SÁT
Luân Tế
Mới đây tôi có viết bài “ SỐ........”, nói về sự sống và cái chết trong cuộc đời của con người. Nhân mùa Phục Sinh, tôi nghĩ đến cái chết của Chúa Jesus trên Thập Tự Giá và sự sống lại của Người.
Ngồi trong nhà thờ ngày Chủ Nhật lễ Phục Sinh, phần vì tai hơi nghễnh ngãng, phần vì ông linh mục Gomez gốc Mễ (bụng to hơn đô vật Sumo) nói tiếng Anh ngọng, tôi lơ đãng đưa mắt nhìn lên xác Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá treo trên cao rồi để trí óc bay lãng đãng, nghĩ về tội ác của những người chịu trách nhiệm về cái chết này 2000 năm trước.
Nhớ lại trước đây, khi còn viết kịch hàng tháng cho ban kịch Tự Do của tôi trên Đài Truyền Hình Việt Nam, hầu như những vở kịch tôi viết đều có dính tới tội ác. Có lẽ một phần vì vở kịch dài (trên 3 tiếng) đầu tiên tôi được đọc và “cho” đóng vào năm 1967 trên Truyền Hình VN là vở “Tội Ác và Hình Phạt”, tác phẩm của văn hào Nga Fyodor Dostoevsky dịch sang tiếng Anh - Pháp là “Crime and Punishment – Crime et Châtiment”, Trương Đình Cử chuyển sang tiếng Việt, Hoàng Năm soạn thành kịch. Vở kịch này là một “Đại Bi Kịch” đầu tiên và có lẽ là duy nhất - do Vũ Huyến đóng vai chính, với toàn bộ thành phần kịch sĩ tên tuổi nói tiếng Bắc như Vũ đức Duy, Kiều Hạnh, Linh Sơn, Bích Thủy, Bích Sơn, Anh Tuấn, Phạm Đình Sĩ vv...và tôi (lính mới tò te) - trên truyền hình, được trình diễn lúc đài truyền hình VN hãy còn trong trứng nước, thâu hình ở một phòng thâu nhỏ xíu không có máy lạnh ở Nha Điện Ảnh trên đường Thi Sách và được phát hình trên TV đen trắng bằng chiếc phi cơ Continental bay vòng vòng mỗi tối 2 tiếng trên không phận Sài Gòn.
Một lý do nữa là vì tôi muốn tránh viết những vở kịch loại xã hội - yêu và ghen, tình và tiền, vợ và người tình, lừa thầy phản bạn ...vv... - phần nhiều đang được các ban khác trình diễn. Thêm vào đó là vì tôi mê đọc chuyện trinh thám, cảnh sát, hình sự của Mỹ trong những sách cũ của lính Mỹ thải ra, hay sách mới tinh nhưng bìa trước bị xé mất (sau này sang Mỹ mới biết đó là những sách nhà xuất bản phế thải hay cho không và không được phép bán ra ngoài), bầy đầy trên vỉa hè đường Lê Lợi đối diện với nhà sách Khai Trí bên kia đường (chung quanh cái cầu tiêu công cộng và cũng không xa hàng nước mía Viễn Đông, cái xe đẩy bán phá lấu, tim gan phèo phổi của cái ông mặc áo cánh đen ở góc Pasteur là bao nhiêu.)
Sau này, trong số tiểu thuyết tôi viết bằng tiếng Anh, có hai cuốn truyện cảnh sát, hình sự, hiện đang có bán trên Amazon:
-GREEN BAMBOO JUSTICE
-WHO KILLED PINK SWALLOW?
Có nhiều bạn nói trong số các nhà văn sống ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954, không ai viết tiểu thuyết loại này và vì thế tôi là người Việt Nam đầu tiên viết thể loại văn này trong nửa sau của Thế Kỷ 20 (tuy bằng tiếng Anh) và khuyến khích tôi viết lại bằng tiếng Việt (một việc tôi muốn làm nhưng chưa thực hiện được.) Nguyên tựa đề của hai cuốn này cũng đủ để độc giả biết là chuyện viết về tội ác.
Tội ác lớn nhất con người phạm phải là tội giết người - sát nhân.
Tiếng Việt dùng chữ “Giết”. Chữ “Sát” trong Tự Điển Khai Trí Tiến Đức không nói xuất xứ nhưng có chua chữ Tầu hay Nôm. Nhưng cũng có thể vì một lý do nào đó tiếng Tây hay Ăng Lê đã du nhập vào nước ta từ hồi nào nên chữ “Sát” này chưa biết chừng lại bắt nguồn từ chữ “Assassin”, giống như trường hợp câu “oẳn tù tì - one-two-three” chúng ta vẫn thốt ra một cách rất hồn nhiên như dân Ăng Lê hồi còn bé và có lẽ đã có mặt trong ngôn ngữ dân gian hàng trăm năm trước. Hay nói xa hơn, có lẽ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phá Lăng Sa đi lùng thuộc địa sai mấy ông linh mục tới truyền giáo ở Việt Nam dùng chữ La Tinh thời Trung Cổ “Assassinus”. Điều hy hữu là nguồn gốc chữ này lấy từ gốc Ả Rập có nghĩa là “Mấy thằng “ăn” / hút Cần Sa”. Chắc là Cần Sa Ả Rập nặng hơn Cần Sa trồng ở Vancouver Canada nhiều nên chúng ta mới thấy hiện tượng dân khủng bố Ả Rập hít dăm ba điếu rồi thay vì lên mây về gió cho đã, lại lên cơn điên, đeo bom vừa để giết người tập thể theo lệnh của lãnh tụ khủng bố dựa theo giáo điều của Kinh Koran, vừa giết chính mình để được lên thiên đàng hút Cần Sa trồng trên thượng giới, loại thượng hảo hạng, lại còn được hưởng cái thú thứ ba với 76 tiên nữ trên cung đình mặc áo dài Burka chùm từ đầu tới chân chỉ chừa hai con mắt (rất mê hồn nếu nàng nguyên gốc là dân Ba Tư.)
Mới đây lại có anh chàng hoa tiêu phụ của hãng máy bay Đức Germanwings, không biết buồn phiền gì về cuộc đời, muốn tự sát, nhân thể “giết” luôn 149 hành khách khi chiếc máy bay Airbus anh ta lái đâm vào rặng núi Alps trên đất Pháp.
Gần đây tiểu bang California, chỗ tôi cư ngụ, làm một dự luật cho phép những người có bệnh nan y gần sa xuống miệng lỗ nhưng vẫn được y khoa bắt phải sống, không muốn làm phiền đến ai và không chữa trị nữa, được quyền yêu cầu bác sĩ chứng nhận để tự mình bơm thuốc vào người, tự sát. Dự luât này đang được bàn cãi trên Thượng Viện Cali. Hình như 4 tiểu bang trên đất Mỹ đã ban hành đạo luật này rồi, nhưng nếu California thông qua dự luật và Thống Đốc ký ban hành thì sẽ tạo ra một ấn tượng và ảnh hưởng rất lớn với các cơ quan lập pháp của các tiểu bang khác.
Trở lại với chữ “Sát”. Trong tiếng Việt thì có câu nói nôm na, “giết người thì đền mạng”; “có ăn, có trả”, tiếng Anh có câu châm ngôn, “an eye for an eye, a tooth for a tooth.”. Luật Mỹ vẫn còn cái gọi là “Capital Punishment - Án Tử Hình,” mà rất nhiều nước trên thế giới không còn áp dụng với lý do là không thể giết người bằng bất cứ cách nào và vì bất cứ lý do gì. Hiện nay có 4 hình thức xử tử: Xử bắn - ghế điện – chích thuốc độc - treo cổ. (Một tiểu bang ở Mỹ đang dự định dùng lại hơi ngạt. Ở một vài nước khác hãy còn tục lệ chặt đầu. Việt Nam thời quân chủ còn có một cách xử tử rất dã man là voi dầy, ngựa xé dành cho những người nổi dậy chống hoàng tộc.)
Vì sợ chết nếu bị khám phá nên chuyện giết người chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số các tội ác trong xã hội. Có những biệt lệ như giết người khi chiến đấu bằng súng đạn, khi phải chạm trán với những trường hợp có thể nguy hiểm đến tính mạng như nhân viên cảnh sát rút súng bắn khi cảm thấy là người kia có thể giết mình trước. Chuyện cảnh sát bắn chết người ở Mỹ xẩy ra như cơm bữa, chẳng khác gì chuyện nhân dân tự vệ ở Việt Nam thời xa xưa. Nhưng hầu như không bao giờ những người cảnh sát này bị khép tội giết người vì luật pháp bảo vệ nhân viên công lực (vì đứng cùng một phe) và những người bị cảnh sát bắn chết thường là những người có thành tích bất hảo, hoặc bị bệnh tâm thần, phần nhiều là da den hay da mầu, nghiện rượu, nghiện xì ke, ma túy, vô gia cư, vô nghề nghiệp. Đó là những người phạm tội sát nhân trên bình diện xã hội nhưng không phạm tội trước công lý vì việc giết người của họ có thể biện minh được.
Ngoài việc cảnh sát bắn chết thường dân, nói về mặt pháp lý thì, muốn khép cho một người nào đó cái tội sát nhân - giết người - thì phải có chứng cớ. Mà chứng cớ của tội giết người là xác chết. Không tìm thấy xác thì có nghi đến đâu cũng không thể kết tội một người nào đó đã phạm tội sát nhân được. Cho nên chúng ta thấy việc đầu tiên sau một vụ giết người là hung thủ tìm cách thủ tiêu tang chứng như đem quăng ra biển, chôn xuống đất, cho vào thùng đựng át xít, chặt thành nhiều khúc rồi bỏ vào bãi rác công cộng hay cho vào tủ lạnh ăn (thịt người) dần.
Về mặt tâm lý thì một người đã phạm tội sát nhân rồi thành công trong việc thủ tiêu tang chứng và né được cán cân công lý cũng có những cái ray rứt riêng của họ. Những người này đã làm được cái gọi là “A Perfect Murder” - một vụ án mạng không tìm ra thủ phạm. Chẳng hạn như anh A có rất nhiều kẻ thù. Một ngày nào đó, anh chàng B vì hận thù, giết anh chàng A rồi thủ tiêu cái xác. Nhà chức trách không tìm ra thủ phạm vì không có xác. Anh chàng B lúc nào cũng ấm ức vì không được “khoe” ra cái chuyện giết người “toàn hảo” của mình để lấy “le” với những kẻ thù của anh A. Và nếu không khoe được thì cái công giết được anh A của anh chàng B không bao giờ được công nhận.
Có một chuyện vui có thể phản ảnh được tâm sự của anh chàng B sau khi giết người mà không nói ra được. Một ông già gần 90 tuổi vào tòa giải tội trong nhà thờ:
-Thưa cha, xin cha làm phép cho con vì con là kẻ có tội.
-Thiên Chúa sẽ tha tội cho con
nếu con thật lòng hối lỗi. Con phạm tôi gì?
-Thưa cha con nói dối với vợ con là con xa đi thăm người bạn già, nhưng thật sự là con đi chơi với hai đứa con gái
chưa bằng tuổi cháu ngoại của con, suốt đêm.
-Hm...Hai đứa? Suốt đêm?
-Thưa cha vâng. Hai đứa! Suốt đêm!
-(Tiếng
thở dài) Thế à...Thôi, ra ngoài kia đọc một trăm Kinh
Kính Mừng xin Đức Mẹ Maria
xin Chúa tha tội cho con.
-Thưa cha con không đọc Kinh Kính Mừng được.
-Tại sao?
-Tại vì con là người Do Thái.
-Do Thái mà vào đây xưng tội làm gì?
-Thưa cha, tại hết chỗ cho con khoe rồi....
Tôi cũng nghĩ là mình có cơ hội “khoe” sự hiểu biết của mình nhưng không ngờ bị phản đối kịch liệt khi nói chuyện với đại gia đình trong buổi tiệc Lễ Phục Sinh ở nhà cô em gái.
Trong lúc đầu óc lãng đãng khi ngồi trong nhà thờ nghe ông cha Mễ giảng, nhìn xác Chúa Jesus bị quân La Mã treo trên thánh giá rồi lấy thương đâm vào sườn cho đến chết. Theo Thánh Kinh thì, ba ngày sau, hai người đàn bà đem khăn liệm tẩm hương đến lật phiến đá lấp mồ của Chúa Jesus ra để tẩm liệm thì không thấy xác Chúa Jesus đâu.
Phi
La Tô muốn “rửa tay”, đổ tội cho người khác, nên
ra lệnh cho truy tố mấy người lính La Mã ra tòa vì tội
đã đâm Chúa Jesus chết. Mấy người lính này ra tòa khai
rằng họ không hề đâm Chúa Jesus chết và đòi tòa đưa
ra bằng chứng (lúc ấy chưa có IPhone). Quan tòa ra mồ
chôn xác Chúa Jesus thì xác Chúa Jesus đã “không cánh mà
bay.” Nữ Thần Công Lý tuy bị bịt mắt nhưng vẫn sáng
suốt, nhìn thấy mọi điều. Mấy anh lính La Mã trắng
án.
Thưa quý vị và các bạn,
Phần trên nói về cái chết của Chúa Jesus thì tôi kể đúng như trong Thánh Kinh. Còn đoạn sau về vụ Phi La Tô xử tội mấy anh lính La Mã về tội giết Chúa Jesus là “phịa”.
Vì cái chuyện phịa có tính cách phạm thượng này mà tôi bị “dũa” quá chừng.
God, Have merci!!! Amen!!!
Luân Tế
Mùa Phục Sinh