letuanthewriter


                  40 NĂM NHÌN LẠI...
        ...CUỘC ĐỜI
                                       
                                                                              
Luân Tế                                                             
  
                                                                                                                                              
“Cuộc đời như trái thoi đưa
Nó đi đi mãi, có chờ đợi ai”


Sự “nhìn lại” này  tựa vào một cái mốc khổng lồ trong tâm tư của tất cả dân Việt, bất cứ phe nào, ở đâu. Đó là biến cố Tháng Tư Đen như trong một bài Sớ Táo Quân tôi viết vào tháng Giêng năm 1976, cái Tết đầu tiên trên đất Mỹ cách đây 39 năm:

“Từ ngày Một tháng Năm
Tính theo ngày Dương lịch
Năm Một Chín Bẩy Lăm
Ngày bắt đầu thảm kịch
Vì sợ e xiềng xích
Vì ham muốn tự do
Hàng trăm ngàn dân Việt
Ra đi trong đau khổ”


Vì tôi là một trong những người dân Việt ra đi “trong đau khổ”.

Nếu không có cái mốc Tháng Tư đó thì sự “nhìn lại” của tôi và của những người khác có thể sẽ xẩy ra một cách bình thường hơn trong một cuốn hồi ký có thể sẽ được viết ra một ngày nào đó kể lại cuộc đời mình, khen người này, chê người kia, tự bốc thơm nếu làm được cái gì trong quá khứ, bào chữa / chạy tội cho mình về những lỗi lầm trong dĩ vãng.

Nhưng Tháng Tư Đen đã xẩy ra và còn nằm trong lòng, trong tim của tất cả mọi người Việt Nam ở hải ngoại, có lẽ cho đến ngày những người thuộc diện REFUGEE/BOAT PEOPLE/ODP/HO nằm trong thế hệ thứ nhất không còn nữa. Tuy nhiên, nếu biến cố Holocaust xẩy ra vào Thế Chiến Thứ Hai hãy còn đè nặng trong lòng dân Do Thái thì có lẽ vết thương Tháng Tư Đen sẽ còn rướm máu trong tâm khảm dân Việt cả trong lẫn ngoài nước cho đến ngày nào lịch sử còn ghi lại biến cố này.

Cái “nhìn lại” ở đây là cái nhìn lại vào thực tại với cái dấu mốc này.

Trong một buổi hội thoại do nhà văn Dương Nghiễm Mậu làm chủ biên tại Đài Tiếng Nói Tự Do ngay sau khi Hiệp Định Paris 4 bên vừa ký kết vào ngày 27 tháng Giêng năm 1973, tôi còn nhớ câu trả lời của mình khi được hỏi cảm nghĩ về hiệp định này. Lúc đó Lê Báu, anh tôi, đã tử trận, tạo ra những nỗi sầu khôn nguôi trong gia đình tôi. Tôi nói rằng tôi không cần biết bên nào thắng, bên nào thua, bên nào nắm lợi thế trong hiệp định, tôi chỉ cần không còn phải nhìn thấy những người cha, người mẹ đi nhận xác con như bố mẹ tôi phải làm một chiều 27 Tết; hay không còn phải đọc những giòng chữ với quang cảnh thê lương ở miền Bắc trong thơ Nguyễn Chí Thiện:

“Chốn thôn trang vắng bóng trai làng,
Giấy báo tử rơi đầy mái rạ.”


“Nhìn lại” thì thấy câu nói của mình vừa ngu, vừa ngây thơ vì tin là Cộng Sản sẽ tôn trọng các điều khoản trong hiệp định; tin là Mỹ sẽ có biện pháp nếu Cộng Sản trở mặt. Nhưng ngay trong lúc hiệp định đang được ký tại nước Pháp thì trên mảnh đất tên là Việt Nam lính vẫn chết, cha mẹ vẫn khóc con, vợ vẫn khóc chồng, anh em vẫn mất nhau; và rồi chỉ 2 năm sau, Tháng Tư Đen: Một biến cố làm thay đổi số phận của vài chục triệu người trong nước, và của hàng trăm ngàn người bị đầy ra khỏi nước khi miền Nam xụp đổ.

40 năm nhìn lại thì thấy là tại quê hương, dân tộc (bây giờ lên đến con số 90 triệu người) vẫn điêu linh tuy không còn chiến tranh. 40 năm nhìn lại thấy Cộng Sản Việt Nam vẫn là mối đe dọa lớn nhất của dân tộc Việt. 40 năm nhìn lại thấy nước Việt Nam đã rớt xuống thêm vài chục hạng trong danh sách những nước “chậm tiến” nhất trên thế giới. 40 năm nhìn lại thấy văn hóa văn minh thụt lùi, văn chương chữ nghĩa tối tăm, thói hư tật xấu gia tăng, xã hội sa đọa, tội ác lan tràn, tham nhũng dẫy đầy.

Nhà văn Dương Thu Hương đã đề cập tới hiện tượng “hối tiếc” phát nguồn từ dân miền Bắc vì đã nghe lời đường mật của Cộng Sản trong bài nhận định “Giải Ảo”: (Trích) "Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi thuộc số những người vỡ mộng sớm nhất. Nhưng chỉ vài năm sau, con số những kẻ vỡ mộng tăng lên một cách không ngừng. Đầu những năm 80 sự đói khổ về vật chất là con quỷ hiện hình cả ngày lẫn đêm trên toàn cõi. Đói khổ là món quà chia đều cho toàn dân, trừ một số người nắm quyền. Sự giàu có và xa hoa của một thiểu số cộng sản giống như vòi nước lạnh hắt vào mặt dân chúng. Hiển nhiên là trong dân chúng, có vô số kẻ từ chiến trường cởi áo lính trở về." (Ngưng trích)

Trong tiếng Anh có chữ “buyer's remorse” - mua hàng về rồi, thấy tệ quá, tiếc tiền. Ngành thương mại ở Mỹ có hai câu: customer's always right và satisfaction guaranteed, nên nếu xẩy ra tình trạng tiếc nuối này, ta chỉ cần đem trả, lấy tiền lại, no questions asked. Còn cái “buyer's remorse” của người dân miền Bắc sau cái ngày gọi là “Thống Nhất Đất Nước” 40 năm về trước - cùng một dấu mốc 30 tháng Tư - thì chỉ có cách ngậm bồ hòn làm ngọt, tức anh ách, đành ôm mối hận ngàn thu.

40 năm nhìn lại tại Mỹ cũng chẳng khá gì cho lắm với dân Việt ly hương. Tuy sống trên đất Mỹ nhưng ta thấy văn minh văn hóa của dân Việt lưu vong cũng chẳng tiến là bao. Thói hư tật xấu vẫn còn nguyên. Số người ngồi tán gẫu tại các quán cà phê mọc lên như nấm ở Little Saigon nhiều gấp trăm lần số người vào thư viện đọc sách. Văn chương chữ nghĩa cắp nhặt từ trong nước vì thiếu tự trọng, lười và hà tiện; nếu bạn đọc một tờ báo – bất cứ loại báo gì, bạn sẽ thấy rất nhiều từ ngữ của Cộng Sản trong nước truyền bá ra các cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Gần đây lại có hiện tượng Gia Long – Minh Khai (sau 1975, trường Gia Long bị đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai. một đảng viên Cộng Sản) xẩy ra trong ngày Hội Ngộ bên Úc tạo nên những dư luận về chuyện CSVN đang cố tình lũng đoạn và len lỏi vào các vai trò lãnh đạo trong các hội đoàn người Việt trên khắp thế giới.

Về văn nghệ, thử lấy một thí dụ cụ thể: với kỹ thuật tối tân dùng các hệ thống máy thâu, ánh sáng mới nhất...vv...các tiết mục trình diễn trong các show “tạp lục” như Thúy Nga Paris, Asia, Vân Sơn...đều rập khuôn lại những kiểu trình diễn đại nhạc hội Việt Nam từ thuở thập niên 1960. Người thưởng ngoạn dễ tính, ham vui, chịu chi “bộn” để được mặc quần áo đẹp, ngồi trên hàng ghế VIP (nghe nói là chi tới mấy trăm đô một vé) rồi thỉnh thoảng lại được camera lướt qua, thu vào ống kính gương mặt hớn hở (cho hàng trăm, hàng ngàn người xem DVD ở nhà thấy mặt và thấy mình khoe của.) Tệ hơn cả thời những năm 60-70 là việc ca sĩ trong các video này hoàn toàn hát “nhép”, một hình thức trình diễn giả tạo, không còn được chấp nhận trên sân khấu các nước tân tiến trên thế giới, chắc chỉ còn lại ở Ba Tầu, Việt Nam và giới văn nghệ của dân hải ngoại. Thậm chí trong một vài concert của Mỹ, khi khán giả nghi là ca sĩ chỉ “nhép” chứ không hát “live”, họ bỏ ra về và đòi lại tiền, kết tội ca sĩ và bầu show vào tội bịp bợm, đánh lừa khán giả.

Ấy là chưa kể đến tệ nạn “Áo Gấm Về Làng” của dân tị nạn. Kể cả những người đã từng liều mạng trốn ra khỏi nước bằng những con tầu đánh cá mục nát. Mới đây, chính phủ Pháp đã tịch thu hàng chục ngàn thẻ cư trú cho những người sang Pháp, khai là bị Cộng Sản Việt Nam ngược đãi, xin tị nạn; rồi chỉ một vài năm sau thì “Áo Gấm Về Làng” một cách công khai. Hà Nội chủ mưu “chơi” mấy ông bà này như ký giả Xuân Mai của tờ báo “Ép-Phê Paris” tường trình: “Chính phủ Việt Cộng qua các đại sứ từ Võ Văn Sung, Mai Văn Bộ, Trịnh Ngọc Thái đến Nguyễn Chiến Thắng đã coi người Việt Nam là thành phần cực kỳ phản động, cần phải triệt hạ, hoặc áp dụng chính sách gậy ông đập lưng ông. Đó là, dễ giãi trong việc cấp chiếu khán cho họ, để họ bị OFPRA cắt quyền tỵ nạn và trợ cấp xã hội. Sau khi cấp chiếu khán, tòa đại sứ thông báo danh sách cho Bộ Nội vụ Pháp biết tên họ của những người vi phạm luật tỵ nạn. Một khi mất thẻ tỵ nạn, thì mất luôn thẻ thường trú (Carte de Séjour) nên không xin được việc làm. Trường hợp đó, muốn sống ở Pháp trên 3 năm, thì phải có Passport của chính phủ CSVN, để trở thành công dân Việt Cộng cho đến mãn kiếp.” Thế là “a lê hấp”, những kiều dân Việt đang được hưởng phúc lợi dưới cái gọi là Xã hội Chủ Nghĩa của Tổng Thống Hollande thuộc đảng Xã Hội (Socialist) bị cúp trợ cấp bánh mì baguette - beure Bretel – fromage Camembert (welfare Tây), chờ ngày trục xuất về cố hương vĩnh viễn nếu không xin lại vào công dân Việt Nam dưới sự kiềm tỏa của chính quyền CS. “Thâm” thật!

Nguồn an ủi lớn nhất trong khi “nhìn lại” là sự thành công của con, cháu chúng ta, các thế hệ thứ 2, 3 và sau này của dân Việt ở hải ngoại. Còn về thế hệ của tôi và những người đọc bài này trong Đặc San thì coi như “xong”.

Vừa rồi là những cái “nhìn lại” nông cạn về những chuyện xẩy ra từ Tháng Tư Đen - sau 40 năm - cho dân Việt trong và ngoài nước.

Con người thường được xem như trên thú vật một bậc vì chúng ta biết suy nghĩ, biết đọc, biết viết. Và nhất là con người được thượng đế cho một cái trí tưởng tượng rất phong phú. Trong văn chương có một loại tiểu thuyết rất đặc biệt. Loại tiểu thuyết này “nhìn lại” một dấu mốc lịch sử rồi phá tan hoặc thay đổi hẳn tình huống của cái dấu mốc đó. Tác giả tạo ra một cốt truyện với cùng các nhân vật có thực nhưng với những diễn biến và hậu quả hoàn toàn khác. Chúng ta có thể dùng nhóm chữ “Tiểu Thuyết Nếu Mà...” hay “Chẳng Hạn Như...” để chỉ loại văn này.

Tôi đã viết được 4 cuốn tiểu thuyết và gần đây đang có dự tính viết cuốn thứ năm với dạng “nếu mà” hay “chẳng hạn như” này. Tôi có cảm tưởng rằng, nếu tôi có thể viết được một cuốn tiểu thuyết “nếu mà...chẳng hạn như”, lấy biến cố Tháng Tư Đen làm mốc, thì tôi có thể tự lừa mình, bảo mình rằng nó đã không xẩy ra, không hiện hữu, không còn là một dấu mốc khổng lồ đè chĩu trong lòng nữa. Và để cho độc giả của tôi có cơ hội “nhìn lại” lịch sử trong lúc đọc sách.

Nói là làm.

Tôi ngồi vào bàn, bóp trán một lúc rồi ghi lại những suy nghĩ của mình về cuốn sách mà tôi sẽ (?) viết. Thí dụ như:
Câu chuyện “Nếu mà ...chẳng hạn như” lấy cuộc đảo chính 1.11.1963 làm mốc. Tôi sẽ cho cuộc đảo chính thất bại và hai ông Diệm-Nhu vẫn còn sống. Các tướng lãnh tham dự cuộc đảo chánh như Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn vv...sẽ bị giáng cấp xuống binh nhì, tống lên Pleiku làm lao công đào binh vì tội phản loạn. Sau đó một thời gian ông Diệm chết vì bênh ung thư phổi (hút thuốc Bastos xanh một ngày hơn ba gói). Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ lên làm Quyền Tổng Thống. Ông Thơ không ra tranh cử vì thấy mình quá yếu và hoàn toàn không thích chính trị. Tôi sẽ cho Ông Nhu ra tranh cử (gia đình trị?), đối đầu với Ông Nguyễn Ngọc Huy. Nhưng tôi sẽ tạo ra một biến chuyển chính trị cụp lạc: Lê Duẩn của Cộng Sản Bắc Việt rất sợ ông Nhu đắc cử nên, vì một lý do nào đó, hy sinh lá bài gián điệp nhị trùng của Phạm Xuân Ẩn, lúc đó đang làm tham vụ báo chí cho ông Nhu. Ẩn dùng súng bắn chết ông Nhu trong phòng làm việc, rồi trốn ra bưng. Lê Duẩn không ngờ là sau khi ông Nhu bị ám sát chết, Bà Nhu sẽ nhẩy ra thay chồng tranh cử Tổng Thống với sự ủng hộ của đoàn Thanh Nữ Cộng Hòa (với hơn 3 triệu thành viên) và đánh bại Ông Nguyễn Ngọc Huy với tỷ lệ phiếu nhỏ hơn 1%, trở thành vị nữ Tổng Thống đầu tiên trên thế giới (Marma Estela 'Isabel' Martinez Cartas de Peron là Tổng Thống của Á Căn Đình – lên kế vị chồng từ 1974 tới 1976. Còn Nữ Tổng Thống đầu tiên đắc cử trên thế giới là bà Vigdis Finnbogadsttir của Iceland – Băng Đảo - từ 1980 đến 1996.) Tôi sẽ viết là Madame President Trần Thị Lệ Xuân - đã lấy lại tên thời con gái, để tránh tiếng là gia đình trị - chủ trương thương thuyết hòa bình và đã thành công trong việc thống nhất hai miền Nam Bắc với một chính phủ liên hiệp mà không có bàn tay lông lá của Mỹ-Tầu-Nga, và được trao giải Nobel Hòa Bình vào tháng 10-1969 cùng với Hồ Chí Minh (truy tặng) hơn một tháng sau khi ông này chết. Tổng Thống Trần Lệ Xuân từ chối không nhận giải vì không muốn đứng tên chung trên giải thưởng nhân đạo này với một người bà gọi là “Tên Đồ Tể của dân tộc Việt Nam – The Butcher of the Vietnamese People.” Phó Tổng Thống Võ Nguyên Giáp, thầm yêu Tổng Thống Lệ Xuân, múa ba tấc lưỡi thuyết phục đảng Cộng Sản trong chính phủ liên hiệp từ chối không nhận giải thay mặt cho ông Hồ, viện cớ là ông Hồ chỉ là bù nhìn trong cuộc thương thuyết đem lại hòa bình cho Việt Nam. Lê Duẩn, tuy vẫn là Tổng Bí Thư, ở nhóm thiểu số, trước khi từ chức, cay cú ký lệnh trục xuất Tướng Giáp ra khỏi đảng. Ủy Ban Thường Vụ Trung Ương Đảng phủ quyết lệnh này của Lê Duẩn và bỏ phiếu tín nhiệm Giáp vào chức vụ Tổng Bí Thư kiêm PTT. Hiện hai huy chương vinh danh Hòa Bình này vẫn còn nằm trong bảo tàng viện Alfred Nobel ở Stockholm. Không biết số tiền thưởng đang nằm trong nhà băng nào, chắc ở Thụy Sĩ. Cho đến nay Việt Nam đã có thêm 7 Tổng Thống (tôi hãy còn do dự không biết lấy tên những người nào, trong hay ngoài nước, phong cho chức vụ này.) Thêm vào đó, vùng Đông Âu thoát ra khỏi gọng kìm Liên Bang Sô Viết, ra khỏi khối Warsaw, gia nhập thế giới tự do năm 1991. Cuba xin trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ sau cuộc đảo chính lật đổ Raul Castro vào năm 2013 do đám kiều dân Cuban ở Miami giật dây. Bắc Hàn - bị nạn đói chết mấy triệu dân vào năm 2002, cùng một lúc bị Nam Hàn cùng 60 ngàn quân Mỹ tràn qua Bàn Môn Điếm, phá tan lò chế tạo vũ khí nguyên tử nằm trong hốc núi rất sâu, hỏa tiễn “bunker buster” không xuyên thủng - cũng đầu hàng vô điều kiện và xin “thống nhất”. Trung Cộng trở tay không kịp vì lúc đó toàn nước Tầu cũng đang bị hạn hán trầm trọng, dân Tầu vùng lên phản đối vì bị chính quyền bỏ rơi; đảng và nhà nước phải huy động 2 triệu lính Hồng Quân đi trấn áp các vùng nổi dậy. Sau khi Bắc Hàn thua trận, Trung Hoa Đỏ là nước duy nhất trên thế giới còn mang danh hiệu “Nhân Dân” trong tên nước theo đúng tôn chỉ của đảng Cộng Sản là tất cả thuộc về “nhân dân.” Chính phủ liên hiệp Việt Nam (Cộng) Hòa (và Cộng) Sản cũng tan rã. Lý do: Thất vọng vì càng ngày chủ thuyết Cộng Sản của Marx, Lenin, Mao, vv...càng trở nên lỗi thời, toàn bộ đảng viên trung kiên trong bộ chính trị tuyên bố ly khai, tạo thành một làn sóng đỏ trôi ra biển Đông. Đảng Cộng sản Việt Nam tự triệt tiêu vì không còn đảng viên. Chính phủ Việt Nam Hòa Sản lấy lại quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa và quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vào năm 2004.

Tôi sẽ thêm một hậu đính là chuyện Tướng Không Quân hồi hưu Nguyễn Cao Kỳ và Nhạc Sĩ Phạm Duy qua đời cùng một ngày tại một viện dưỡng lão ở Nha Trang.

Đọc lại những gì mình viết, tôi nổi hứng, tạo thêm một chuyện nữa:

Chuyện “Nếu mà ...chẳng hạn như” này sẽ lấy vụ Watergate làm mốc. Tổng Thống Nixon bổ nhiệm Ronald Reagan làm Phó TT thay vì Gerald Ford. Sau khi Nixon từ chức, Reagan kế vị, lên làm Tổng Thống. Tôi sẽ cho ông già gân này – nổi tiếng là chống Cộng đến chiều – tiếp tục bỏ bom Hà nội, B-52 phá nát đường mòn Hồ chí Minh, đặt thủy lôi ngầm ở cảng Hải Phòng 6 tháng ròng rã làm kinh tế Bắc Việt bị tê liệt. Quân Bắc Việt trong Nam bị cô lập và không được tiếp viện, bị quân lực VNCH đánh tan cùng với các lực lượng quân ô hợp “ Bà Ba Đen” của cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Rồi đến đúng ngày 30 tháng Tư năm 1975, lúc 10 giờ sáng, hai Tướng Phạm Văn Phú* và Nguyễn Khoa Nam* sẽ cầm đầu 8 sư đoàn Hải Lục Không Quân VNCH trong chiến dịch Bắc Tiến vượt sông Bến Hải, trực chỉ Hà Nội; trên trời sẽ có nhiều phi đội máy bay khu trục và phản lực, trực thăng trong số đó có một phi công tên là Trần Anh Tuấn * tự Tuấn Lùn, có lẽ là người bạn thân nhất của tôi thời nhỏ, Dưới đất sẽ có những chi đội Thiết Giáp, trong đó có anh tôi là Đại úy Lê Báu* ngồi trên nắp xe tăng. Trong đơn vị Nhẩy Dù tiền phương có mặt Thượng Sĩ Nhất Thường Vụ Đại Đội Lê Ngọc Hưng*, em tôi. Trong thành phần lính bộ binh có Binh Nhì Đinh Cường*, anh vợ tôi. Mặt trận trên biển phía Đông do Hải Quân VNCH đảm trách với các khu trục hạm trong số đó có một chiến hạm do Thiếu Tá HQ Lê Anh Tuấn*, em ruột của Tướng Lê Nguyên Khang*, chỉ huy.

Thấy viết đến đây đủ rồi, tôi định tắt máy đi ngủ thì nhận được một bài của nhà văn Lê Tất Điều viết từ năm 1989 với tựa đề “Chân Dung Bác Hồ”. Trong đó, nhà văn họ Lê, dưới bút hiệu Kiều Phong, nhắc đến một chuyện do Hồ Chí Minh chủ động, tương tự như những gì Hitler và Đức Quốc Xã đã làm trước, trong và cả sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt: (Trích)"Trong Bắc bộ phủ, cái đầu óc "khôn ngoan, thiên tài" ấy lại sáng tạo ra một kế hoạch tài tình để sẵn sàng cho một cuộc chém giết mới, trong tương lai... Kế hoạch khôn ngoan của bác, kỳ này, nhằm khai thác tận tình sức lực và tính mạng của hàng trăm ngàn đứa trẻ con. Bác cho cán bộ bắt cóc trẻ em ở miền Nam, đưa ra Bắc huấn luyện, dạy dỗ, biến chúng thành những người lính cộng sản..."

Tôi bèn viết tiếp chuyện thứ ba:

Chuyện “Nếu mà ...chẳng hạn như” này sẽ lấy hội nghị 4 bên Ba Lê làm mốc. Hoàng Đức Nhã chơi đòn mỹ nhân kế, đưa một mỹ nữ sang Washington với một lá bùa tình của Thầy Ba Cầu Bông hỗ trợ, với mục đích “chài” Henry Kissinger. Anh chàng Do Thái độc thân nổi tiếng là khoái “sex” này lọt vào tròng. Giai đoạn hai là công tác “blackmail” với những hình ảnh chụp lén. Đột nhiên, cuộc diện Việt Nam thay đổi 180 độ. Cáo già Kissinger trơ tráo xoay chiều, đổi hẳn thái độ với Việt Nam Cộng Hòa và ủng hộ lập trường của Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc hòa đàm. Tổng Thống Nixon nghe lời khuyến dụ của Kissinger, bất kể sự chống đối của quốc hội và truyền thông Mỹ, coi thường những lời hăm dọa của Nga và Tầu, gia tăng áp lực quân sự và tiếp tục chiến dịch bỏ bom toàn miền Bắc của Mỹ. CSVN đành chấp nhận hiệp định với điều khoản là toàn thể quân CSBV phải rút về Bắc dưới sự kiểm soát gắt gao của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam giải giới. VNCH tái thiết. Nhưng Cộng Sản chưa chịu bỏ ý đồ xâm chiếm miền Nam. Chỉ 10 năm sau, chiến tranh tái phát khi miền Bắc đưa những đứa bé bị bắt cóc từ miền Nam trở về quê cũ. Bây giờ chúng đã trở thành những thanh niên được Cộng Sản nhồi sọ, quay lại tiếp tục mưu đồ làm lũng đoạn miền Nam làm cầu cho quân đội Bắc Việt tấn công một lần nữa. Việc quy cố hương của những đứa trẻ này thực sự chỉ là một kịch bản sao chép lại từ những chuyện CS âm mưu từ năm 1954 khi đất nước chia đôi...

Đang lo cho hiện tình đất nước phải trải qua một trận chiến không biết bao giờ mới chấm dứt thì có tiếng chuông điện thoại reo, kéo tôi về thực tại. Tôi ngưng viết, cầm chuột kéo bài lên từ đầu, thấy tựa đề bài mình đang viết là:
                  “40 NĂM NHÌN LẠI...CUỘC ĐỜI”...
 
bàng hoàng thấy là Tháng Tư Đen vẫn còn đó và cơn ác mộng của dân tộc Việt vẫn còn triền miên.


Luân Tế

(*)Đoàn quân ma của tôi gồm những người đã chết trong cuộc chiến Việt Nam.

                                    trở về trang chính:

                                                    http://letuanthewriterswebsite.yolasite.com/


Make a free website with Yola