HỌC VÀ HÀNH
Luân Tế
(Lời nói đầu: Vì thấy tôi tương đối khá Anh văn [biết đọc - biết viết - biết nói] nhiều người hay hỏi tôi về dăm ba chữ tiếng Anh. Và vì thấy một vài chuyện về ngôn ngữ hay hay, muốn đề cập tới, nên tôi nẩy ra ý viết bài này).
Vào thập niên thứ 2 của cái thế kỷ này việc học tiếng Anh quá dễ dàng và giản dị. Internet cho bạn hầu như tất cả những câu trả lời. Cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nguồn gốc, cách phát âm, cách dùng chữ trong câu, cách tạo câu. Tôi có một người bạn trường Luật cũ, sang Mỹ đầu năm 1980, làm về xe hơi, đã về hưu tại Houston. Thỉnh thoảng anh lại gọi điện thoại hỏi tôi một vài chữ tiếng Anh. Có thể anh bạn tôi hỏi mấy câu, mấy chữ hơi ngoắc ngoéo vì lười, không muốn mất thì giờ tìm tòi, hay để thử tôi. Nhưng chuyện đó không thành vấn đề. Vì nếu những gì anh hỏi mà tôi không biết thì tôi lại có cơ hội học hỏi thêm lúc tra cứu để tìm câu trả lời. Và vì cái vốn liếng Anh văn của tôi phần lớn là tự học nên chuyện đó đối với tôi rất thường và tôi rất quý những người muốn học.
Nếu bạn đã sang Mỹ bằng một cái dạng nào đó – HO, bảo lãnh, đoàn tụ, hôn nhân vv…- và đã quyết định sống ở Mỹ rồi một ngày nào đó nhắm mắt đi qua bên kia thế giới thì một trong những việc quan trọng nhất trong cuộc sống trên cái gọi tạm là quê hương thứ hai (cho những người không còn có ý trở về) là bạn phải nói, đọc và viết được tiếng Anh. Mà muốn làm được chuyện đó thì bạn phải học.
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên hay không đồng ý với tôi về chuyện này: theo ý tôi, nếu bạn học tiếng Anh qua những cuốn tự điển Anh - Việt thì cũng không khác gì học Anh ngữ với một ông Thạc Sĩ Văn Chương Pháp. Ông thạc sĩ này rất giỏi, nhưng ông giỏi tiếng Pháp. Những cuốn tự điển Anh – Việt rất có giá trị, nhưng giá trị đó nằm ở chỗ mục đích của nó là giúp cho người Việt học tiếng Anh hay ngược lại. Những cuốn tự điển này không còn thực dụng trong cuộc sống hàng ngày của bạn nữa vì một lý do rất giản dị là bạn đang sống trến đất Mỹ. Khuôn khổ hạn hẹp của bài này nói chuyện về những người ở Mỹ, sống trong cộng đồng Mỹ, làm việc với Mỹ. Nếu bạn ở trong trưởng hợp một số ít người Việt Nam sang Mỹ nhưng vẫn hoàn toàn chung đụng với người Việt, sống trong cộng đồng người Việt, nhờ cậy đến sự giúp đỡ của con cháu, bạn bè, lối xóm khi phải trực diện với các sự kiện thường ngày trong vấn đề liên lạc với xã hội Mỹ thì bài này không phải viết cho bạn. Nhưng bạn thử nghĩ xem, nếu bạn thấy bị cô lập trong đời sống hàng ngày tại một xã hội không nói chung một thứ tiếng với mình thì đương nhiên bạn tự làm mình trở thành một người câm (vì không biết nói), một người điếc (vì nghe không hiểu), và là một thứ sinh vật gì đó sống bám vào các sinh vật khác mà tôi không muốn nói tên ra đây sợ những các bạn giận vì dùng chữ đó hơi nặng.
Bây giờ bạn cho tôi đi vào chi tiết một chút.
Một phương pháp học tiếng Anh hữu hiệu nhất là, trừ phi bạn làm nghề thông ngôn hay dịch thuật, thì bạn nên cho tất cả những cuốn tự điển Anh - Việt lên cái attic, hạ cái cửa ở trên trần nhà xuống, rồi quên những cuốn sách đó đi. Thử đặt trường hợp bạn lưu lạc đến một vùng đất ở tiểu bang Iowa, chung quanh toàn là người Mỹ, tôi chắc chắn là cái động lực sinh tồn của bạn sẽ làm cho bạn biết nói và hiểu tiếng Anh rất nhanh. Thói quen tra tự điển Anh – Anh cũng đưa bạn vào trường hợp tương tự như thế. Nếu bạn hiểu nghĩa một chữ qua định nghĩa bằng tiếng Anh thì bạn sẽ loại trừ được phần thời gian cần thiết để bộ óc bạn làm công tác thông dịch sang tiếng Việt.
Vì thế, cách học tiếng Anh hữu hiệu nhất là quên đi tiếng mẹ đẻ trong lúc đang học. Đứa bé 5 tuổi lúc vừa chơi vừa học ở kindergarten không bao giờ nghĩ gốc gác nó là giống người gì, nhưng ở nhà thì khăng khăng đòi “má cho con chút mắm tôm” khi mẹ múc cho ăn một tô bún thang. Bạn tha hồ ra chợ ở Bolsa mua thực phẩm Việt Nam, tha hồ ra Phúc Lộc Thọ sáng thứ Bẩy ăn tục nói phét với mấy người bạn cùng trang lứa; tha hồ chửi chó mắng mèo bằng tiếng mẹ đẻ khi giận vợ hay giận chồng, giận con, giận xếp; tha hồ xem phim Đại Hàn chuyển âm sang tiếng Việt; tha hồ ra chợ lấy báo lá cải về xem mấy trăm cái quảng cáo cho nó đã con mắt và để biết sự thịnh vượng trong ngành thương mại của dân tị nạn đã tới mức nào, xem nhóm này đả kích nhóm kia, phe này chê bai phe khác. Nhưng khi bạn học tiếng Anh, bạn cũng nên bắt chước thằng bé 5 tuổi kia, quên bạn là người ngoại quốc / Việt Nam trong lúc học và cố gắng theo dõi việc giảng dậy bằng Anh ngữ. Và đừng nản lòng khi thấy mình “ngụp lặn” trong biển cả ngôn ngữ, “bơi” mãi mà chẳng thấy bờ. Tất cả những người không sinh trưởng trên đất Mỹ đều đã, đang và sẽ đi qua cùng một con đường với bạn.
Một chuyện nữa là nếu bạn hay xem tin tức hay tra cứu bằng Internet thì không nên mở những trang Google hay Yahoo bằng tiếng Việt. Những trang đó dành cho 82 triệu người Việt sống ở Việt Nam. Những programmer tạo ra các trang đó hoàn toàn không nghĩ đến bạn khi làm chuyện này. Bạn muốn tôi dẫn chứng? Okay!
Bạn thử mở trang Yahoo tiếng Việt rồi đánh vào cái ô “SEARCH” hai chữ “Giá Xăng”.
Cái link này sẽ xuất hiện trong vòng 4 giây:
Bạn đưa con chuột nhấn vào cái link này thì một trang web sau đây hiện ra:
Kết quả tìm kiếm
1. Xăng bất ngờ tăng giá lên 21.300 đồng - VnExpress
Bộ Tài chính bất ngờ quyết định tăng giá bán lẻ các loại xăng dầu thêm 2.000-2.800 đồng một lít, đưa xăng A92 lên kỷ lục mới 21 ...
vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/03/xang-bat-ngo-tang-gia-len-21... - Bộ nhớ cache
2. Petrolimex.com.vn | Cổng thông tin chính thức Tổng Công ty ...
Giá xăng dầu tại thị trường Singapore ngày 14/9/2011: Xăng RON 92 121,79 USD/thùng; DO 0,05S 123,96 USD/thùng ; DO 0,25S 123,07 USD/thùng; Dầu hoả 123 ...
www.petrolimex.com.vn - Bộ nhớ cache
3. Tăng giá xăng - Xăng tăng giá 2011| Tin Lịch tăng tháng 5
Tang gia xang 2011 - Giá xăng dầu tăng liên tục tăng trong thời gian gần đây. Mời bạn xem ngay những tin tức mới nhất tình hình giá xăng ...
us.24h.com.vn/tang-gia-xang-c46e1783.html - Bộ nhớ cache
Vấn đề ở đây là nếu bạn đang ở Bolsa hay San José hay Houston, không biết hay không muốn dùng tiếng Anh trong lúc tra cứu, mà muốn biết xem giá xăng hôm nay ở Mỹ là bao nhiêu hay muốn tìm xem cây xăng nào rẻ hơn Costco để đem cả 6 cái xe của gia đình bạn đi đổ xăng vào sáng Chủ Nhật - ấy chết, tí nữa thì quên 2 chiếc của 2 cô sinh viên xe phòng tại nhà bạn (lấy công làm lời…lời gì thì chỉ có bạn biết) - thì bạn sẽ cảm thất vọng tràn trề (hay muốn đập tay xuống bàn chửi thề) vì tất cả những chi tiết về xăng nhớt trong những trang web này đều nói về giá xăng ở Việt Nam.
Bạn tức quá, gầm lên: “Thế mà người ta nói Internet chỗ nào cũng có”. Đúng thế. Nhưng bạn phải bảo cho cái thằng Internet là bạn muốn gì. Nếu bạn muốn biết giá xăng trên khắp nước Mỹ hay tại vủng bạn ở thì chỉ việc mở trang Yahoo English rồi đánh vào 2 chữ - cũng chỉ có 2 chữ thôi - “Gas Prices”. Rất dễ. Nhưng muốn làm đươc như vậy thì bạn phải biết đọc và viết vài ba chữ tiếng Anh. Tức là bạn phải HỌC.
Học như thế nào thì tôi không đủ sức chỉ cho bạn. Bạn nên tìm đến những trung tâm, những trường dậy Anh văn cho người lớn, các trường đại học cộng đồng. Ở những chỗ này họ có đủ phương tiện và phương pháp sư phạm để chỉ cho bạn. Họ sẽ bắt bạn đọc, nghe, viết tùy theo trình độ. Rồi họ sẽ cho bạn một số bài tập đem về nhà đọc, viết và nghe thêm.
Xong!
Thế là bạn đã nghe lời tôi, bỏ thì giờ ra học tiếng Anh. Bây giờ bạn đã khá rồi, có thể nghe được ít nhiều lúc coi TV Mỹ (xem tin tức hàng ngày trên TV Mỹ là một phương pháp học nghe và học nói có hiệu quả nhất vì các bản tin thường đươc viết ngắn, gọn, dùng những chữ phổ thông; và những người đọc tin thường được tuyển vì có giọng đọc hay và chuẩn – không kể cái bonus là được ngắm mấy cô archorwoman/ newsreader nói đã giỏi mà thường còn đẹp hơn hoa hậu). Bà hàng xóm xinh xắn - tuy hơi đen một chút - người Phi Luật Tân thỉnh thoảng vẫn cười toe toét chào và thăm hỏi bạn. Bạn vẫn giả vờ như không trông thấy. Bây giờ bạn tự tin hơn, tươi cười đáp lại. Mấy cái junk mail gửi đến nhà bạn cũng mở ra xem và biết là họ muốn bán cho bạn cái gì. Và nếu bạn là người muốn tiến bộ thì bạn sẽ còn phải học cho tới ngày vào lò thiêu.
Chuyện HỌC của bạn coi như tạm xong!
Việc quan trọng bây giờ là HÀNH. Hay nói một cách dễ hiểu hơn là bạn phải tìm cách “dùng” những gì bạn đã học.
Bạn nên bắt đầu cái “HÀNH” này bằng cách mua một tờ báo Mỹ hàng ngày. Rẻ lắm, chỉ khoảng 15 đô một tháng. Nếu bạn hay mua sắm tại các siêu thị hay các cửa hiệu của Mỹ thì bạn có thể lấy lại vốn một cách dễ dàng khi bạn cắt ra rồi dùng những discount coupon tại các cửa hàng đó (thường là trên tờ báo Chủ Nhật – bạn còn có thể chỉ mua báo Chủ Nhật thôi, được bỏ tận nhà với giá 10 đô một tháng). Nhưng chỗ này tôi đi hơi lạc đề, đánh vào cái lòng “tham” của con người mà quên mất cái mục đích chính là chuyện sử dụng tiếng Anh bạn đã học được.
Giả sử bạn, sau một thời gian, đã có được vốn liếng vào khoảng 1000 chữ trong tiếng Anh (bậc thang học tiếng Anh bắt đầu từ 1000 chữ cho trẻ em và những người mới học, đến các tác phẩm văn chương chứa vào khoảng 12000 chữ), đã từng cố gắng quên tiếng mẹ đẻ lúc học, đã dùng tự điển Anh-Anh để tìm hiểu nghĩa từng chữ và rồi để 1000 chữ đó nằm ì ra trong đầu, không bao giờ nghĩ đến nó nữa. Thật là uổng. Vì chỉ trong một thời gian ngắn, cái bộ nhớ trong đầu bạn sẽ automatically delete - tự động đục bỏ - một vài chục hay một vài trăm trong số 1000 chữ đó nếu những chữ đó không được bạn “SEARCH” bằng cách nghĩ đến nó hay khi bạn đọc thấy những chữ đó qua những bài báo viết bằng tiếng Anh. Khi nhìn thấy những chữ đó, bộ óc của bạn sẽ có cơ hội nhớ đến mặt chữ (spelling) và ý nghĩa (meaning) của nó.
Nếu bạn là người tò mò như tôi thì đọc đến chỗ nào không hiểu hay thắc mắc thì mở tự điển Anh - Anh ra tra cứu và tìm hiểu tại sao người viết lại dùng chữ đó trong câu này. (Nếu bạn dùng computer và có internet thì rất dễ: khi gặp một chữ không hiểu nghĩa trong một bài nào đó trên mạng viết bằng tiếng Anh, bạn chỉ cần lấy con chuột highlight cái chữ đó rồi right click. Một trang web sẽ hiện ra cho bạn thấy những định nghĩa của chữ đó qua hàng chục quyển tự điển khác nhau. Một cách khác là đánh chữ đó vào khung SEARCH). Những lời giải thích trong tự điển này thường rất ngắn và giản dị, cho bạn cơ hội học thêm một vài chữ nữa và cách làm câu. Việc tìm hiểu về cấu trúc của từng câu rất quan trọng là vì, tuy ở vào trạng thái vô thức, những cấu trúc đó sẽ nằm trong bộ nhớ của bạn và khi bạn cần sử dụng đến những chữ tương tự hay những câu tương tự khi nói hoặc viết thì óc của bạn sẽ lập tức “search” toàn bộ nhớ và đem đến cho bạn cái kết quả là những chữ, những câu tương tự để bạn dùng. Nếu bạn đọc nhiều như một người Mỹ trung bình thì một ngày nào đó, óc của bạn sẽ bảo (sai, ra lệnh) bạn nói hay viết ra những chữ, những câu không khác gì một người Mỹ.
Theo tôi, mục tiêu tối hậu của người học ngoại ngữ là nói được, viết được, và nghĩ được như một người nói tiếng mẹ đẻ. Đọc ngoại ngữ là một chuyện. Viết bằng tiếng nước ngoài đòi hỏi một khả năng hay khiếu về văn chương. Nói ngoại ngữ lại là chuyện khác.
Có lẽ cho tới lúc bị đưa vào lò thiêu bạn cũng chưa cần đến chuyện phải viết thư xin tăng lương hay thảo một bức thư tình gửi cho bà hàng xóm người Phi Luật Tân bằng tiếng Anh, nhưng nói tiếng Anh thì bạn rất cần: ra nhà băng, vào sở làm, lên xe buýt, thi lấy bằng lái, trả lời điện thoại, gọi 911 - những chỗ hầu như không có người nói tiếng Việt để phục vụ bạn - vv…và một số đông dân tị nạn đã đủ khả năng tối thiểu làm những chuyện này.
Tôi vẫn nghĩ, và tôi tin là bạn cũng nghĩ như tôi là mục đích khi học nói tiếng nước ngoài là để chuyển đạt những ý nghĩ, những gì mình muốn nói tới người nghe bằng một thứ tiếng không phải là tiếng mẹ đẻ. Bạn càng nói ngoại ngữ gẫy gọn, đúng văn phạm, chính xác bao nhiêu thì bạn càng tạo được niềm tin và sự kính trọng của người bản xứ khi họ nghe thấy một người ngoại quốc nói tiếng của họ rất chuẩn. Nếu bạn có khiếu về nói ngoại ngữ và có cái tai thẩm âm chính xác thì bạn có thể nói ngoại ngữ với một accent rất nhẹ, vì hai thứ đó cho phép bạn bắt chước giọng nói và cách phát âm của người ngoại quốc.
Thử đặt trường hợp bạn gặp một ông người Mỹ già nói tiếng Việt rất thạo và dùng chữ rất “bay bướm”, dấu hỏi, dấu ngã, dấu sắc, dấu huyền phát âm rõ ràng và chính xác, tôi chắc bạn sẽ phục lăn và về khoe ngay với vợ chồng, con cái, bè bạn; coi đây là một hiện tượng lạ và thầm hãnh diện là đã có người ngoại quốc thương cái xứ sở / văn hóa / văn minh của mình bằng cách học ăn, học nói một cách cẩn trọng như thế (tuy anh chàng này có thể là cựu nhân viên CIA đã tùng sống ở Sải Gòn và lấy hai cô vợ người Việt Nam không chừng).
Thế nhưng, cho phép tôi kể lại một câu chuyện tại nhà một người quen, cách đây không lâu: Trong buổi tiệc đó có một ông hơn tôi khoảng 5, 6 tuổi. Qua câu chuyện thì được biết ông là một kiến trúc sư cấp cao làm việc cho chính quyền Mỹ, dưới tay ông có vào khoảng vài trăm nhân viên. Qua những câu nói khi ông chêm vào một vài chữ tiếng Anh thì tôi thấy cái lối phát âm của ông không được hay cho lắm. Nhưng tôi bàng hoàng khi thấy ông phát biểu là ông rất lấy làm hãnh diện là đã từng đứng trước cử tọa cả vài trăm người để thuyết trình bằng tiếng Anh với cái giọng “Mít” của mình. Ông còn nói thêm, “Tôi đâu có cần phải nói tiếng Mỹ cho thật là chuẩn mà chúng nó vẫn phải biết là tôi muốn nói gì”.
Câu
nói của ông làm tôi nhớ lại những lời than của thằng con trai lúc mới vào đại
học cách đây trên 20 năm: “Bố biết không, mấy thằng cha thầy dậy toán và marketing của con nói tiếng Anh trong
lớp không ai hiểu. Tụi con ngồi trong lớp chỉ biết ngáp, còn có mỗi một cách là
về nhà lấy sách ra đọc”. Hỏi ra thì mới biết mấy ông thầy này toàn là người Ấn
Độ. (Nếu bạn chưa nghe người Ấn Độ nói tiếng Anh – một số đông – thì bạn nên
thử một lần cho biết. Khoảng 10 năm trở lại đây, theo chính sách outsourcing để giảm bớt chi tiêu về vấn
đề phục vụ khách hàng, các hãng thương mại Mỹ thuê rất nhiều người Ấn biết nói
tiếng Anh, ngồi trong một văn phòng đâu đó tại Calcutta hay New Dheli hay
Mumbai để trả lời hay giải quyết các vấn đề liên quan tới dịch vụ phục vụ khách
hàng. Lý do là vì tiền công mướn rất rẻ [khoảng 20%] so với lương của một người
Mỹ ngồi ở
Tôi vẫn thắc mắc về chuyện thằng con trai tôi nói. Vì bằng cấp là một chuyện. Khả năng sư phạm đòi hỏi giáo sư người ngoại quốc phải đủ sức giảng bài bằng tiếng Anh tại trường đại học Mỹ. Nhưng sau khi ở Mỹ một thời gian, gặp những vị giáo sư đại học người ngoại quốc, thì tôi thấy lời than phiền của thằng con tôi có lý. Tôi còn thắc mắc về chuyện các ông này lấy được bằng cấp cao – thường là Ph.D. – vì lấy được bằng này phải qua một kỳ khảo sát oral với một hội đồng chấm thi. Nếu các vị trong hội đồng không hiểu ông thí sinh tiến sĩ (mấy anh VC gọi là Phó Tiến Sĩ) này nói gì thì làm sao họ có thể cấp bằng cho ông ta được?
Và chuyện này đưa tôi đến một kết luận: không lẽ các ông đầy bằng cấp trên người, khi được đặt vào vị trí “ăn trên ngồi trước”, lại khinh nước Mỹ, người Mỹ - nhân viên, sinh viên, khinh văn hóa, văn minh Mỹ đến nỗi họ không thèm cố gắng nói tiếng Anh chuẩn hơn, đúng giọng hơn để người nghe có thể hiểu được là họ muốn nói gì. Hay là các ông không có khiếu nói ngoại ngữ và không có cái tai thẩm âm chính xác nên, một là các ông không nói được, hai là các ông tự cho là mình nói thế là đúng phóc nên tự hài lòng không cần biết sinh viên của mình có hiểu mình đang giảng về cái gì hay không.
Về chuyện ông kiến trúc sư, quả thật là ông đã đi ngược lại tất cả quy ước về học ngoại ngữ tử trước tới nay. Nếu ông là một kiến trúc sư sống tại Việt nam mà được mời đến thuyết giảng tại Mỹ thì tôi rất tán đồng với ý của ông. Nhưng đằng này, ông sống ở Mỹ, ăn lương chính phủ Mỹ mà vẫn cố ý giữ cái giọng nói ngoại ngữ đầy “dân tộc tính” của mình và hãnh diện vì điều này thì tôi cho là ông nhầm. Một điểm tôi chắc chắn là những người trong thính đường sẽ về nhà giở briefing papers ra đọc cho chắc ăn sau khi đã nghe ông thao thao bất tuyệt trên bục mà không hiểu là ông nói gì cả. Cũng giống như thằng con tôi đã phải giở “cua” ra học sau khi nghe mấy ông thầy Ấn Độ giảng bài trong lớp.
Có những trường hợp xử dụng ngôn ngữ khác nhau dính líu đến vấn đề ngoại giao và chính trị: Tổng Thống Jacques Chirac của Pháp và Thủ Tướng Willy Brandt của Đức nói tiếng Anh rất thông thạo nhưng chỉ dùng tiếng Anh khi nói chuyện với báo chí hay trong những cuộc tiếp xúc riêng. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Golda Meir của Do Thái cũng nói tiếng Anh rất hay vì đã sống và đi học ở Mỹ, nhưng luôn luôn dùng tiếng Anh trong tất cả mọi trường hợp. Theo các bản văn của CIA và chính quyền Mỹ về cuộc chiến Việt Nam mới giải mật thì trong các buổi họp giữa các giới chức Mỹ và các tướng lãnh Việt Nam sau cuộc đảo chính 1-11-63, phần nhiều các tướng chỉ nói được tiếng Pháp. Riêng có hai tướng nói chuyện và tranh luận với các giới chức Mỹ bằng tiếng Anh là Tướng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu. Theo bản ghi chép của một cuộc họp thì sau khi một viên chức Mỹ hỏi “Who speaks English?”, tướng Nguyễn Cao Kỳ nói “I speak English” (Nguyễn Cao Kỳ đã sang Mỹ học tham mưu 6 tháng) và tướng Nguyễn Văn Thiệu (Nguyễn Văn Thiệu đã được cử sang Mỹ học tham mưu, chiến lược, và vũ khí 3 lần) bắt đầu chuyện nói bằng tiếng Anh với các giới chức Mỹ thì không thấy các tướng khác lên tiếng. Không biết sự kiện hai tướng này đối thoại bằng tiếng Anh với các giới chức Mỹ có phải là một sự trùng hợp trong lịch sử khi sau này được đề cử vào các chức vụ lãnh đạo quốc gia?
Một người bạn vừa gửi cho tôi cái YouTube link này:
http://www.youtube.com/watch?v=ZG0rc21au0I
Xem cho vui thôi tuy cách thực hiện, diễn xuất và phần đối thoại hãy còn vụng về. Tuy nhiên nó cũng giúp ta thấy được kỳ thị chủng tộc là con đường hai chiều.
Và nó cho thấy cái lợi của việc HỌC và HÀNH ngoại ngữ. Nếu cậu Mỹ đen này không “hành” những câu nói mẹ dậy từ thưở lọt lòng thì cậu mù tịt về gia đình cô “vợ” tương lai. Hẳn tôi và bạn, nếu chưa có vợ, cũng không muốn lâm vào cái cảnh đó trước khi “ván đã đóng thuyền”…
Luân Tế
Oct. 2011