LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR


                                                                                                                                                                                                  Luân Tế


Bạn đang ngồi trên máy bay từ California sang New York. Một người đàn bà xinh xắn, ăn mặc lịch sự ngồi ghế bên cạnh. Sau khi máy bay cất cánh, bạn và người đàn bà bắt đầu nói chuyện. Bạn là người ít nói. Người đàn bà nói nhiều hơn và nói chuyện rất hay và hấp dẫn. Bạn nghe mãi không chán và đi từ lý thú này sang ngạc nhiên khác. Một lúc sau thì bạn đã biết khá nhiều về người khách đồng hành. Hóa ra người đàn bà cùng tuổi với bạn, sinh cùng một thành phố, học cùng trường, cùng di cư vào Nam năm 1954  rồi di tản sang Mỹ vào năm 75, cùng sống ở California. Câu chuyện giữa hai  người làm bạn thích thú, quên đi chặng đường dài trên 6 tiếng.


Và khi máy bay đáp xuống phi trường John F. Kennedy thì bạn và người đàn bà đã trở thành thân hơn. Hai người trao đổi email address và số phone và hứa sẽ liên lạc. Hai chữ “bà” và “tôi” đã được đổi thành “chị” và “tôi”.


Tôi là Lê Tuấn. Người đàn bà đó là bà Phạm Vân Bằng.


Trên thực tế, chúng tôi không hề đi chung chuyến bay, cũng chưa bao giờ gặp nhau. Nhưng cuốn Hồi  Ký của bà Vân Bằng đã làm tôi quên thực tại trên 6 tiếng đồng hồ.


Tôi không có hân hạnh được quen biết ông bà Nguyễn Trọng Nho. Trong buổi ra mắt sách cuốn Tạp Ghi của Ca sĩ Quỳnh Giao, lần đầu tiên tôi lên nói chuyện về sách và cũng là lần đầu tiên tôi tham dự một buổi ra mắt sách trong cộng đồng Việt Nam. Tình cờ Bà Vân Bằng  thấy tôi lên nói chuyện về cuốn sách và sau đó, qua Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết, có nhã ý mời tôi nói chuyện về cuốn hồi ký của bà.


Tôi  trình bầy với LS  Bạch  Tuyết  là tôi không muốn nhận lời mời này vì không quen biết với tác giả.


Hồi ký là một thể văn tự thuật. Hồi ký là kể chuyện cho người đọc về mình, về những người,  những sự kiện đã xẩy ra trong cuộc đời của mình. Và thường thường, nhiệm vụ của một diễn giả trong buổi ra mắt một cuốn Hồi Ký là để nhắc lại những kỷ niệm với tác giả, đến những nhân vật, những sự kiện được kể lại trong sách như một chứng nhân của sự thật. Hồi ký khác với tiểu thuyết. Nói chuyện về một cuốn tiểu thuyết dễ hơn là nói về một hồi ký. Tôi có viết một số tiểu thuyết bằng tiếng Anh và độc giả của tôi, trong đó có LS Bạch Tuyết, cứ nghĩ là nhân vật đàn ông đẹp trai, đào hoa, con nhà giầu, học giỏi trong truyện là tôi. Tôi chỉ cười. Tội gì mà không nhận?


Nhưng sau khi đọc xong cuốn Hồi Ký  Tình Yêu – Niềm Tin – Hy Vọng của Phạm Vân Bằng thì tôi có cảm tưởng là mình rất thân với tác giả và gọi tác giả là “chị” thay vì chữ “bà” hơi khách sáo. Tôi còn cảm thấy hãnh diện là sẽ được  nói chuyện về cuốn sách ấy. Tôi  nhận lời lên nói chuyện hôm nay không  phải như là một chứng nhân của sự thật. Tôi  cũng không có tham vọng nhận định về toàn thể tập hồi ký mà chỉ muốn đưa ra một nhận xét về một chi tiết mà tôi cho là quan trọng nhất,  mang nhiều ý nghĩa nhất trong cuộc đời tác giả.


Sách của bà, đúng như lời Benjamin Franklin đã viết cách đây hơn 200 năm, là:


“ Sống lại cuộc đời của mình, nhớ lại tất cả những tình huống của cuộc đời. Và làm cho những kỷ niệm này được trường tồn bằng cách ghi lại những kỷ niệm đó”.


Trong suốt cuốn sách, bắt đầu bằng hàng chữ: 

“Ngày 5 tháng 4 năm 1971, đám cưới của chúng tôi...”

…cho đến dòng sau cùng: 

“Nho ơi, em sẽ yêu anh hoài hoài…”

tác gỉa cho phép người đọc đi vào cuộc đời trong suốt hơn 60 năm với tất cả các tình huống trong cuộc đời của bà. Với một trí nhớ đáng kể, bà đã ghi lại tất cả. Và đặc biệt nhất là trên 40 năm trong cuộc đời đó, có một người đã chia sẻ với tác giả những kỷ niệm, những thăng trầm, những nỗi buồn, những niềm vui …Bà Vân Bằng viết về ông Nguyễn Trọng Nho với những từ ngữ đẹp nhất, lãng mạn nhất, chân tình nhất, kính trọng nhất trong văn chương Việt  Nam…  “Anh  Nho”…  “Anh  tôi”…  “Chồng  tôi”… “Bố”… “Nho ơi…”…  Đó là một Nguyễn Trọng Nho sinh viên Nông Lâm Súc, Nguyễn Trọng Nho lãnh tụ thanh niên,  Nguyễn Trọng Nho dân biểu,  Nguyễn Trọng Nho luật sư,  Nguyễn Trọng Nho chánh án…Nguyễn Trọng Nho không nhận tiền hối lộ tuy vợ phải đi khuân từng tạ gạo giao cho khách, chạy từng đồng; Nguyễn Trọng Nho bỏ công bỏ của cùng với vợ và một số bạn đứng ra bảo lãnh cho trên 1000 thuyền nhân đang bơ vơ trong các trại tị nạn trên các hải đảo.


Người vợ viết về người chồng của mình với một nỗi đam mê cuồng nhiệt ít thấy trong những tập hồi ký của một người đàn bà Á đông và một sự nể trọng vô bờ ít thấy trong cuộc đời.


Hai nhân vật chính trong cuốn hồi ký - Vân Bằng và Nguyễn Trọng Nho - quen nhau,  yêu nhau,  lấy  nhau,  sống với nhau,  sống có nhau,  sống  vì nhau…quyện vào nhau đến nỗi, nếu tôi là editor của bà Vân Bằng, tôi sẽ đề nghị đổi tên cuốn hồi ký của bà thành “Chuyện Hai Người”.


Và chuyện hai người này thì có rất nhiều để nói. Phải bỏ ra 6 tiếng hoặc một ngày, hai ngày, mười ngày để đọc xong cuốn Hồi Ký thì mới thấy hết được chuyện vợ chồng ông bà Nguyễn Trọng Nho  dẫn nhau vào một giải trí trường có tên là Cuộc Đời, và ngồi lên cái Roller Coaster trong đó 40 năm.


Eric Hoffer, một triết gia người Úc đã nói:


“Điều đáng nói là một cuộc đời nhiều biến cố thì lại được nhớ rất kỹ. Một cuộc đời đầy thăng trầm, thành công, thất bại, là một cuộc đời đáng nhớ. Còn những chi tiết trong một cuộc đời trống rỗng thì nhiều khi mờ nhạt, không nhớ”.


Cuốn Hồi Ký, với giọng văn trong sáng, giản dị, chân thành; cách sử dụng ngôn từ khéo léo trong dạng kể chuyện,  những chương sách sắp  xếp  gọn gàng,  kỹ thuật viết tiêu chuẩn - tôi có thể gọi bà là nhà văn  mà không ngượng miệng - chấm dứt vào dịp hai người kỷ niệm 40 năm ngồi trên cái roller coaster đó, nhưng người đọc, như tôi, còn mong được đọc tiếp.


Và chúng ta hãy còn hy vọng bởi vì như một nhà văn ngoại quốc  đã phát biểu:


“Hồi ký của một nhà văn… không bao giờ đầy đủ…vì hãy còn những tác phẩm trong tương lai…”


Hoặc thực tế hơn thì:


“Một trong những điều thú vị nhất khi ngồi xuống viết lại cuộc đời của mình là biết chắc chắn mình chưa chết…”


Nhà văn Evelyn Waugh của Anh khuyên những người viết hồi ký như sau:


“Đừng viết ra những lời phê bình về nghệ thuật và ý nghĩa của cuộc đời. Không ai muốn nghe những chuyện đó đâu. Cũng đừng phân tích con người của mình. Viết lại những sự kiện rồi để độc giả phán xét. Viết về mình. Tuy cái “mình” không hẳn là một cái gì quan trọng nhưng chỉ có “mình” mới đủ tư cách viết về “mình” mà thôi”.


Tôi nghĩ tác giả, chị Phạm Vân Bằng, (đến đây tôi xin phép được gọi bà là “chị”) đã làm được chuyện đó, đã thành công trong việc viết về mình,  về những gì thuộc về mình như chồng,  con,  gia đình mình lẫn gia  đình chồng,  các bạn bè,  những nỗi buồn,  những niềm vui trong cuốn Hồi  Ký Tình Yêu – Niềm Tin – Hy Vọng.


Cũng được biết là chị cũng đã viết xong quyển TÌNH YÊU – NIỀM TIN – HY VỌNG bằng Anh ngữ cho các độc giả ngoại quốc và để lại làm một tài sản văn hóa cho thế hệ các con, các cháu chúng ta không rành tiếng Việt. Tôi nghĩ độc giả Việt Nam đọc được tiếng Anh cũng sẽ chờ đón cuốn sách đó.


Tôi cũng thiển nghĩ là LOVE – FAITH – HOPE cũng sẽ là một tựa đề đầy ý nghĩa.


Xin chúc mừng chị và xin được đọc những cuốn sách kế tiếp.


Cám ơn tác giả đã cho tôi dịp lên nói chuyện hôm nay trước một thành phần thính giả rất chọn lọc.


Luân Tế

Ngày Ra mắt Hồi Ký Phạm Vân Bằng 

11.12.2011


Make a free website with Yola