letuanthewriter


LỜI CẦU XIN


Luân Tế

Xã luận



Cầu xin - cầu nguyện. Xin Thượng Đế (Thượng Đế đây có thể ở nhiều dạng: Chúa - Phật - Allah v...v...)

hay một bậc bề trên (Thánh - thần - người đã khuất linh hiển) ban cho một chuyện gì.

Có thể là cho mình hay cho tha nhân.


Hôm Chủ Nhật, tôi và một số bạn đến dự sinh nhật của một bạn trong nhóm và nhân thể xem trận chung kết World Cup 2014 giữa (Đức) Germany và (Á-Căn-Đình) Argentina.


Khi đến khoảng gần hết hiệp nhì thì anh bạn ngồi cạnh tôi nhìn vợ rồi phát biểu: “Đã đến lúc chúng mình sửa soạn cầu xin Chúa cho Á-Căn-Đình thắng đi là vừa. Và thế nào Chúa cũng nghe lời cầu xin vì Đức Giáo Hoàng hiện nay là người Á-căn-Đình và rất mê đá bóng.”


Vừa lúc đó thì trên màn hình HDTV 60 Inches của bạn tôi hiện ra một “shot” tuyệt đẹp với hình ảnh panoramic của sân vận động Maracana về đêm ở background, chung quanh là thành phố Rio de Janero rực rỡ với ánh đèn, và bức tượng Chúa Jesus khổng lồ nổi tiếng thế giới của Ba Tây được dựng lên vào năm 1931, cao 98 feet (30 thước) với chiều dài của hai cánh tay dăng ngang dài 92 feet (28 thước).


Không hiểu tại sao tôi thấy là hình ảnh tượng Chúa Jesus ở foreground của cái “ panoramic shot” này thật sự có một tác dụng gì đó trong trận đá banh vì, có lẽ khi nghe thấy lời cầu nguyện của bạn tôi, tôi thấy rõ ràng trong trí tưởng tượng của tôi Chúa Jesus dang tay ra như một thủ môn để chặn những trái banh của Đức tấn công vào thành “gôn” của Á-Căn-Đình.


Quả nhiên, khi màn ảnh trở về trận đấu trên sân cỏ thì, chỉ chừng 30 giây sau Đức tấn công mãnh liệt. Instant replay chiếu lại đoạn Đức đá “hụt” này rất ngoạn mục. Tất nhiên là người ngoan đạo như anh bạn tôi (tôi cũng có đạo nhưng không “ngoan” bằng anh) chắc chắn tin là Chúa đã nghe lời anh cầu xin. Và có lẽ Đức Giáo Hoàng Francis lúc đó đang xem TV ở Vatican cũng phải bật ra một câu bằng tiếng Tây Ban Nha: “Gracias Dios”; và vì sợ mấy Hồng Y, Đức Ông, Giám Mục đang cùng xem TV trong phòng nghĩ là mình thiên vị, ngài vội vàng thốt lên mấy chữ tiếng Ý : “Ringazio Dio”. Rồi đưa tay lên làm dấu Thánh Giá.


Bây giờ thử dùng trí đầu óc phong phú Thượng Đế ban cho chúng ta để tưởng tượng sang một chuyện khác, cũng về World Cup, cũng có Đức đá với Á-Căn-Đình ở Ba Tây vào năm 2014.


Trong một căn phòng trang trí rất đẹp cách phòng xem TV của ĐGH Francis khoảng 200 thước. một ông già da trắng, tóc trắng, mặc áo thụng trắng cũng đang ngồi một mình xem trận chung kết đá banh này trên một TV nhỏ. Khi trái banh của Đức đá “xáp lá cà” bị thủ môn Á-Căn-Đình đấm ra ngoài vòng biên, ông già thốt ra một chữ ngắn ngủi “Scheibe!” rồi đưa tay lên che miệng, nhìn quanh, không thấy ai, thở phào, rồi ngước lên nhìn tượng Chúa Jesus đóng đinh trên Thánh Giá, cúi đầu nói khẽ: “Lieber Gott, bitte vergib mir !” Rồi đưa tay lên làm dấu. Ông già tóc bạc đó là Cựu Giáo Hoàng Benedict 13, gốc Đức. Hai câu nói của ông bằng tiếng Đức phiên dịch sang tiếng Anh là “sh...t ” và “Dear God, please forgive me.


Thử giả dụ hai vị Giáo Hoàng Francis và Benedict cũng chỉ là “người” như đám dân Ba Tây khóc như cha chết khi thua trận bán kết 7-1 hay ông bạn tôi cầu xin Chúa cho Á-Căn-Đình thắng vào lúc gần hết hiệp nhì thì chúng ta có thể suy luận là Francis và Benedict, tuy không nói ra miệng, thế nào cũng thầm cầu xin Chúa cho hội banh của nước mình thắng.


Tiếng Việt mình có hai chữ “cho” và “lấy”. Nếu Thượng Đế “cho” mà không “lấy” của ai để “cho” thì đó là một hành động thánh thiện, bác ái, nhân từ. Nhưng nếu Chúa “cho” Á-Căn-Đình thắng thì chắc chắn Chúa phải “lấy” sự thành công của Đức đem “cho” Á-Căn-Đình. Chẳng hạn như Robin Hood trong truyện thần thoại Tây Phương “lấy” của người giầu “cho” người nghèo. Ai đáng được “cho”? Ai đáng bị “lấy”? Nói theo Shakespeare thì, that is the question.


Bởi vì việc “lấy” của người này “cho” người khác là một chuyện xẩy ra thường ngày. Và nhiều khi việc này có thể tạo ra những hậu quả bi đát như trong kịch Shakespeare.


Lấy thí dụ như hai câu thơ đã đi vào hàng triệu lòng người và vào văn học sử nói về tình yêu của ông anh văn nghệ của tôi là Thi Sĩ Nhất Tuấn. Ông viết:


Con cầu xin Chúa trên trời

Sao cho con lấy được người con yêu.


Tôi biết Ông Nhất Tuấn là người Công giáo nên khi ông yêu quá nhưng có thể vì người ông yêu – chưa chắc đã là người yêu ông – chưa “chịu” nên ông phải nhờ đến Chúa để giúp ông toại nguyện. Nếu Chúa đồng ý với lời cầu xin này của thi sĩ, Chúa sẽ hiện ra, nói với người ông yêu là, “Con ơi, ông Nhất Tuấn là người tốt, có tài, cao lớn, đẹp trai, có chức phận, đạo gốc, chưa bao giờ lấy vợ, rất có hiếu với bố mẹ và nặng lòng với đất nước. Ta thấy là con nên bằng lòng nhận lời cầu hôn của ông ấy đi.”


Người ông yêu thấy Chúa hiện ra, nói với mình như vậy nên siêu lòng. Đám cưới rất to.


NHƯNG! Số là có một anh chàng ở cùng xóm với người ông yêu cũng yêu cô say đắm. Ngày cô đi lấy chồng cũng là ngày anh chàng này lấy dao lam cắt mạch máu ở cổ tay, tự tử chết trong tuyệt vọng.


Cái chết tức tưởi của anh chàng này xẩy ra vì Chúa nghe hai câu thơ khẩn cầu mình “mùi” quá, dễ thương quá nên động lòng trắc ẩn, “lấy” cô gái này “cho” ông Nhất Tuấn mà không biết và nghĩ là mình “lấy” cô gái anh chàng kia cũng yêu thắm thiết đem “cho” nhà thơ.


Chính vì thế mà tôi viết ở trên là lời cầu xin nhiều khi còn có hậu quả bi đát như trong kịch Shakespeare.


Hai câu thơ này có thật. Thi sĩ Nhất Tuấn hãy còn sống và tôi mới nói chuyện bằng điện thoại với ông cách đây không lâu – ông khuyên tôi nên làm phim lại và nếu được thì nên quay thành phim cuốn “Dòng Sông Thanh Thủy” của Nhất Linh.


Phần còn lại của câu chuyện là “phịa”. “Phịa” như kịch của Shakespeare. “Phịa” như mấy quyển tiểu thuyết của tôi bán trên Amazon (xin phép cho quảng cáo chút chút – MỜI CÁC BẠN VÀ QUÝ VỊ BẤM CHUỘT VÀO TÊN SÁCH XEM CHƠI)


http://www.amazon.com/GREEN BAMBOO JUSTICE - NOVEL - BY LÊ TUẤN



http://www.amazon.com/MOTHERLAND-NOVEL-LÊ TUẤN


http://www.amazon.com/WHO KILLED PINK SWALLOW- NOVEL - LÊ TUẤN



Xin lỗi đã đi hơi lạc đề. Bây giờ trở lại với “Lời Cầu Xin.”


Tiếng Việt có 2 chữ: Cầu Xin và Cầu Nguyện.


Tiếng Anh chỉ dùng có một động từ là “Pray” và danh từ là “Prayer”.


Say a prayer” có nghĩa là đọc kinh.


Say a prayer for...” thì có nghĩa là cầu nguyện – cầu xin cho mình hay một người nào đó.


Trong tiếng Anh còn có chữ “Negative Prayer”, dùng lời cầu nguyện - cầu xin để hại người khác.


Trở lại một mẩu chuyện nhỏ về World Cup. Portugal sẽ đấu với Ghana. Portugal có một cầu thủ siêu đẳng tên là Cristiano Ronaldo. Ghana có một giáo sĩ tên là Bonsam. Khi Ronaldo bị sưng đầu gối không đá được thì ông giáo sĩ Bonsam tuyên bố là ông hằng cầu nguyện ơn trên cho Ronaldo bị thương để tránh cho đội banh của Ghana một đối thủ lợi hại. Và thượng đế đã nghe lời ông cầu xin.


Trong lãnh vực chính trị thì có một chuyện như sau: Khi Obama đắc cử Tổng Thống, có một phong trào không biết ai chủ trương tung ra một câu slogan “Pray for Obama - Psalm 109.8” - “Cầu nguyện cho Obama – Kinh Thi 109.8” in trên các giấy dán trên cảng xe và áo T-shirt. Người bình thường theo đạo Công Giáo hay Tin Lành trông thấy hàng chữ này, nếu thích Obama thì lặng lẽ dâng lời cầu nguyện cho ông Tổng Thống da đen, dùng Kinh Thi 109.8 làm tiêu chuẩn.


Nhưng người nào “cắc cớ” hay tò mò, tìm xem trong kinh thánh có câu thơ nào mang số 109.8 không thì sẽ thấy những lời “cầu nguyện” như sau:


Cầu cho cuộc đời ông ta ngắn ngủi

    Cầu cho một người nào đó lên thay chức

    Cầu cho con cái ông ta trờ thành con mồ côi, và vợ ông ta trở thành góa phụ.

    Vào năm 2012, ông Mike O'Neal, Chủ Tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa Bảo Thủ ở tiểu bang Kansas gửi cho các bạn đồng viện của ông ta một lá thư với những lời cầu nguyện này và viết:

    Ít nhất thì chúng ta cũng tìm ra được một lời cầu nguyện trong kinh thánh dành cho vị Tổng Thống của chúng ta - Mở kinh thánh ra mà xem – Nguyên văn đúng từng chữ một – Ta hãy cúi đầu dâng lời cầu nguyện.”


Cho đến nay khi tôi viết bài này, lời nguyện cầu này chưa được Chúa “ban.”


Trước khi World Cup bắt đầu, một tờ báo in bằng tiếng Tây Ban Nha đăng lời tuyên bố của Đức Giáo Hoàng Francis là Ngài sẽ không cầu nguyện cho Á-Căn-Đình thắng.


Chắc chắn Đức Giáo Hoàng hiểu được nếu ngài “say a prayer” cho Á-Căn- Đình thắng thì vô hình chung ngài cũng cũng dâng một “Negative Prayer” cầu cho Đức thua.


Dominus vobiscum”


Luân Tế

7.2014



                                                                                              Trở về trang chính:

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/
























































Make a free website with Yola