HỘI NGỘ
Luân Tế
(Tặng tất cả những bạn CVA của tôi đã từng vác ngà voi tổ chức những ngày vui cho bằng hữu)
Tôi mới đi dự một buổi hội ngộ ở San José do một nhóm bạn cùng lớp và kém tôi một hoặc hai lớp tại trường Trung Học Chu Văn An tổ chức. Lớp tôi ra trường năm 1964. Thấm thoắt đã 47 năm.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam ta không có cái thông lệ gọi là hội ngộ này. Có lẽ một phần vì chiến tranh, một phần vì phương tiện liên lạc khó khăn, một phần vì cái chuyện hội ngộ không có trong thời khóa biểu xã hội (social calendar) của đại đa số dân Việt. Nếu dùng chữ Reunion của tiếng Anh hay Pháp, thì cũng chỉ áp dụng cho những ngày giỗ chạp, lúc hội đồng gia tộc gặp lại nhau trong ngày tưởng niệm một người nào đó đã qua đời.
Khoảng 15-20 năm trở lại đây thì chuyện hội ngộ xẩy ra như cơm bữa. Cũng giống như trường hợp các công ty bán lẻ (retail business) là động cơ thúc đẩy các ngày lễ chính ở Mỹ, tôi nghi các nhà hàng ăn lớn Việt và Tầu là những thế lực đứng đằng sau vấn đề tổ chức hội ngộ. Dân Việt tị nạn sau gần 20 năm viễn xứ, lúc đó đã tương đối đủ ăn, đủ mặc rồi nên bắt đầu tính đến những chuyện làm giầu cho cuộc sống tinh thần của mình. Một cách trong việc làm giầu cho đời sống tinh thần của mình là tìm đến nhau. Tìm đến những người cùng quê; cùng học một lớp (tiểu học, trung học, đại học); cùng khóa quân trường; cùng đơn vị chiến đấu; cùng binh chủng; cùng họ; cùng nghề; cùng ở tù cộng sản. Nếu có người nào đủ phương tiện đi điều tra về chuyện này thì tôi tin chắc là ở Nam Cali này không thôi cũng có đến cả trăm hội đoàn tổ chức hội ngộ thường niên. Riêng hai vợ chồng tôi cũng đã từng tham dự Hội Ngộ CVA, Trường Luật, Gia Long, Trưng Vương, Petrus Ký, Nhà Số 7, hội Ái Hữu Gò Công. Lại còn hội ngộ của nhóm di du lịch chung với nhau.
Mà hội ngộ thì phải tổ chức có quy củ. Không phải tổ chức hội ngộ ở tiệm phở hay tiệm mì nào cũng được mà phải là một nơi khang trang, rộng rãi, và nhất là phải có sân khấu và ban nhạc để lấy chỗ cho các thành viên nói và hát cho nhau nghe (bạn thử vấn tâm xem, trước đây ở Việt Nam, nếu không phải là ca sĩ, đã có lần nào bạn có cơ hội được lên sân khấu, cầm micro hát cho năm bẩy chục, một trăm hay vài ba trăm người nghe chưa?)
Lại còn những “lệ” mới khác như Tiền Hội Ngộ, thường được tổ chức ở nhà riêng của một thành viên hay một hội quán nào đó. Rồi Hậu Hội Ngộ trước khi chia tay, ai về nhà / tiểu bang nấy. Tôi có người bạn nói rằng anh “plan” những ngày vacation hàng năm của anh quanh những buổi hội ngộ (anh đi khoảng 4-5 cái) tại khắp nơi trên nước Mỹ - một công đôi ba việc. Nếu tính cả tiền vé máy bay, khách sạn, xe thuê, xăng nhớt, quà cáp cho bà con lúc đến thăm hay ở nhờ, thì số hàng trăm cái hội ngộ này đã đóng góp một cách đáng kể vào nền kinh tế địa phương và theo đúng chính sách “sờ ti mu lút” của chính phủ liên bang. Phe Cộng Hòa thì cứ khăng khăng nói là cứ giảm thuế cho dân nhà giầu và các công ty lớn đi, rồi thế nào các công ty và các vị này cũng phải chi tiền ra vì quá giầu có. Số tiền các vị này chi sẽ “trickle down” - rỏ xuống - cho đám dân nghèo. Thế là toàn thể xã hội được nhờ. Và vì thế nền kinh tế sẽ bốc lên. Nước Mỹ đã cưu mang dân Việt mấy chục năm nay rồi. Bây giờ làm ăn khấm khá, dân ta sẽ chi bạo, đi hội ngộ liên miên, có dịp tiêu bớt cái tài sản đã tích lũy bấy lâu, trước mua vui cho chính chúng ta và các bạn cùng trường, những người cùng họ, những kẻ cùng quê, các bạn cùng nghề; sau là làm nghĩa, giúp phần nào cho nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, đã từ lâu tôi vẫn thắc mắc về hai chữ “Hội Ngộ”.
Lý do là vì cách đây gần 30 năm, tôi có tham dự vào việc tổ chức một buổi “hội ngộ” với sự góp mặt của gần 2000 người tị nạn trên khắp nước Mỹ vào dịp Tết Nguyên Đán tại Knotts Berry Farm ở Orange County. Tôi không nhớ là chúng tôi có bàn cãi dữ dội lắm về cái danh hiệu của vụ này hay không nhưng chỉ biết là chúng tôi đã đặt tên cho buổi đó là “Tết Trùng Phùng”.
Và vì là dịp Tết nên tôi có làm một bài sớ táo quân đăng trong đặc san kỷ niệm, trong đó có 4 đoạn như sau:
Cờ Hoa xứ dù to
Dân Việt mấy trăm ngàn
Mặt nơi nào cũng có
Đầy báo chí, cửa hàng.
Ca Li đất miền Nam
Đất lành người dừng chân
Dựng lên thành Quận Cam
Nô nức tiếng xa gần.
Thấm thoắt đã mười xuân
Gặp lại Tết “Trùng Phùng”
Lý Lê Đinh Nguyễn Trần
Tay nắm mắt rưng rưng.
Người sang tận phía Đông
Kẻ về từ miền biển
Nhìn nhau lòng chạnh lòng
Gặp nhau cười huyên thuyên.
Không phải vì đây có lẽ là buổi “gặp gỡ lại” đầu tiên của một nhóm người tị nạn có cùng một mẫu số chung là đã bỏ nước ra đi sống tại nước ngoài mà tôi tự nhận là đã góp phần vào việc sử dụng hai chữ “Trùng Phùng”, so sánh với hai chữ “Hội Ngộ” được dùng rất rộng rãi sau này. Nhưng vì thấy cách sử dụng hai chữ “Hội Ngộ” không được đúng mấy nên lần này, từ San José về, tôi phải đi tìm, lục lại bài Sớ Táo Quân ra làm dẫn chứng.
Tra cứu thêm thì thấy trong Việt Nam Tự Điển Khai Trí Tiến Đức:
Hội ngộ = Gặp gỡ.
Hội = Gặp, họp đông người
Ngộ = Gặp.
và
Trùng phùng = Lại gặp nhau lần nữa
Trùng = Lập lại nhiều lần
Phùng - Gặp gỡ.
“Hội Ngộ” có lợi điểm ở chữ “hội”, có nghĩa là gặp, họp đông người. Nhưng “Trùng Phùng” có vẻ mạnh thế hơn với cái nghĩa của chữ “phùng” – lại gặp nhau. Và nếu lấy tiếng Tây, tiếng U ra làm chuẩn thì trong chữ Reunion có cái prefix RE, có nghĩa là “một lần nữa / lại”.
Vì cả bốn chữ này đều có gốc Hán / Nôm, mà tôi thì dốt nên phải tin vào tự điển. Và nếu tin vào tự điển, thì hai chữ “Trùng Phùng”sẽ thắng to. Hai chữ”Hội Ngộ” rồi một ngày nào đó có lẽ sẽ bị giải nhiệm rồi đi vào dĩ vãng ôm theo mối hận ngàn thu vì vô tình đã được đưa lên đài danh vọng một cách sai lầm. Tiếng Việt ta có câu “trèo càng cao, ngã càng đau”.
Bây giờ trở lại chuyện “Hội Ngộ” – quen dùng rồi bây giờ muốn đổi ngay trong bài này cũng thấy khó khăn. Dù sao thì “Trùng Phùng” hay “Hội Ngộ” cũng đến thế mà thôi.
Một vài chuyện vui trong các buổi hội ngộ.
Chẳng hạn như sau 45 năm rời mái trường xưa, anh nào nhuộm tóc hay “ủi” / “kéo” mặt sẽ bị lộ tẩy ngay trong đám bạn cùng tuổi với mình. Chỉ có anh nào “vain” quá nhưng kẹo, không chịu bỏ tiền ra chích Botox vào mặt mà dùng Preparation H, thuốc bôi ngoài da chữa bệnh trĩ có tác dụng làm co các sớ thịt lại, thì có thể có khuôn mặt hơi căng ra một tí và lừa được những người chung quanh trong vài ngày hội ngộ rồi ai về nhà nấy, bí mật thuốc trĩ làm căng da mặt chưa bị…bật mí.
Số người muốn nhuộm tóc cho đen như hồi trẻ không phài ít. Nhưng phần đông không đến beauty salon nhờ các cô hairdresser làm cho nó tự nhiên hơn một tí mà lại mua thuốc về nhuộm lấy. Không biết cách pha mầu, và đã mất tiền mua thuốc thì phải làm sao cho nó càng đen càng tốt mà lại đỡ phải làm thường xuyên. Kết quả là mấy vị đó có mái tóc trông giống như cái đít nồi cơm nấu bằng củi cái thời Hồ Chí Minh hãy còn nấu cơm trong hang Pắc Bó. Cũng có vài vị đội tóc giả. Nhưng ngay cả Frank Sinatra, giầu đến thế mà đội tóc giả vẫn bị “lòi” thì mấy anh CVA đội “toupée” làm bằng tóc người chết chưa thấm vào đâu. Trong số bạn tôi chưa thấy nhiều anh có can đảm đi theo con đường mà Yul Brynner, và sau này là Michael Jordan và một số đông lực sĩ da đen, đã là những người tiên phong. Có lẽ tại vì dân Tây Phương với mắt sâu, râu rậm, trông vẫn đẹp khi cái đầu nhẵn thín. Còn dân Á Đông ta thì vì câu “cái lông cái tóc là gốc con người” nên vẫn trọng cái đầu có tóc tuy tóc càng về già càng thưa, thưa riết thì thành hói. Và có lẽ vì thế mà tôi chưa nghe thấy ai nói câu “a handsome monk” bao giờ.
Vài ba trăm năm về trước, đàn bà Tây Phương thường phải thót bụng vào, mặc corset dưới váy để khoe thân hình với cái eo nhỏ xíu của mình. Ngày nay hình như các bà sồn sồn không để ý đến chuyện eo nhỏ ấy nữa hay là không thể mặc corset được vì phải cho cái bụng được thoải mái để còn ăn tiệc. Tôi chắc không có anh nào đặt vấn đề là thằng bạn sau ba mươi không gặp, ngày xưa bụng có 28 mà bây giờ thành 34. Nhưng chắc chắn là khi các bà gặp lại nhau trong các buổi hội ngộ của trường Đồng Khánh chẳng hạn, thế nào cũng có chuyện chỉ trỏ, xì xầm, “Con nớ ngày xưa ngồi chung bàn với tau. Tau còn nhớ là nó là đại diện chính thức cho hãng “omega”, lép kẹp, không có tí ngực nào. Răng bây chừ to rứa?” và lập tức đặt tên mới cho người bạn học cũ, ngồi cùng bàn của mình là Công Tằng Tôn Nữ Thị Nở.
Ít năm trước tôi không tha thiết lắm với mấy cái vụ Hội Ngộ. Nhưng dạo sau này với những chuỗi ngày dài trong khoảng thời gian có thể gọi là cái một phần tư cuối của cuộc đời…tôi thấy những buổi họp bạn, những lần hội ngộ có những ý nghĩa sâu xa của nó. Chẳng mấy khi tôi nghĩ tới chuyện sang Houston thăm thằng H.; sang Washington thăm thằng V.; Qua Hawaii thăm thằng L. Nhưng nếu chúng nó cũng nghĩ như tôi, cũng sách va li đi dự những buổi hội ngộ thì chúng tôi vẫn có cơ hội gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần tại một thành phố lạ và “tay nắm mắt rưng rưng”.
Thế cho nên những buổi hội ngộ hay trùng phùng hay được gọi bằng bất cứ danh từ gì chăng nữa, nếu nó đạt được cái cảnh:
Người sang tận phía Đông
Kẻ về từ miền biển
Nhìn nhau lòng chạnh lòng
Gặp nhau cười huyên thuyên.
Thì cũng xứng đáng với cái danh xưng.
Tôi cho là nếu những người từ chối không tham dự những ngày hội ngộ với cái tập thể có cùng một mẫu số chung với mình, những người đó, tuy họ không biết, đã mất đi một dịp để làm giầu cho đời sống tinh thần của mình. Và ở vào tuổi tôi và các bạn tôi, chắc chẳng còn bao nhiêu thằng cần hay muốn làm ra tiền. Chúng tôi cần sống “cho nó sướng”. Và một trong những cái “sướng” đó là gặp lại những thằng bạn cũ của 50 năm về trước, tại một thành phố lạ, vào những buổi Tiền Hội Ngộ để ăn tục nói phét, những Đêm Hội Ngộ để chào cờ, chào thầy, chào cô, mặc niệm những thằng bạn không còn nữa; và những bữa ăn sáng Hậu Hội Ngộ để rồi, lúc chia tay, tự hứa với mình, và hứa với bạn mình là “Năm sau gặp lại!”
Cũng như dân Do Thái lạc loài, luân lạc, hẹn nhau một ngày thanh bình, an lạc nào đó tại miền đất Hứa bằng cách nói với nhau, chúc lẫn nhau bằng câu: “Next Year, In Jerusalem!”
Luân Tế
(Mấy ngày sau Hội Ngộ CVA 646566 tại San Jose)