LÊ TUẤN WRITER-TRANSLATOR-ACTOR-DIRECTOR




 CHỮ VÀ NGHĨA

Luân Tế

 

 

Cách đây hơn 40 năm một người bạn Mỹ tên là Duane Hauch cho tôi một chồng sách, toàn là các vở kịch nổi tiếng của Mỹ (để trả công cho tôi một phần trong việc tôi giúp anh dịch vở kịch Thành Cát Tư Hãn của GS Vũ Khắc Khoan sang tiếng Anh). Tôi đọc thấy hay quá và nẩy ra ý định dịch những vở kịch đó sang tiếng Việt. Trước đó tôi cũng đã viết dăm ba vở kịch cho mấy ban kịch trên đài truyền hình ở Sài Gòn. Một số kịch bản tôi dịch được trình diễn trên sân khấu, được dùng để dậy lớp kịch nghệ ở mấy trường đại học. Hội Việt Mỹ (VAA) Sài Gòn trả cho tôi một triệu đồng cho 10 kịch bản do tôi dịch để xuất bản với tựa đề : “Mười Vở Kịch Nổi Tiếng Nhất Nước Mỹ”. Họ nói với tôi là cuốn sách này sẽ được in trên giấy láng, offset, giống như tờ Thế Giới Tự Do. Đang in giở ở Phi Luật Tân thì nước mất. Có người nói với tôi là những tài liệu như thế có thể đã được đưa vào văn khố của bộ ngoại giao Mỹ nhưng tôi không tin và cũng không cố tình đi tìm lại.

Năm 1991, tôi về Việt Nam làm phim có gặp một cô học trò cũ lớp Kịch Nghệ của tôi ở Đại Học Tri Hành. Cô tên là Minh Ngọc, lúc đó đang là người viết kịch và đạo diễn sân khấu sáng giá ở Việt Nam. “Em vẫn còn giữ mấy tập kịch thầy dịch và viết,” Minh Ngọc nói với tôi. Định hỏi mượn để photocopy lại làm kỷ niệm nhưng rồi bận quá, quên luôn. Nghe nói Minh Ngọc đã sang Mỹ sống. Hôm nào gặp tôi sẽ hỏi xem cô có còn giữ mấy tập kịch đó không.

 

Dịch từ Anh sang Việt rất khó vì tiếng Việt mình quá giầu có, nhiều khi không biết phải chọn “chữ” nào cho đúng “nghĩa”.  Cứ cho là người dịch rất giỏi chữ (Việt), còn có vấn đề khả năng Anh ngữ (hay ngoại ngữ, nói chung) của người dịch. Có thể khi đọc bản văn bằng tiếng nước ngoài, người đọc có thể nghĩ rằng mình hiểu gần như 100%, nhưng đến khi cầm bút dịch bản văn đó thì phải phân tích từng chữ, từng câu...và hậu quả là sẽ nhận thấy là mình dốt, tuy biết “chữ” nhưng không rành cho lắm về “nghĩa” của cái chữ đó. Chẳng hạn như trường hợp sau:

         

Năm 1972, tôi dịch tập nhạc kịch tên là “Man of La mancha”. Lấy tựa tiếng Việt là “Giấc Mơ Tuyệt Vọng”. Trong kịch có một màn Sancho, người hầu cận của Don Quixote, nói tại sao anh lại bị nhốt vào nhà giam cùng với chủ chờ ra trước Tôn Giáo Pháp Đình.

 

          GOVERNOR: But why are you here?

          SANCHO:       Someone has to serve the papers.

 

Có lẽ là tôi không tham khảo cuốn tự điển của Nguyễn Văn Khôn mà bố tôi mua đã từ lâu khi dịch câu này như sau:

 

          THỐNG ĐỐC: Thế tại sao mày lại phải vào đây?

          SANCHO:        Thì cũng phải có người chịu tội chứ.

 

vì chữ “Serve” tương đối giản dị. Tôi cho chữ này có nghĩa là “phục vụ” hay trong câu này có thể có ý là “ở tù” nên tôi cho hai nghĩa vào làm một và dịch là “chịu tội”. Đấy là năm 1972. Đến năm 2010, tôi xem và nhuận lại bản dịch này để cho tái xuất bản thì mới nhận ra cái sai của mình. Ở Mỹ lâu rồi mới biết đến câu “serve the papers”. Câu này có nghĩa là cầm giấy tờ đến đưa cho một người đang bị kiện ra tòa, một legal process. Tôi vội vàng che cái dốt của mình và chữa lại trong ấn bản mới:

         

SANCHO:        Thì cũng phải có thằng đi tống đạt giấy tờ chứ.

 

Và cho là mình đã sửa đúng. Nhưng đúng mà chưa hay. Vì trong lúc ngồi viết mấy dòng này thì tôi lại nghĩ ra một chữ khác, “tống trát”. Hai chữ này lột tả được toàn diện nghĩa của cụm từ “Serve the papers”. Và vì thế nếu sách bán hết và phải in thêm thì tôi sẽ chữa câu này thành:

 

SANCHO:        Thì cũng phải có thằng đi tống trát chứ.

 

Khi dịch đến đoạn viên giáo sĩ hát về người tình Dulcinea (trong mộng) của Don Quixote thì tôi gặp một câu mở đầu như thế này:

 

          To each his Dulcinea…

 

Thật sự tôi không hiểu ý của người làm bài hát đó. Đánh liều dịch là:

 

          Với mỗi một tình nương…

 

Nhưng sau khi sống ở Mỹ một thời gian, học hỏi thêm thì biết là trong tiếng Anh có câu tục ngữ “To Each His Own”, cũng na ná như một câu trong tiếng Pháp, “Chacun a son gout”. Nôm na trong tiếng Việt là “nhân tâm tùy mạng mỡ” hay “mỗi người có ý thích riêng của họ”. Như vậy thì là tôi đã dịch sai vì không đủ kiến thức về tiếng Anh để hiểu được câu hát trong nguyên bản. Và vì thế mà tôi phải chữa lại trong lần tái bản là:

 

          Một người có riêng một tình nương…

 

Cho nên, biết chữ là một chuyện. Hiểu được cái nghĩa của chữ đó trong từng hoàn cảnh hay không thì lại là một chuyện khác. Cách đây ít năm, lúc về Hà Nội, tôi thả bộ đi quanh Hồ Hoàn Kiếm. Ngay cạnh bờ hồ, chỗ gần tượng Vua Lý Thái Tổ, có một ngôi nhà nhỏ. Đến gần thì thấy đây là một phòng triển lãm hội họa. Trước cửa có một tấm bảng gỗ nhỏ có sơn vài hàng chữ bằng hai tiếng Việt và Anh đại khái giới thiệu về phòng triển lãm này, khoe là trong đó có trưng bầy nhiều họa phẩm thuộc nhiều trường phái nghệ thuật. Chữ “Trường Phái” thường được dịch ra là “School.” Chẳng hạn như “Schools of Thoughts” hay “Schools of Arts”. Nhưng có lẽ vì vị nào có trách nhiệm dịch mấy chữ đó sang Anh ngữ muốn làm tăng tầm quan trọng của phòng triển lãm nên vị này, thay vì dùng chữ “Schools of Arts” thì lại dùng chữ “Universities of Arts”; vì nghĩ là “university” thì thế nào chẳng có trình độ cao hơn “school”. Vị này quên không nghĩ đến những trường hợp Law School, Business School,  Medical School…Những “school” này muốn vào được thì phải tốt nghiệp “university” trước đã.

 

Gần đây một anh bạn có gửi cho tôi một bài về Phật học do một Tỳ Kheo dịch sang tiếng Việt từ Anh Ngữ. Vị tỳ kheo này dịch các danh từ Phật học rất hay nhưng ông phạm vào một cái lỗi rất sơ đẳng trong ngành dịch thuật là trình bầy bản dịch của ông ngay bên cạnh bản chính trong hình thức song ngữ đối chiếu.

 

Đây là trang đầu:

 

 

Đạo Phật là gì?

 

Danh từ Đạo Phật (Buddhism) xuất phát từ chữ "Budhi" nghĩa là "tỉnh thức" và như vậy Đạo Phật là triết học của sự tỉnh thức. Nền triết học này khởi nguyên từ một kinh nghiệm thực chứng của Ngài Sĩ-Đạt-Đa Cồ-Đàm, được biết như một vị Phật, đã tự mình giác ngộ ở tuổi ba mươi sáu. Đến nay Đạo Phật đã có mặt trên 2500 năm và có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Hàng trăm năm về trước, Đạo Phật đã chính thức là một nền triết học của Á châu, tuy nhiên ngày nay đã phát triển và có tín đồ ở khắp châu Âu và châu Mỹ.

What is Buddhism?

The name Buddhism comes from the word 'budhi' which means 'to wake up' and thus Buddhism is the philosophy of awakening. This philosophy has its origins in the experience of the man Siddhartha Gotama, known as the Buddha, who was himself awakened at the age of 35. Buddhism is now 2,500 years old and has about 300 million followers worldwide. Until a hundred years ago Buddhism was mainly an Asian philosophy but increasingly it is gaining adherents in Europe, Australia and America.

 

Nếu vị tỳ kheo này (hay người nào sắp xếp hai bản tiếng Anh và tiếng Việt cạnh nhau) cẩn thận hơn hay khôn khéo hơn, cứ để bản dịch tiếng Việt thôi thì độc giả cũng vẫn lãnh hội được các tinh hoa của Phật học và có lẽ không có lý do gì để thắc mắc vì không có bản chính nằm ngay bên cạnh để liếc sang xem ông này dịch như thế nào (bản tính tò mò rất tự nhiên của con người).

 

Vị tỳ kheo này dùng bản Anh Ngữ dịch sang tiếng Việt. Rất hay nhưng nếu người đọc khó tính thì thấy là vị này hoặc là dịch ẩu (sẽ có đoạn nói về dịch ẩu phần dưới) hoặc là chưa hiểu hết “nghĩa” của những “chữ” trong bản Anh Ngữ.

         Ông dịch: “known as the Buddha” thành “được biết như một vị Phật” có lẽ vì ông thấy chữ “known as”. Nhưng thực ra, nếu dịch cho trúng thì “known as the Buddha” phải được dịch là “còn gọi là Phật”. Và câu này phải viết như sau: “Ngài Sĩ-Đạt-Đa Cồ-Đàm, còn gọi là Phật, đã tự giác ngộ ở tuổi ba mươi sáu”.

          Ngay sau đó, ông viết:

“Hàng trăm năm về trước, Đạo Phật đã chính thức là một nền triết học của Á châu, tuy nhiên ngày nay đã phát triển và có tín đồ ở khắp châu Âu và châu Mỹ”.

Câu này dịch từ tiếng Anh:

Until a hundred years ago Buddhism was mainly an Asian philosophy but increasingly it is gaining adherents in Europe, Australia and America”.

          Chỗ này ông nhầm khi dịch “Until a hundred years ago”“Hàng trăm năm về trước”. Đáng nhẽ ông phải dịch là “Một trăm năm trước đây”. Và chữ “mainly” chỗ này không có nghĩa là “chính thức” mà có nghĩa “chỉ là”. Và câu này nên được dịch như sau:

         “Một trăm năm trước đây, đạo Phật chỉ là một triết thuyết của Á châu mà thôi, nhưng hiện nay càng ngày càng có thêm tín đồ ở khắp các châu Âu, Úc, và Mỹ”.

 

Khoảng 1980, tôi được một người bạn cho mượn cuốn thơ “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện. Vừa đọc vừa khóc. Và vì trong bức thư ngỏ, tác giả thiết tha mong thơ của mình được dịch ra và phổ biến ở nước ngoài, nên tôi quyết định trở lại nghiệp cầm bút bằng cách dịch tập thơ này sang Anh ngữ. Mất gần hai năm. Đây là lần thứ hai tôi dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Lần đầu là khoảng năm 1974 khi Hội Việt Mỹ đề nghị với cơ quan JUSPAO xin một học bổng về văn chương cho tôi tại Writer’s Workshop ở trường đại học Iowa, một trường đào tạo sáng tác văn học có giá trị nhất trên nước Mỹ, và vì thế tôi dịch một số kịch do tôi viết sang tiếng Anh gửi sang Iowa. Việc chưa ngã ngũ thì vận nước đã đảo điên.

          Trở lại với “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam”. Năm 1982, sau gần hai năm cặm cụi dịch, vừa xong thì tờ báo Văn Nghệ Tiền Phong loan tin sẽ tổ chức một cuộc thi dịch tác phẩm này sang Anh ngữ với giải thưởng là $5000.00. Tôi bèn gửi đi dự thi. Kết quả là Văn Nghệ Tiền Phong cho tôi Giải Nhì. Và tuyên bố là không có bản dịch nào xứng đáng đoạt Giải Nhất. Tuy vậy VNTP vẫn trao giải cho tôi bằng cái ngân phiếu $5000.00. Lúc đó tôi “hầm” vô cùng vì nghĩ là VNTP cố tình hạ thấp giá trị việc làm và công sức của tôi; bởi vì trong tất cả các cuộc thi, ví dụ như thi hoa hậu, cô nào được cho là “đỡ xấu nhất” sẽ mặc nhiên được coi là “đẹp nhất” (Hoa Hậu) trong số những người dự thi. Nhưng gần 30 năm sau, khi viết được gần 2000 trang tiểu thuyết bằng Anh ngữ, có một lần tôi lấy bản thảo tập thơ bằng tiếng Anh ra đọc lại thì nhận ra là VNTP có lý. Bởi vì tuy không có bản dự thi nào hay hơn bản của tôi (VNTP công nhận điều này bằng việc trao cho tôi giải thưởng $5000.00), nhưng thật ra chữ nghĩa của tôi trong việc viết tiếng Anh lúc đó hãy còn quá kém, không đáng đoạt giải Nhất.

 

Và chính vì tôi có liên hệ đến chuyện dịch tập thơ của Nguyễn Chí Thiện nên tôi mới khám phá ra chuyện “dịch ẩu” về tập thơ này.

 

Một vài năm sau đó, một học giả nổi tiếng làm việc cho một trường đại học cũng rất nổi tiếng cho phát hành một bản dịch của tập thơ “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” nhưng lấy tên là “Hoa Địa Ngục” do chính ông dịch sang Anh ngữ. Ông này cũng phạm phải cái lỗi sơ đẳng nhất trong ngành dịch thuật, giống như vị tỳ kheo dịch Phật học nói ở phần trên, là cho hai bản chính và bản dịch nằm song song với nhau trên giấy trắng mực đen. Làm như thế thì chẳng khác gì một lời mời độc giả cứ việc so sánh bản dịch với nguyên tác và thấy“khả năng dịch thuật của tôi tới cỡ nào”.

 

Tuy nhiên, ngay trong bài tựa, dịch giả đã “dịch ẩu”:

 

          Hoa địa ngục tưới bằng xương máu thịt,

          Trộn mồ hôi chó ngựa, lệ ly tan…”

 

          “Flowers from hell – real blood has watered them,

          Blood mixed with animal sweat, with parting tears…”

 

Dịch như thế này, độc giả Mỹ hay con cháu chúng ta không biết tiếng Việt, khi đọc bản dịch, nghĩ là Nguyễn Chí Thiện (NCT) bị ở tù chung với súc vật, chứ không phải là nhà thơ ví thân phận mình như chó, ngựa.

 

Rồi đến bài thơ “Nếu Một Ngày Mai Tôi Phải Chết”, NCT viết:

 

          …Những lâu đài cung điện thưở vàng son…

          Cảnh hàn sĩ canh tàn còn đọc sách…

 

          …When royal mansions stood in gold and red

          When chilly students at wee hours still read…

 

Hiển nhiên là dịch giả không hiểu nghĩa của hai chữ “Vàng Son” và dịch là “gold and red”. Thêm vào đó, “hàn sĩ” được hiểu là học trò bị lạnh nên dịch là “chilly students”.

 

Sau đó có một câu:

 

          …Của anh đồ thi cử vô duyên…

          Mơ võng lọng kiệu cờ như nước chẩy…

 

          …His dreams of glory now washed out to sea…

 

Ý là giấc mộng khoa bảng của anh đồ đã tiêu tùng trôi theo dòng nước chảy ra biển. Ngoài việc dùng chữ “glory” hơi quá đáng để gán cho sự thành công lấy được mảnh bằng (tú tài, cử nhân, tiến sĩ?), câu tiếng Anh hay, có ấn tượng; nhưng đâu có phải là ý của NCT.

 

Và đây là một thí dụ cụ thể về “chữ” và “nghĩa” trong bản dịch này. Trong bài “Thư Nhà”, NCT kể chuyện một ông bố già bệnh hoạn, viết thư cho con trai đang bị giam. Ông bố kể lể:

         

…Viết phong thư phải nghỉ tới dăm lần…

 

Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là người miền Bắc. Ông dùng những chữ trong văn hóa dân gian đặc thù của miền Bắc. “Phong thư” có nghĩa là “lá thư”; “dăm” có nghĩ là “một vài”; “nghỉ” với dấu hỏi trên đẩu chữ i có nghĩa là “ngưng lại để lấy sức”. Thế nhưng dịch giả - có lẽ là người miền Nam - không hiểu, nên dịch câu này thành:

 

          Just to address the envelope, I must think hard…

 

Hiển nhiên là dịch giả tưởng nhầm “phong thư” là “phong bì ”; “nghỉ” là “nghĩ”.

 

Tôi đọc hết cuốn sách dịch “Flowers From Hell”, và càng suy nghĩ thì càng đi đến kết luận là ông học giả này chắc chắn đã “sai” học trò của mình (hay là assign homework) dịch thơ của NCT rồi cứ thế cho in mà không thèm duyệt lại. Không thể có một kết luận nào khác hơn. Chỉ có một điều là ông không để tên những người học trò đó mà lại để tên ông là dịch giả duy nhất của 117 bài thơ. Và ông phạm vào cái lỗi sơ đẳng nhất trong ngành dịch thuật là cho hai bản chính và bản dịch nằm song song với nhau trên giấy trắng mực đen.

 

Tôi đã phạm cái lỗi sơ đẳng này năm 1974 khi cho phát hành bản dịch “Giấc Mơ Tuyệt Vọng” dưới hình thức song ngữ đối chiếu, tự cho mình là “ngon lắm”, sau khi được trúng giải Dịch Thuật Toàn Quốc VNCH năm 1972 với cuốn sách này. Nhưng cũng may cho tôi vì nếu chỉ in bản dịch không thôi thì có lẽ đến giờ này tôi cũng không biết là mình dịch sai vì biết “chữ” mà không hiểu “nghĩa”. Và năm 2010 tôi lại “xâm mình” cho tái bản cuốn “Giấc Mơ Tuyệt Vọng” cũng dưới hình thức song ngữ đối chiếu.

 

                                                                                                                        

                                                      GMTV circa 1974                                                         GMTV 2010                                 

 

Nếu có quý vị nào tò mò muốn xem cái“khả năng dịch thuật của tôi tới cỡ nào” thì có thể liên lạc với tôi tại:

 

letuan.thewriter@yahoo.com

 

mua bản dịch song ngữ này (giá $12.00 cả cước phí);

 

hoặc lên web site:

 

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/giac-mo-tuyet-vong-a-translation.php

 

xem qua cho biết.

 

Trước khi chấm dứt tôi xin tặng các bạn một giai thoại về “chữ” và “nghĩa” tôi mới chứng kiến: Một thông dịch viên, sau khi nghe một người Việt nói: “thế là trước sau, tôi thiếu anh 300 đô nhé!”, bèn dịch sang tiếng Anh là “so, before and after, I owe you $300.00, okay?”.

 

Chính vì những chuyện như trên nên tôi mới có đề tài “chữ” và “nghĩa” để viết cho vui.

 

Luân Tế

4-2011

 

 back to home page

http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/

Make a free website with Yola