TẦU VÀ TA
Luân Tế
Những người vào lứa tuổi tôi, ít nhiều cũng biết dăm ba chữ tiếng Tây – Je t’aime, moi non plus; một vài chuyện thần thoại Hy Lạp –Apollo, Orpheus; một vài tên các triết gia cổ đại - Plato, Socrates; một vài điển tích của Tầu – Đường Minh Hoàng, Bao Công - qua những gì thầy dậy ở trường, trong sách giáo khoa, và tự học sau này qua báo chí, sách vở, Internet. Và những chuyến đi Tây, đi Tầu sau này khi có tiền bạc rủng rỉnh cũng không ngoài mục đích được mắt thấy tai nghe những gì mình đã học, đã xem trong hình, đã đọc trong sách.
Ngày xưa, trong thời Pháp thuộc, một số các nhà cách mạng ta phải chạy sang Tầu để thoát khỏi mạng lưới mật thám của Tây và tiếp tục chiến đấu tại nước ngoài cho nền độc lập quốc gia. Hồ Chí Minh cũng vù sang Tầu năm 1925 để …lấy vợ và để học hỏi thêm về cách chống thực dân và hy vọng là vì mình nói được tiếng Tầu nên Tầu sẽ giúp. Fat Chance – Sức Mấy! Sau này dân con nhà giầu thích sang Tây, sang Mỹ học rồi…đi luôn. Đây là ba nước đã có những dính líu đến dân tộc Việt từ vài ngàn/trăm/chục năm: trước là Tầu, sau là Pháp, sau nữa là Mỹ.
Riêng về nước Tầu/Trung Quốc - bây giờ theo chế độ Cộng Sản nên gọi là Tầu Cộng/Trung Cộng - dân Việt Nam ta có một mối liên hệ rất lớn, trên các mối liên hệ với Pháp và Mỹ. Chúng ta biết Trung Quốc rất rõ qua sự tiếp cận địa lý giữa hai nước, qua mấy ngàn năm lịch sử và cách thức dân Tầu đối đãi với dân tộc Việt Nam. Và vì thế mà mấy anh Ba Tầu không được dân ta ưa cho lắm.
Sau các thời kỳ đô hộ ngắt quãng tổng cộng đến 1000 năm và những cố gắng tích cực chống xâm lăng của Bà Trưng, Bà Triệu, của Vua Quang Trung, Đức Trần Hưng Đạo và những vị tiền bối khác trong lịch sử oai hùng của Việt Nam, chúng ta đã dành lại độc lập. Và sau đó thì những sự chống đối, tẩy chay, thù hận đối với Trung Quốc trong chúng ta hầu như chỉ mang tính cách tiêu cực. Chúng ta dùng ngôn ngữ dân gian để biểu lộ sự chống đối tiêu cực này. Những chữ như: Ba Tầu Xì Thẩu, Chú Ba…có một sự hậm hực (tiêu cực) ngấm ngầm trong đó.
Tuy nhiên, ngàn năm bia đá cũng mòn. Những chuyện Trung Quốc xử tệ với dân Việt Nam cũng dần dần mờ theo năm tháng. Ngày xưa mẹ tôi thích cô đào Lý Lệ Hoa và Lâm Đại; ca sĩ Hoài Trung, ông bạn vong niên của tôi, suốt ngày trong sở nói chuyện về Lý Tiểu Long và Khương Đại Vệ; còn cả nước thì say sưa đọc Kim Dung; bạn tôi, nhà văn Lê Tất Điều, viết “phim” trên báo, lấy bút hiệu Kiều Phong. Ấy là chưa kể đến những thứ đã gần như ghi sâu vào tâm khảm người Việt không thể quên được. Mấy ai không nghe danh Tào Tháo, chẳng biết đến Khổng Minh, không đọc Tam Quốc Chí, chẳng theo Khổng Tử. Tôi có anh bạn rất ghét Tầu (anh gọi là Les Trois Bateaux) nhưng cũng phải sang Tầu một chuyến để…chụp ảnh (vì anh đã đi chụp ảnh khắp thế giới). Có người quý cái bình Khang Hy trong đám sưu tập đồ cổ của anh hơn là cái Trống Đồng Đông Sơn. Có người thích ăn Thịt Kho Tầu hơn là thịt kho với trứng vịt. Có người thích lụa Hàng Châu hơn lụa Hà Đông.
Lại có người thích Tầu vì những lý do khác. Sử gia William Duiker của trường Đại hoc Pennsylvania, tác giả cuốn HO CHI MINH, A LIFE dầy hơn 1000 trang, có kể lại một giai thoại dính líu đến Trung Quốc: Hồ Chủ Tịch viết một lá thư gửi cho ông bạn rất thân từ những ngày còn lưu vong, lúc đó là Thiếu Tướng Chánh Võ Phòng của Chu Ân Lai. Ông này nhận được thư, không dám tự ý xử lý (tiếng Bắc Kỳ 75), trình lên với Chu Ân Lai. Chu Ân Lai cười rồi bảo ông Thiếu Tướng lờ Họ Hồ đi. Một thời gian sau, ông Thiếu Tướng sang công cán ở Việt Nam gặp họ Hồ và hỏi, “Việt Nam thiếu gì gái non mà “lồng”chí Chủ Tịch phải gửi thư sang nhờ tôi kiếm cho mấy con nhỏ Trung Quốc? Hay là “lồng” chí mê “L” Tầu?” Hồ Chủ Tịch thở dài, “Mê thì lúc nào mà chẳng mê. Nhưng thật ra là tại mấy con bé bên này cứ gọi tớ bằng Bác, khó làm ăn quá!”
Ở Mỹ, rất nhiều bạn tôi thích phim kiếm hiệp hoặc phim bộ Tầu, nhiều khi xem từ lúc đi làm về chiều thứ Sáu cho tới rạng sáng thứ Hai tuần sau (riêng tôi thì chỉ thấy mấy phim này hàm hồ, vô nghĩa, vô bổ, overacting và unbelievable). Tôi chưa đi dự đám cưới của con cái bạn tổ chức tại chỗ nào với thực đơn Việt, toàn là “thồi” cơm Tầu. Người nào giỏi chữ Hán (vào tuổi tôi) được nhìn với một con mắt khâm phục.
Và một chuyến du lịch sang Tầu, theo thiển ý, vẫn là một điều ước mong của một số đông trong chúng ta. Có mấy ai ước được sang… Úc?
Cũng vì cái tinh thần vọng ngoại đó, cách đây 4 năm tôi đi sang Tầu chơi với một nhóm người Việt sống ở Mỹ do một hãng du lịch tổ chức. Lúc đó chuyện Hoàng Sa-Trường Sa chưa nổi sóng, họa (tái) Bắc xâm chưa dấy lên, hàng hóa Tầu chưa bị tẩy chay dữ dội vì mất vệ sinh và bị nghi ngờ là gây bệnh ung thư. Tôi đi Tầu chơi cũng cùng một mục đích như lúc tôi sang Âu Châu cách đây đúng một phần tư thế kỷ. Và trầm trồ khen cái hay, cái đẹp, cái hùng vĩ, cái công phu, cái nghệ thuật. Quên hẳn đi trong ký ức của tôi và của những người đi cùng chuyến với tôi lúc đó là cái ách 1000 năm đô hộ. Tôi biết có những người Do Thái thề không bao giờ đặt chân lên nước Đức, những người Armenian lên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng nhẽ tôi cũng phải thề là không bao giờ đặt chân lên nước Tầu, nhưng sự tò mò muốn kiểm chứng lại những gì mình đã học, đã đọc đã thúc đẩy tôi sang Tầu. Và đi một lần rồi thì không có lý do gì để trở lại.
Bức chân dung của Mao Chủ Tịch to bằng cái mả thằng ăn mày đang nằm trên tường thành nhìn với cặp mắt rất nhân từ xuống quảng trường Thiên An Môn, nơi cả ngàn sinh viên học sinh đă bị xe tăng cán dẹp xác. Tôi cố ý đứng quay đít lại tấm ảnh khổng lồ, hỏi người hướng dẫn viên là chỗ người thanh niên mặc chiếc sơ mi trắng cụt tay, cầm cái túi sách, đứng cản xe tăng là chỗ nào thì ông này tái mặt, kéo tôi xoay người lại để đít tôi không chổng về phía bức chân dung, rồi nói thầm với tôi rằng chỗ này là một nơi rất “nóng”, có nhiều mật vụ nghe ngóng từng lời từng câu nên không tiện trả lời. Và không bao giờ trả lời.
Tôi nhìn Mao Trạch Đông và nghĩ là ông ta nên tìm mọi cách ra khỏi bức chân dung đó, không để cho đám lãnh tụ sau này lợi dụng dùng mình làm cái bung xung chỉ vì muốn giữ lại hai chữ Cộng Sản làm bình phong với cái thế lỡ cưỡi cọp trong khi đã chôn tất cả những gì họ Mao truyền dậy về chủ thuyết của mình mà họ Mao đã lấy ý từ Marx và Engels rồi nhồi sọ dân Tầu về ý thức hệ, về tiêu diệt tiểu tư sản, vô sản hóa nhân dân, đấu tranh giai cấp, thanh trừng đẫm máu theo khuôn mẫu của Stalin và Lenin.
Dân Nga cám ơn Lê Nin vì đã tạo ra cuộc cách mạng Bôn-Xê-Vích 1917 đem dân tộc Nga ra khỏi chế độ quân chủ khắc nghiệt của Sa Hoàng dưới triều đại Nicolas II, nhưng cũng đã giật xập tượng ông này, cho vào bãi rác bán đồng nát vì tội của ông này to hơn công. Tượng này sau đó được một người Nga sống tại Mỹ mua với giá 2000 đô la, đem về New York City, dựng lên trên sân thượng của một tòa nhà tên là Red Square do người này làm chủ, ngụ ý là Lenin lúc nào cũng vẫn ngự trị trên Công Trường Đỏ. Cả cái thành phố Leningrad cũng đã được trả lại cái tên cũ là St. Petersburg. Gần đây nhất là tin Hungary vì kẹt tiền phải lấy trong kho ra 230 tấm hình vẽ chân dung Lenin ra bán lấy tiền để rửa cho sạch…vũng bùn nhơ tại một vùng bị nhiễm độc chất hóa học trong thành phố Budapest.
Bao giờ nhà nước mới giật sập tượng Lenin ở vườn hoa Hà Nội? Bao giờ thì Việt Nam lấy những bức chân dung của Lenin, của Mao Trạch Đông trong kho ra bán lấy tiền cho công trình…vét sạch bùn Hồ Hoàn Kiếm? Chắc là nếu bức chân dung vĩ đại của Mao Chủ Tịch, một ngày nào đó “bị” hạ xuống, có người mua, đem sang trưng tại một công viên nào đó được đặt tên là Thiên An Môn tại Chinatown trong thành phố San Francisco (chỗ 1/3 dân số là người Tầu), thì họ Mao thế nào cũng được tiếp tế trứng vịt Bắc Thảo hàng ngày.
Hồ Chủ Tịch nằm trong nhà kiếng có máy lạnh, nếu có linh thiêng thì cũng phải toát mồ hôi…nách nghĩ đến mấy ngàn bức tượng lớn nhỏ - toàn thân, bán thân, hay chỉ có cái đầu với chòm râu của mình, hàng ngàn tấm chân dung của mình, và ngày cái thành phố mang tên mình không còn nữa.
Đến khi tới xem các cung điện huy hoàng thì nỗi bất bình của tôi với chế độ quân chủ lên cao đến nỗi tôi mất cả hứng thú ngoạn cảnh.
Lý do là vì tôi sinh ra và lớn lên vào lúc chế độ quân chủ tại Việt Nam đang dẫy chết. Đọc sách sử thì thấy mấy ông vua sau này của đời Nguyễn hình như có tội hơn là có công với dân tộc. Cả thế giới bây giờ chỉ còn đâu có một chục Ông Vua và Bà Hoàng; và ngay cả dân Ăng Lê cũng bất bình vì Hoàng tộc cưỡi đầu, cưỡi cổ dân đen mà chẳng làm nên trò trống gì, toàn gây ra mấy cái sì-căng-đan. Tục lệ cha truyền, con nối ngoài hệ thống quân chủ thì chỉ thấy xẩy ra tại Cộng Sản Bắc Hàn (2 lần con nối), Cộng Sản Cuba (em nối) và các giáo phái đạo Tin Lành giầu sụ ở Mỹ (như trường hợp các ông Billy Graham, Robert Schuller, Oral Roberts truyền “ngôi” và “quỹ” cho các con – đứa nào cũng theo gót bố làm mục sư vì được “ơn kêu gọi” của $$$).
Cứ nhìn những cung điện tráng lệ ở Trung Quốc được xây lên cho dăm ba anh vua và vài chục (trăm?) cung tần mỹ nữ ở thì thấy nền quân chủ được cho đi tầu suốt là đáng kiếp. Một anh vua (Càn Long?) có một bà mẹ thích ra hồ buổi chiều hưởng tí gió mát nhưng lại bị bệnh chóng mặt lúc ngự trên thuyền rồng (lúc đó mấy anh Ba Tầu bẽn lẽn thú thật là chưa phát minh ra thuốc Dramamine). Anh vua này bèn truyền lệnh cho lính leo lên núi, tìm những tảng đá hoa cương đẹp nhất, lớn nhất đem về, đục đẽo, ghép lại thành một chiếc thuyền rồng bằng đá đặt ngay tại bờ sông, cạnh cái gọi là Cung Điện Mùa Hè để Mẫu Hậu ra hóng gió mà khỏi bị chóng mặt.
Một điểm đáng ghi nhận là chế độ Cộng Sản Trung Hoa đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc trùng tu những di tích lịch sử này và đánh bóng các nhân vật nổi danh trong triều đại phong kiến và cùng lúc đó hốt bạc tỉ (đô la) từ du khách khắp nơi mặc dù các lãnh tụ CS vẫn chỉ trích chế độ quân chủ là độc tài, chuyên chế, không biết thương dân. Nhà làm phim Zhang Yimou , đạo diễn chương trình khai mạc Thế Vận Hội năm 2008 ở Bắc Kinh và người làm ra những phim như “Raise the Red Lantern”, vừa hé ra một câu để lộ ra chân tướng đạo đức giả của giới lãnh đạo và của mấy anh Ba Tầu làm văn hóa, “Nếu tôi đặt bối cảnh trong phim vào dưới thời quân chủ thì tôi muốn làm thế nào cũng được, muốn nói gì thì nói. Đặt bối cảnh phim vào hiện tại khó khăn lắm.”
Chuyện Trung Cộng muốn lấn đất, chiếm đảo, thao túng thị trường kinh tế, chính trị, văn hóa Việt Nam, là chuyện quá hiển nhiên, đang và sẽ xẩy ra. Những bài học Tây Tạng, Tân Cương vẫn còn đó. Nếu muốn biện minh cho việc xâm lăng Việt Nam bằng quân sự, Trung Cộng chỉ cần một cái “cớ” nhỏ. Kampuchia và Khmer Đỏ đã là một cái “cớ” cho cuộc chiến tại biên giới Việt-Trung vào năm 1979. Mấy anh Ba Tầu la bải hải là họ “phản công” với Việt Nam là vì lý do…tự vệ (Counterattack against Vietnam in Self-Defense); trong khi đó Việt Nam cũng la toáng lên, gọi đây là cuộc chiến tranh chống sự bành trướng của Trung Quốc (War against Chinese expansionism).
Chắc quý vị còn nhớ những luận điệu trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh về biến cố 9-11. Phe chống Do Thái thì nhất định là chính quyền Do Thái giả dạng mấy anh khủng bố Hồi đâm máy bay vào World Trade Center để lấy “cớ” dồn Mỹ vào thế phải công khai ra mặt đánh nhau với Islam và dân Ả Rập. Phe chống Mỹ thì tuyên truyền là Mỹ cần một cái “cớ” để tạo được và biện minh sự có mặt của mình tại Trung Đông về vấn đề dầu hỏa. Chìm trong những luận điệu tuyên truyền đó là câu nói của một tên phụ tá của Osama bin Laden hơn một năm trước ngày 9-11-2001, “Chúng tao sẽ làm nổ tung chiến hạm Cole và sau đó Mỹ sẽ phải đem quân vào Afghanistan rồi sẽ kẹt ở đó luôn”. Và Mỹ kẹt thật.
Chính vì thế mà việc Mỹ đem trên một trăm ngàn quân sang xâm lăng và chiếm đóng Iraq và A Phú Hãn có thể đã là cơ hội ngàn vàng cho Bắc Kinh. Bởi vì nó có thể đã làm cho mấy anh Ba Tầu bàn luận trong những buổi họp kín của trung ương đảng, “A…thằng Mỹ làm được thì chúng mình cũng làm được”, và quyết định ra mấy chiêu hiểm độc để tìm cách xâm lăng và chiếm đóng Việt Nam và thế giới tự do lúc đó chỉ biết trơ mắt ra nhìn vì Bắc Kinh cũng chỉ làm những việc Mỹ đã làm.
Triết gia người Tây Ban Nha George Santanaya vào cuối thế kỷ thứ 19 đã viết trong cuốn sách “The Life of Reason”: Những kẻ nào không nhớ đến những chuyện xẩy ra trong quá khứ thì thế nào cũng bị rơi vào hoàn cảnh tái diễn lịch sử. Rick Stengel, chủ biên tờ báo Time của Mỹ, viết là ông vẫn muốn đặt lại vấn đề này. Ông nói, “quá khứ không nhất thiết phải là những điều báo trước những sự việc sẽ xẩy ra. Và chúng ta cứ tiếp tục sai lầm không phải vì chúng ta không nghĩ đến quá khứ (lịch sử), mà là vì chúng ta là người. Mà bản chất của con người là vấp phải những sai lầm. (To err is human).
Có thể những lãnh tụ Việt Nam hiện thời đã quên mất quá khứ của 1000 năm đô hộ hay là họ đang nhầm lẫn trong việc hiến đất/bán nước cho Trung Cộng bởi vì họ muốn tìm một lực lượng mạnh đứng sau lưng họ để nếu/khi có những chiều hướng của nhân dân nổi dậy đòi tự do được toàn thế giới ủng hộ, họ sẽ có Trung Cộng đứng sau lưng để giữ mãi cái chế độ đã bị đào thải gần hết khắp thế giới và tiếp tục ôm chặt lấy những cái ghế lãnh đạo để truyền ngôi cho con cháu được hưởng quyền lực và bổng lộc đời đời.
Nhưng lúc đó thì họ sẽ trở thành như một thứ Thái Thú được Mẫu quốc phái sang cai trị dân Việt Nam mà thôi.
Luân Tế
11.2010
[Bài này đã đăng trong tập san Xuân Tân Mão của nhóm
cựu học sinh BƯỞI - CHU VĂN AN]
Back to home page
http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/