách xưng hô này thì tôi sẽ xin được dùng chữ “Bố”. Theo tôi, chữ Bố thân mật hơn và nhiều tình cảm hơn. Tôi xưng Bố với con tôi và nó cũng gọi tôi bằng Bố. Có một sự trùng hợp nào đó trong ngôn ngữ mà tôi chưa có cơ hội tìm hiểu: Ba và Bố có tiếng tương ứng ở Pháp văn là Papa…trong tiếng Anh là Pop, Poppy…trong tiếng Tầu là Phụ…Chữ Mẹ thì rõ hơn với chữ M--- Mère, Maman, Mom, Mommy, Mother, Mẫu v.v..Không biết dân ta bắt đầu dùng những chữ này từ lúc nào, có thể là trong thời Pháp thuộc. Hình như lúc còn bé ở Hà Nội tôi gọi ông là Cậu, sau này đổi lại. Thời nay ít thấy ai dùng chữ Thầy hay Cha. [Tôi vẫn ngầm phản đối - tuy là người Công giáo - việc các ông Tây bà Đầm ở Ý Đại Lợi hay Bồ Đào Nha hay Phá Lang Sa đặt ra và bắt giáo dân gọi tu sĩ bằng Cha và Mẹ. Theo tôi, phải có công sinh thành thì dùng chữ Cha và Mẹ mới có ý nghĩa].

 

Ba tôi là người có Tây học nhưng có những thói quen cổ chẳng hạn như áp dụng kỷ luật gia đình bằng cách đánh con cái – tôi vẫn còn giữ nguyên cái cảm giác biết là mình sắp ăn đòn khi trèo qua ban công vào nhà sau khi lén đi nhẩy đầm với ông anh ruột, thấy ba tôi ngồi sẵn chờ từ lúc nào với cây roi trên tay; lúc đó tôi đã 17, anh tôi 19.

Một thời gian ngắn sau cái đêm bị đòn đó, vào lúc sáu giờ sáng, ba tôi cầm chiếc va li đưa tôi là đầu ngõ, chỗ nhà thờ Phú Nhuận, để tôi đón xe buýt lên Sài Gòn đi nhận việc làm đầu tiên trong đời. Trước khi tôi lên xe, ba tôi ôm lấy tôi thật chặt - có lẽ là lần đầu tiên khi tôi đã lớn. Tuy nhà rất túng và đông con, ba tôi lúc đầu nhất định không cho tôi đi làm. Ông muốn tôi lên đại học để ít nhất cũng lấy được cái bằng cử nhân để giòng họ Lê nở mày nở mặt. Tôi phải hứa đại là tôi sẽ lấy bằng cử nhân trong vòng 10 năm ông mới bằng lòng. May sao, tôi giữ được lời hứa với ông 8 năm sau đó.

Ba tôi ở trong quân đội rồi chuyển sang dân chính làm công chức suốt đời. Lúc Mỹ sang Việt Nam, tôi có một người ông trẻ làm cho Mỹ rất lâu, muốn đưa ba tôi vào làm nhưng ba tôi không nhận vì muốn giữ chân công chức để sau này được ăn tiền hưu như ông nội tôi. Chẳng may là tiền hưu của ba tôi – cũng như của cả chục triệu công chức, cựu quân nhân, thương phế binh, cô nhi, quả phụ - bị Việt Cộng vào ăn quịt hết, về sau sang Mỹ thì được Mỹ đền trong chương trình SSI.

 Ba tôi là người rất ngoan đạo. Nhưng ông bị khủng hoảng sau 3 cái chết trong gia đình tôi. Lê Báu, sĩ quan Thiết Giáp – hơn tôi 2 tuổi và tôi cho là người bạn thân duy nhất của tôi – tử trận lúc 22 tuổi; Lê Ngọc Hưng, thằng em đi lính Nhẩy Dù tuy là thằng hiền nhất nhà – chết trong lúc đóng quân tại Huế lúc 25 tuổi; và gần đây nhất là cái chết của mẹ tôi. Sau khi Báu chết, ba tôi không đi lễ nữa. Cái chết của Hưng làm tăng thêm niềm hoài nghi vào tôn giáo của ông. Cho đến khi Đức, thằng em áp út, bị bắt vì tội vượt biên thì ông “bargain” với Chúa. Nếu Chúa cho ông cứu được vợ chồng Đức thì ông sẽ trở lại đạo. Đến khi mẹ tôi mất thì ông vẫn đi nhà thờ, vẫn đọc kinh, nhưng tôi thấy có một cái gì đó hời hợt, miễn cưỡng trong những bài kinh, những lần đi lễ.

 

Ba tôi rất yêu mẹ tôi.  Hai ông bà ở với nhau 62 năm, có 8 mặt con, và tình yêu đó vẫn còn tiếp tục sau khi mẹ tôi chết. Gần 4 năm rồi mà ngày nào ba tôi cũng vẫn làm một vài cử chỉ, có một vài hành động như lúc mẹ tôi còn sống. Ông đếm từng ngày trên lịch. Ngày nào ông cũng viết vài giòng, không phải nhật ký, mà là những lời nói chuyện với mẹ tôi. Mỗi tuần ba tôi ra nghĩa trang thăm mẹ tôi 2 lần. Ông đem nhang, hoa, và một cái kéo cắt cỏ nhỏ xíu để làm cho khoảng cỏ chỗ mẹ tôi nằm lúc nào cũng được vun, xén gọn gàng. Niềm ao ước của ba tôi bây giờ là được xum họp với mẹ tôi để nối lại cái hạnh phúc bị cắt ngang của hai người trong một cái thế giới nào đó. Tôi không tin vào đời sau nên không biết là ba tôi có đạt thành ý nguyện của ông không.

 Sống trong cái xã hội Tây phương hơn nửa cuộc đời có lẽ tôi cũng nhiễm một phần nào cái bản chất thiếu kính trọng người lớn tuổi trong cách ăn nói, lối cư xử. Tôi nghĩ là mình không trọng nể, kính sợ ba tôi như là lúc còn ở Việt Nam. Và nếu ba tôi có nhận thấy điều đó thì có lẽ ông cũng tha thứ cho tôi cũng như tôi đã, đang, và sẽ tha thứ cho con tôi trong những lời ăn, tiếng nói, cách cư xử.

 

Anh em chúng tôi hàng năm vẫn có những ngày họp mặt nhân dịp “Ngày của Cha”, “Ngày của Mẹ”. Từ ngày mẹ tôi mất thì chúng tôi không còn họp nhau vào ngày ấy nữa mà đem hoa ra mộ mẹ, đọc một hai kinh rồi đi về vì không muốn phải nhìn thấy ba tôi chìm lắng trong những kỷ niệm với mẹ tôi trong cái ngày đặc biệt ấy. Chúng tôi vẫn họp mặt với ba tôi trong “Ngày của Cha”. Nhưng bao giờ ba tôi mất thì tôi sẽ đề nghị với các em chọn một ngày nào đó cuối tháng 5 - giữa hai ngày lễ - họp mặt lại mừng “Ngày của Cha Mẹ”, và chọn một ngày nào đó giữa hai ngày giỗ - làm ngày giỗ chung, với niềm hy vọng là anh em chúng tôi sẽ góp được phần nào trong việc kết hợp lại được tình yêu đã bị gián đoạn của ba tôi và mẹ tôi.

 

Tuy biết là ba tôi không thể vui được trong cái “Ngày của Cha” năm nay vì chắc chắn ông sẽ nghĩ đến những “Ngày thật đẹp của Mẹ” trong quá khứ, tôi cũng xin chúc ba  tôi:

 

HAPPY FATHER’S DAY!!!!

back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/


Make a free website with Yola