LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


SỰ BẤT ỔN TRONG CÁCH XƯNG HÔ

CỦA TIẾNG VIỆT

Luân Tế


Trong cuốn tiểu thuyết WHITE LOTUS của tôi có một đoạn

kể lại cuộc gặp gỡ giữa một cô làng chơi, sang Mỹ, lấy chồng

Mỹ rồi theo chồng sang Việt Nam với tư cách phu nhân Đại

sứ Mỹ tại Hà Nội và một người tình cũ đưa cô đi di tản vào

1975:

“As he undressed her in his mind, Mai looked more desirable

than the young and helpless refugee who had lain in his bed

twenty-two years ago. Her lipstick was a ripe strawberry red,

which happened to be David’s favorite fruit; and there were

no strawberries in Hanoi; it was just too hot. David yearned

to kiss her strawberry lips.

She looked like she could use a real good lay, David was

confident as he recalled the insatiable younger Mai - maybe

the ambassador wasn't so good in that department. David

was an expert in spotting sexually deprived women; that was

why he had been successful in finding them and sleeping with

them. He could smell them in a room full of people or a mile

away, and he smelled it now.

David’s eyes were locked into hers as he continued his quest

for the flesh of his former fiancée. “I want to make love to

you again, Mai,” he said softly in Vietnamese. “I’ll give you

what you always wanted.”

The reason for David to speak Vietnamese now was that the

pronouns he used, Anh – I, and Em – You, suggested a far

more intimate relationship between a man and a woman than

the English language could ever hope to achieve. The words

also established the superiority of the man and the

subservience of the woman, thus implying that he was looking

at Mai not as his boss’s wife but his once humble and

satisfied lover.


Đoạn văn trên nói lên sự giầu có của một ngôn ngữ (Việt) và

sự hạn chế của một ngôn ngữ khác (Anh). Cách xử dụng

những đại danh từ trong tiếng Việt đưa đến cho người thích

suy luận về ngôn ngữ những vấn đề nan giải.

Cũng hai chữ “Anh” và “Em” này, người dùng có thể áp dụng

vào nhiều trường hợp khác nhau. Mới gặp một cô mà xưng

“Anh” với “Em” thì có khi ăn bạt tai. Khi bà xã bạn gọi bạn là

“Anh” và thay vì dùng chữ “Em” mà lại xưng “Tôi” thì trăm

phần trăm là có chuyện lớn. Các cô bán cà phê ở Việt Nam

bây giờ mà không gọi khách ở bất cứ lứa tuổi nào bằng

“Anh” thì khỏi có “bo”. Sau này, tại Việt Nam hay có lối dùng

hai chữ “Anh và Em” này một cách thớ lợ với vẻ nịnh nọt khi

nói chuyện với một người lạ. Nói chuyện với một người quen

lớn tuổi hơn ít thì gọi họ bằng Anh, nhiều thì gọi bằng Chú,

già hơn bố mình thì gọi bằng Bác. Không quen thì gọi bằng

Ông, người già thì gọi bằng Cụ. Gọi sai thì mang tiếng là vô

giáo dục hay hỗn. Ngược lại, người được gọi bằng Anh, Chú,

Bác có thể dùng lại chữ này vào ngôi thứ nhất để chỉ mình.

Người Việt còn có thói quen hay coi trọng chức tước: Vợ các

ông bác sĩ, luật sư, kỹ sư, dược sư, giáo sư, giám đốc, bộ

trưởng, sĩ quan cao cấp đều được gọi bằng chức tước của

chồng; còn các ông chồng của các bà với các chức tước trên

thì không. Không thấy ai gọi Bà Văn sĩ hay Bà Thượng sĩ.

Đây là những thí dụ điển hình cho sự bất ổn trong cách xưng

hô trong tiếng Việt.


Trong đạo Công Giáo, nhập cảng từ phương Tây, có chữ

CHA, theo tiếng Pháp là Père, tiếng Anh thì dùng chữ Father,

tiếng Ý hay Tây Ban Nha là Padre. Ngoài tiếng CHA ra còn

có môt chữ nữa là Linh Mục dùng để chỉ những người đã đi

tu và tốt nghiệp chủng viện. Khi giáo dân nói chuyện với linh

mục, chữ CHA thường được dùng như một đại danh từ ngôi

thứ hai. Và khi dùng chữ này, mặc nhiên giáo dân đưa mình

vào cái thế CON – ngôi thứ nhất, theo sự cân bằng trong tiếng

Việt. Điều bất ổn trong việc sử dụng những chữ này là khi vị

linh mục dùng chữ CHA để chỉ mình như ngôi thứ nhất.

Chẳng hạn như trong hai câu đối thoại sau:

-Thưa cha, con đã dọn cơm xong. Mời cha vào dùng bữa.

-Cám ơn con. Để cha đọc nốt trang thánh kinh này đã.

Những chữ này dùng trong câu nói giữa hai cha con trong gia

đình (tuy có vẻ hơi “sáo” một chút) thì rất chỉnh. Nhưng nếu

giữa một vị linh mục và một giáo dân thì có vấn đề. Thử dịch

hai câu này sang tiếng Anh:

-Father, I have set the table. Please come and have your

dinner.

-Thank you my son (daughter). Let me finish this page in

the Bible.

Cái khác nhau của hai tiếng Việt và Anh ở đây là hai chữ I

trong câu thứ nhất và ME trong câu thứ hai. Nếu đưa hai câu

tiếng Việt cho một người dịch vụng về thì có lẽ người đó sẽ

dịch như thế này:

-Father, son (daughter) has set the table. Father is

invited to come and have dinner.

--Thank you my son (daughter). Let Father finish this

page in the Bible.

Chỉ có người Việt Nam mới hiểu ý câu đối thoại này giữa linh

mục và giáo dân khi đọc câu dịch sang tiếng Anh. Người Anh

và Mỹ đọc đến đây thì chịu. Bởi vì các ngôi thứ nhất, hai và

ba số ít được dùng một cách hỗn loạn, vô trật tự. Gần đây có

một cuốn sách tựa đề “The Boat” do một thanh niên Việt Nam

rất trẻ tên là Nam Lê (không có họ hàng gì với tôi) ở bên Úc

viết đã gây nhiều tiếng vang trong làng văn thế giới, đoạt

được nhiều giải thưởng văn chương, làm dân tộc và những

người viết lách Việt Nam hãnh diện. Cậu Nam, có lẽ nói bập

bẹ được ít câu tiếng Việt, cũng vấp phải lỗi lầm này khi dùng

chữ “CHILD” thay cho ngôi thứ nhất (I và ME) chẳng hạn

như khi cậu viết:

“Let child do this for mother.”

“Will mother give child some money?”

“Child love you.”

Tôi nghĩ cậu Nam khi viết những câu này nghĩ đến những lời

thỏ thẻ với mẹ bằng tiếng Việt lúc còn bé :

“Để con làm cái này cho mẹ nhé.”

“Mẹ cho con mấy đồng được không?”

”Con thương mẹ lắm.”

và dịch nguyên con sang tiếng Anh. Nếu người viết những

câu này là người Anh hay Mỹ chính hiệu thì câu này sai văn

phạm hoàn toàn. Chỉ vì tính chất “ngoại lai” – exotic – của

câu chuyện khiến người ngoại quốc hiểu được, chấp nhận

được và còn khen ngợi tình cảm toát ra từ cách dùng chữ

“CHILD” trong câu này. Nếu cậu Nam viết thêm chữ “Your”

trước chữ “Child” thì chỉnh hơn nhưng lại không diễn tả được

cái ý “Con – I / Me” bằng ngôi thứ nhất trong tiếng Việt.

Trở lại với hai chữ “Cha” và Con” trong câu thí dụ trên, vấn

đề quan trọng không phải là một giáo dân phục dịch trong nhà

thờ, dọn cơm xong, mời linh mục vào dùng cơm và dủng chữ

Cha, xưng là Con, mà là vị linh mục dùng chữ “Cha” vào vai

trò ngôi thứ nhất thay vì chữ “Tôi” thông dụng và “Con” vào

ngôi thứ hai thay vì chữ “Anh/Chị”.

-Cám ơn anh/chị. Để tôi đọc nốt trang thánh kinh này đã.

Vị linh mục không phải là Bố của người giáo dân nên không

nên xưng là “Cha” và gọi người kia là “Con”. Ngay cả trong

kinh thánh cũng chỉ nhắc đến một người “Cha”, đó là Thượng

Đế, là Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa. Tôi không phải là

người đọc và nghiên cứu về kinh thánh nên không biết

nguyên thủy của chữ này bắt nguồn từ đâu. Chữ “Cha” trong

đạo Công Giáo Việt Nam phản ảnh truyền thống Tây Phương

đem vào nước ta do các nhà truyền giáo, nhưng có một điều

rất rõ là các linh mục phương Tây không bao giờ xưng mình

là Père - Father – Padre mà dùng các đại danh từ thông dụng

là “Je” và “I”. Đức Giáo Hoàng thì sử dụng chữ “WE”, đại

diện cho Hội Thánh Công Giáo trong những bài giảng và viết.

Tôi chưa được yết kiến Đức Giáo Hoàng nên không biết là

ngài có dùng “Pope” khi nói về mình trong những khi tiếp

xúc với giáo dân hay những người lãnh đạo thế giới đến yết

kiến. Trong tiếng Anh cũng có chữ Imperial “WE” dùng bởi

các vua chúa (thay mặt cho dân và nước) và thỉnh thoảng

cũng có trường hợp vua dùng chữ “The King” như ngôi thứ

nhất để nói về mình trong những lời phán truyền xuống với

thần dân.


Vào khoảng năm 1970, không nhớ tại sao tôi được mời dự lễ

Trung thu trong Dinh Độc Lập. Đây là lần thứ 2 tôi vào dinh

và rất bất bình vì được khuyến cáo trước là chỉ có xe hơi mới

được phép vào trong hay đậu ở ngoài đường trước dinh, còn

xe hai bánh thì bị cấm tiệt (một là vì sợ khủng bố cài bom vào

xe scooter hoặc muốn giữ thể diện quốc gia). Tôi chỉ có một

cái Lambretta nên phải để xe ở nhà, đi taxi tới, vừa đi vừa về

mất hơn trăm bạc. Hôm đó có rất đông thiếu nhi đại diện các

trường ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận ngồi xếp hàng trong

khuôn viên, tay cầm lồng đèn. Khi Tổng Thống Nguyễn Văn

Thiệu bước lên sân khấu, nói chuyện với các em nhi đồng thì

tôi thấy ông Thiệu có vẻ hơi lúng túng và nói rất ngắn tuy ông

có tiếng là hay nói rông dài trước máy vi âm. Lý do là vì khi

nói chuyện với các em, không biết ông hay bà cố vấn nào đưa

ý kiến mà TT Thiệu dùng hai chữ “Tổng Thống” vào ngôi thứ

nhất để nói về mình thay vì chữ “Tôi” hay chữ “Chú” hay

“Bác”. Chẳng hạn như khi ông nói: “Tổng Thống muốn nhắn

nhủ với các em là phải cố gắng học hành sau này còn giúp

nước.” Tôi nghĩ mãi và đi đến kết luận là Ông Thiệu không

muốn dùng chữ “Tôi” vì không xứng với địa vị nguyên thủ

quốc gia và tuổi tác của ông với các em. “Chú” thì hơi yếu vì

ám chỉ vị thế là “đàn em” của bố. Còn “Bác” thì vô hình

chung lấy “Bác Thiệu” ra cạnh tranh với “Bác Hồ” mới chết

năm trước đó. Vì thế mà ông Thiệu có vẻ không tự nhiên khi

xưng mình là “Tổng Thống”.

Còn có một lần tôi đến gặp một bà Bác sĩ ở Bolsa. Bà này có

vẻ trẻ hơn tôi nhưng khi nói chuyện với tôi thì xưng là “bác

sĩ” khi nói “Ông sang ngồi ghế bên này để bác sĩ nghe tim

nhé.” Y tá nói câu đó với bệnh nhân thì được. Bác sĩ thì không. Không biết

là có ông bà bác sĩ nào khác ở nước Mỹ này hay ở Việt Nam

gọi mình là “Bác sĩ” khi tiếp xúc với bệnh nhân không.


Trong tiếng Việt có chữ “Thầy”. Chữ này được dùng rất rộng

rãi, để chỉ những người đi dậy học, thay cho hai chữ “Giáo

Sư” hay “Giáo Viên”, kể cả dậy nghề, dậy võ, hay dậy nhẩy

đầm. Chữ “Thầy” còn dùng thay cho cha, ba, hay bố; dùng để

gọi các thầy tu trong đạo Phật; các tu sinh Thiên Chúa Giáo

(Thầy Năm, Thầy Sáu); các vị phụ tế cho linh mục trong lúc

cử hành thánh lễ; các người có khả năng giải thích, liên lạc

với những cái vô hình, tới lý số, tới thế giới bên kia (Thầy

Bói, Thầy Pháp). Khi nói chuyện với một trong những người

nói trên, chúng ta thường gọi họ bằng “Thầy”. Nói chuyện

với Thầy giáo dậy chữ thì xưng “Em”, với Giáo sư Khiêu Vũ

thì xưng “Tôi”. Nếu các “Thầy” này dính dáng đến tôn giáo

(cả Phật Giáo lẫn Công Giáo) thì thường là xưng “Con” để tỏ

lòng kính trọng.


Nếu bên Công Giáo có danh từ Linh Mục, Giám Mục, Hồng

Y, Giáo Hoàng thì bên Phật Giáo có Đại Đức, Thượng Tọa,

Hòa Thượng, Lạt Ma vv…Nhưng thường thì các vị tu hành

bên Phật Giáo được thiện nam tín nữ gọi bằng “Thầy” trong

những câu chuyện hằng ngày. Vấn đề ở đây, nếu không sợ lập

đi lập lại như một cái dĩa hát bị hỏng, là chuyện các vị tu hành

này dùng chữ “Thầy” để xưng mình với tín hữu, cũng như các

linh mục xưng mình là “Cha”. (Thanh Hà, em gái của tôi, rất

ngoan đạo và vẫn đi dự các buổi tĩnh tâm cũng như sinh hoạt

công giáo, có nói với tôi về một hiện tượng rất mới khi các

linh mục tiếp xúc với giáo dân. Hà nói là gần đây, các linh

mục trẻ thường hay xưng là “Con” trong các buổi sinh hoạt

cộng đồng; gọi “Chị” và xưng “Em” khi nói chuyện với phụ

nữ lớn tuổi hơn mình. Gần đây nhất, Hà đưa một linh mục rất

trẻ đến để làm phép lành cho căn nhà tôi mới dọn lên ở Quận

Cam. Vị linh mục này gọi tôi bằng “bác”, xưng ”cháu” và gọi

bố tôi bằng “Cụ” xưng “Con. Tôi cũng hơi lúng túng nhưng

sau cùng chọn chữ “Chúng Tôi” và gọi ông là “Cha” hay

“Linh Mục).

Tôi cũng đến dự một buổi thuyết pháp của Hòa Thượng Thích

Nhất Hạnh trên thiền viện Lộc Uyển gần San Diego. Tuy rất

kính trọng về danh tiếng của ông nhưng tôi vẫn thấy “làm

sao” ấy khi ông dùng chữ “Thầy” để nói về mình. Sau đó, tôi

có tham dự một buổi thuyết pháp bằng tiếng Anh tại Civic

Center San Diego dành cho người Mỹ. Nếu tôi không nhầm

thì Hòa Thượng Nhất Hạnh dùng chữ I và Me để nói về mình

thay vì dùng chữ “The Most Reverent” hay “Superior Monk”

để gọi mình. Gần đây nhất, một người bạn gửi cho tôi cái

“link” có chứa sáu (6) đoạn YouTube trong đó luật sư thẩm

cung Hòa Thượng Thích Chánh Lạc (Phó Viện Trưởng Viện

Hóa Đạo, Đặc Trách Nội Vụ, Giáo Hội Việt Nam Thống

Nhất) về những việc dính líu đến Chùa Phổ Quang ở

Colorado. Anh thông dịch viên lúng túng, lúc gọi Hòa

Thượng bằng Ông, lúc gọi bằng Thượng Tọa, lúc thì Hòa

Thượng. Nhưng Hòa Thượng Thích Chánh Lạc thì luôn luôn

dùng chữ “Thầy”, thay bẳng “Tôi”, để nói về mình khi trả lời

các câu thẩm vấn. Và khi người thông dịch viên dịch sang

tiếng Anh thì dùng chữ I và Me. Tôi có nói chuyện này với

một anh bạn là một phật tử thuần thành. Anh nói với tôi là anh

không thấy gì là bất ổn khi các vị Thượng Tọa, Đại Đức xưng

“Thầy” với thiện nam tín nữ. Tôi nói với anh đây là một cuộc

thẩm cung do luật pháp ấn định, không phải là cuộc tiếp xúc

với thiện nam tín nữ nên có lẽ Hòa Thượng nên dùng chữ

“Tôi” khi trả lời. Tôi nhắc đến hai chữ “Bần Tăng” để nói lên

một hình thức khiêm nhường trong cách xưng hô thì anh bạn

tôi bảo là chữ đó chỉ dùng trong Cải Lương và chuyện Tầu

chứ không dùng ngoài đời. Có lẽ nếu một vị sư dùng chữ

“This Poor Monk” để nói về mình thì cũng có thể chấp nhận

được. Chẳng hạn như: If you ask this poor monk (me) to

remember things that happened ten years ago...” tuy hơi dài

dòng nhưng cũng thấy hơi chỉnh và còn nói lên được sự

khiêm tốn của một người có địa vị, chức sắc.

Tôi đồng ý là có thể chấp nhận được khi một nhà sư xưng

“Thầy” với các chú tiểu trong chùa và linh mục xưng “Cha”

với các chú (bây giờ có cả con gái) giúp lễ hay trẻ em đi học

bổn. Một trường hợp khác là khi một ông thầy giáo đứng

trước một đám học trò nhỏ (Cô giáo cũng thế).

Dạo sau này, khi có phong trào tổ chức hội ngộ của các

trường, sự hiện diện của các thầy, cô của những năm còn mài

đũng quần trên ghế lớp học là một trong những niềm vui lớn

của những người còn hoài niệm mái trường xưa. Tôi cũng có

tham dự một vài lần và nhận thấy hầu như không có vị nam

giáo sư nào dùng chữ ‘Thầy’ khi nói về mình, phần nhiều

dùng chữ “Tôi” - trong email thì thỉnh thoảng có thấy chuyện

này; và có lẽ vì những vị này thấy đám học trò của mình

người nào cũng có hai thứ tóc trên đầu nên gọi họ là “Anh”

thay vì “Em” như ngày xưa. Nhưng trong một vài lần theo vợ

dự hội ngộ của các trường nữ, tôi thấy các bà (cô) giáo ngày

xưa hình như vẫn giữ thói quen xưng “Cô” và gọi học trò

bằng “Em”. Có thể vì tình cảm giữa phái nữ với nhau đậm đà

hơn, quấn quýt hơn, thân mật hơn, lâu bền hơn nên các bà

giáo và các học trò vẫn giữ lối xưng hô của bốn, năm mươi

năm về trước.


Để kết thúc bài này, mời các bạn xem lại một cách xưng hô

rất dễ thương và thú vị của người miền Nam:


“Em qua đây Qua nói em nghe. Bữa qua, em mời Qua sang

chơi.

Qua nói Qua qua, rồi Qua bị kẹt nên Qua hổng qua.

Em bỏ qua cho Qua ngen!


Qua đi Qua lại thế mà hay.

Cha với Con hay Thầy với Con làm gì cho nó nhức đầu.

Luân Tế

1.2012


 Back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

 

Make a free website with Yola