letuanthewriter


SỐ........

Luân Tế


Bài này được viết để tặng bác sĩ Võ Văn Tùng,

một “sơ” hữu - rất sơ, sau khi gặp và đọc ký sự của ông về

những gì ông cảm nhận được lúc cận kề cái chết.



Thiên hạ nói giầy dép còn có số thì con người cũng phải có SỐ tuy trong tiếng Việt, hai chữ “số” này khác ý. Bài này không có ý nói đến con số trên giầy dép mà đến cái chúng ta gọi là Số Con Người. Số đây là số mạng, số kiếp, số đẻ bọc điều, số khốn nạn, số con rệp, số hên, số xui, số ăn mày, số đen, số đỏ, tới số, số khổ, số sướng...Nói đến số mạng là nói đến cuộc đời, mà nói đến cuộc đời thì phải nói đến cái Sống và cái Chết. Tránh dùng tiếng Ba Tầu thì chúng ta ai cũng phải trải qua 4 giai đoạn từ lúc sống tới lúc chết: Sinh ra, già đi, bệnh hoạn, rồi chết.


Hai chữ Sống và Chết trong tiếng Việt được dùng dưới nhiều dạng: động từ (sống, chết), danh từ (sự sống, cái chết), tĩnh từ (cơm sống, thằng chết tiệt), trạng từ (chôn sống, nuốt sống) và phần nhiều dùng để nói về động vật hay thực vật. Người có cuộc sống khó khăn, không ra gì thì bị gọi là “giở sống, giở chết” hay “sống giở, chết giở.” Sống thì thường được kèm theo với các tĩnh tự như Sống vui, Sống khỏe; Chết thì được đi với Chết dấm, Chết dúi...Rất tượng hình chúng ta có Sống thì “sống nhăn răng”, Chết thì “chết queo râu”. Sống thì “sống khôn”, Chết thì “chết thiêng”. Có một điều lạ trong tiếng Việt là chữ Chết được dùng nói về những vật vô tri vô giác, nhưng không dùng chữ Sống. Chẳng hạn như: “cái đồng hồ này chết rồi, mấy bữa trước nó vẫn còn chạy mà.” Nếu tôi không nhầm thì ở miền Bắc có dùng chữ Gà Sống (thiến) để chỉ con gà trống (có thể ám chỉ là con gà bị thiến lúc còn sống, nhưng nếu chết rồi thì thiến làm gì? Hay có ý nói là con gà bị thiến rồi vẫn còn sống khỏe mạnh?) Nếu đúng như vậy thì tiếng Bắc có thể bị kết án là có ý miệt thị nữ giới vì ngược với Trống là Mái, và ngược với Gà Sống là...Gà Chết...(xin hiểu theo nghĩa bóng dùng trong dân gian.)


Nói nôm na thì Sống có nghĩa là thân xác của một thực thể nào đó hãy còn hoạt động. Sống đời thực vật có nghĩa là cơ thể còn sống nhưng không còn biết gì nữa, vô tri, vô giác như cây cỏ (tuy có vài chương trình nghiên cứu sau này biện luận rằng cây cỏ cũng biết đau, nhạc cổ điển chơi chỗ trồng trọt thì làm cho cây mọc nhanh hơn, xanh hơn.) Sống thì ai cũng thích và Chết thì số đông “sợ”. Không ai rủa cho người khác phải sống, chỉ rủa cho người khác chết. Nhưng vào thời buổi y học tiến bộ như thời chúng ta đang sống thì mồng một Tết vào thăm và chúc các cụ sống lâu trăm tuổi (đang ngồi lơ ngơ không còn biết gì trong viện dưỡng lão không ai thăm viếng) thì thà “giết” các cụ còn hơn.


Có lẽ cái chết là chuyện bí mật nhất mà cụ Thượng (Đế) từ ngày khai thiên lập địa cho đến bây giờ vẫn còn giữ được bí mật. Khoa học đã tìm hiểu được hầu hết những sự kiện trên quả đất này (và trong cả vũ trụ), nhất là sự Sống (từ quả trứng tới tinh trùng, tới DNA); nhưng về cái Chết thì lâu lâu cụ Thượng chỉ cho bật mí một chút để hoặc là trêu loài người hay cảnh cáo loài người liệu tu thân tích đức để hoặc được lên cảnh tiên hay sa địa ngục sau khi giã biệt cuộc sống. Những bật mí đó được thực hiện qua các ông Thầy Pháp, các Bà Đồng, bàn cầu cơ, và qua những người đã trở về cuộc sống thuật lại những gì họ trải nghiệm sau khi đã chân trong chân ngoài ở ngưỡng cửa của thế giới bên kia (như bài viết của Bác Sĩ Võ Văn Tùng kể cho chúng ta nghe.) Những bật mí này có tính cách “khêu gợi” - cũng giống như chỗ hai vạt áo dài gặp nhau phía trên eo “hơi cao” chỉ để lộ ra một tí da thịt nõn nà - mà không để cho thiên hạ thấy rõ và biết hết sự tình xem nó như thế nào.


Chưa có người nào “chết thật” rồi “sống” lại như khi chưa chết. Lý do là, nói theo y khoa, cơ thể người chết không còn “sống” nữa. Các triệu chứng của sự chết như tim ngừng đập, phổi ngưng thở trong một thời gian ngắn, một khoảnh khắc, có thể chưa đưa hẳn người bệnh vào tình trạng “chết thật”. Những người bị bệnh nặng hay đột quỵ, được cứu sống, kể lại những gì mình thấy trong lúc “chết giả”. Những chuyện này có lẽ không giải thích được bằng khoa học và tùy vào niềm tin và tín ngưỡng của từng cá nhân. Một ý kiến cho là chuyện do một bác sĩ kể lại xẩy ra lúc “chết giả” đáng tin hơn là, lấy thí dụ, một kịch sĩ hay văn sĩ vì ông bác sĩ có kiến thức y khoa / khoa học; còn ông kịch sĩ hay văn sĩ thường sống với những gì trong trí tưởng tượng như lúc đóng kịch hay viết văn. Nếu có một người nào chết rồi, xác được đưa vào phòng lạnh một vài tuần lễ rồi tự nhiên sống lại, kể cho nghe những chuyện người đó thấy và “sống” trong thời gian “chết” thì có lẽ người nghe sẽ tin hơn.


Chắc không có trường hợp nào hai cái “sống” và “chết” gắn liền với nhau như trường hợp Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng. Theo quy luật của Phật Giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi “chết”, sẽ nhập vào một đứa bé và “sống” trong thân xác đứa bé đó để duy trì truyền thống và ngôi vị Lạt Ma cao nhất. Vị Lạt Ma “chết” sẽ làm cách nào để báo cho các vị cao tăng trong Phật Giáo Tây Tạng đi tìm một đứa bé đã được chọn để vị Lạt Ma nhập vào và “sống” lại. Phải mất đến 4 năm các vị cao tăng mới tìm ra tông tích đứa bé có tên là Tenzin Gyatso. Cậu bé này hiện là Đức Lạt Lai Lạt Ma thứ 14, đoạt giải Nobel Hòa Bình, được coi như một vị Phật Sống, và được ngưỡng mộ khắp thế giới. Nhưng chính vị này cũng lại tuyên bố là có lẽ ngài, sau khi viên tịch, sẽ không “sống” lại trong hình hài của một đứa bé để tiếp tục cái truyền thống tái sinh của Phật Giáo Tây Tạng, nhất là nếu đứa bé đó được đẻ ra trên đất Tầu Phù lục địa.


Cũng có trường hợp tiếng Pháp gọi là “déjà vu” trong đó một người tự nhiên có cảm giác là trong một lúc nào đó không thể giải thích được, mình đã từng “sống” trong khung cảnh đang xảy ra trong hiện tại.


Nếu xem phim Cao Bồi, kiếm thuật, võ thuật hay chiến tranh thì ta thấy cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong khoảnh khắc và đến một cách đột ngột. Chỉ cần một viên đạn, một mũi tên bắn vào chỗ hiểm hay một nhát kiếm là con người có thể chết ngay lập tức. Nhưng nếu đối diện với cái chết “có thể” sẽ xẩy ra hay đến từ từ thì con người có sự chọn lựa. Tôi được kể lại một câu chuyện về một bạn đồng môn (tuy không quen) đã nằm liệt giường 5, 6 năm, toàn thân bất toại, vợ con phải hầu hạ từ A đến Z - 24/7/365. Khi được bác sĩ báo là bệnh anh trở nặng, có thể “đi” lúc nào cũng được, bạn bè đến thăm anh lần cuối thì anh khóc nức nở nói với bạn bè là anh không muốn chết vì không nỡ xa vợ xa con. Trong khi đó lại có những người, khi biết là mình bệnh nặng, khó qua khỏi, tìm cách tự tử vì không muốn đem lại gánh nặng cho những người trong gia đình.


Sự sợ chết, ham sống được kể lại rất hay trong một phim tâm lý của Na Uy tên là “Force Majeure”. Chuyện kể lại một gia đình vợ chồng và 2 đứa con đi lên vùng núi trượt tuyết. Lúc đang ngồi ăn trưa trên khu lộ thiên của một nhà hàng thì một trận bão tuyết từ xa ập tới, rất mãnh liệt. Người chồng sợ quá, quên cả vợ con, bỏ chạy. Nhưng trận bão tuyết đến gần thì tan, chỉ còn là một đám bụi tuyết phủ dầy mờ mịt. Một lúc sau người chồng quay về, thấy vợ và 2 con vẫn ngồi tại bàn ăn như không có chuyện gì xẩy ra. Nhưng từ lúc đó thì thái độ của người vợ và 2 đứa con đối với anh thay đổi hẳn. Sự ham sống / sợ chết của anh đã làm hỏng tất cả những hình ảnh hay, đẹp anh đã tạo dựng được trong gia đình. Anh đã làm cho vợ, con anh thất vọng vì sự “hèn nhát” và ích kỷ của anh chỉ lộ ra khi xẩy chuyện.


Sự chết ám ảnh những dân tộc vùng Á Châu hơn là ở Âu Châu. Điển hình là cách chọn ngày giỗ. Người Tây Phương chọn ngày “giỗ” - kỷ niệm để nhớ lại một người đã khuất - là ngày “sinh”; người Á Đông làm “giỗ” vào ngày “tử”. Tôn giáo hình như cũng thiên về “sinh”: Phật Giáo có ngày Phật Đản, Công Giáo có ngày Chúa Giáng Sinh.


Tôi còn nhớ cách đây mấy năm có đọc trên báo về một chương trình nghiên cứu về con số của người Tầu do một giáo sư Nhân Chủng Học của trường UC San Diego thưc hiện. Ông này, cùng với một số sinh viên gốc Tầu, đi sang Tầu, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore và khu người Tầu cư ngụ nhiều ở Mỹ như Los Angeles, San Francisco và New York. Một trong những điều chương trình nghiên cứu này ghi nhận là dân Tầu rất kỵ con số 4. Lý do là vì con số 4 (tứ) - tiếng Việt là “Tư” - phát âm giống như chữ “Tử”. Mà người Tầu cho cái chết là sự sui xẻo nên cố tránh những gì liên quan đến cái chết. Hậu quả là những căn nhà đang trương bảng bán mà số nhà có số 4 thì rất khó bán cho dân Tầu.


Trong tiếng Anh, chữ “Death” hay "Die" được dùng trong nhiều tựa đề của sách vở, phim ảnh nhưng kiểm điểm lại thì – có thể là tôi nhầm và xin chỉ giáo thêm – hầu như không có tựa đề nào trong văn chương phim ảnh hay kịch nghệ Việt Nam có chữ “Chết”. Chỉ có một tựa đề duy nhất mà tôi biết là cuốn tiểu thuyết “Chiếc Hôn Tử Biệt” của nhà văn Hoàng Hải Thủy phóng tác từ cuốn “The Kiss Before Dying” của nhà văn Mỹ Ira Levin (xin ghi chú ở đây là tôi rất mê văn của Ông Hoàng Hải Thủy và “Chiếc Hôn Tử Biệt” là cuốn tiểu thuyết phóng tác của ông tôi thích nhất từ hồi nhỏ. Sau này, biết đọc sách tiếng Anh, tôi vô tình mua được cuốn “The Kiss Before Dying” của Ira Levin - có quay thành phim - thì nhận ra là ông HHT phóng tác từ cuốn sách này. Điều đặc biệt là văn phong của HHT và Ira Levin gần như giống hệt nhau trong hai bản văn Anh và Việt, từ tả tình tả cảnh lẫn đối thoại, tuy theo tôi biết, qua một vài người bạn trong giới văn chương, thì ông HHT phóng tác theo bản dịch tiếng Pháp.)


Xin kết bài này bằng cách nhắc đến hai tựa đề nổi tiếng trong văn hóa Việt Nam: “Anh Phải Sống” của nhà văn Khái Hưng và phim “Chúng Tôi Muốn Sống” với 2 tài tử Mai Trâm và Lê Quỳnh do đạo diễn Vĩnh Noãn (người nhà của bà Tâm Thường - phu nhân của BS Võ Văn Tùng) thực hiện năm 1956.


Chắc quý vị và các bạn để ý thấy là tôi cũng biết kiêng, dùng chữ “SỐ” làm tựa đề đầu bài và nhắc tới “SỐNG” thay vì “CHẾT” trong đoạn kết.


Luân Tế

Tháng 3 2015


trở về trang chính

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

Make a free website with Yola